Ngân hàng thanh lý loạt xe sang, nhà đất,... thấp nhất từ 20 triệu đồng - Ảnh 1.

Theo khảo sát của phóng viên, những tháng cuối cùng của năm 2022, các ngân hàng liên tục phát đi thông báo về việc thanh lý hàng loạt tài sản đảm bảo bao gồm ô tô, bất động sản. Tuy nhiên, rất nhiều tài sản dù đã được hạ giả tới cả trăm tỷ đồng nhưng vẫn không có người mua.

Đối với tài sản ô tô, VIB hiện là ngân hàng có nhiều ô tô thanh lý nhất với nhiều mức giá khác nhau. Cụ thể, Mercedes C300 đời 2014 được rao bán giá 650 triệu đồng, một chiếc CLA45 sản xuất năm 2015 giá 905 triệu đồng, một chiếc C250 2018 giá 1,1 tỷ đồng. Nhiều chiếc xe sang cao cấp hơn như Mercedes E180 đời 2020, E250 đời 2018, E300 đời 2021 cũng đang được VIB rao bán với mức giá từ 1,5 - 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VIB còn thanh lý nhiều dòng xe cao cấp khác như Land Rover sản xuất năm 2012 giá 774 triệu đồng, Volkswagen đời 2016 giá 322 triệu đồng, Peugeot 5008 đời 2019 giá 870 triệu đồng, Peugeot 3008 đời 2021 giá 990 triệu đồng; chiếc Toyota Camry 2.5Q sản xuất năm 2021 giá hơn 1,1 tỷ đồng,...

Tương tự, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) chi nhánh Đông Gia Lai bán đấu giá tài sản bảo đảm chiếc ô tô nhãn hiệu Chevrolet sản xuất năm 2013 với giá khởi điểm 148 triệu đồng; một chiếc ô tô nhãn hiệu Ford giá khởi điểm 175 triệu đồng...

Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn thì thông báo bán đấu giá ô tô Mercedes GL 550, sản xuất năm 2011 với giá khởi điểm 850 triệu đồng. Tại Agribank chi nhánh tỉnh Gia Lai cũng đang bán đấu giá 4 ô tô bao gồm một chiếc Toyota sản xuất 2004, 15 chỗ ngồi với giá khởi điểm 20 triệu đồng; một chiếc ô tô chuyên dùng Isuzu sản xuất năm 2003 có giá khởi điểm 52 triệu đồng; một chiếc ô tô chuyên dùng Isuzu đời 2001 giá 47 triệu đồng, một chiếc ô tô 7 chỗ ngồi Mitsubishi sản xuất năm 1998 giá khởi điểm 28 triệu đồng...

Ngoài tài sản là các xe và phương tiện đi lại, nhiều ngân hàng cũng thông báo thanh lý loạt nhà đất, nhà máy, văn phòng,... có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như Ngân hàng BIDV chi nhánh Bình Tân - TP Hồ Chí Minh thông báo bán đấu giá bất động sản lần thứ 6 với lô đất 236,2m2 có giá khởi điểm 16,2 tỷ đồng (giảm 1 tỷ đồng so với khởi điểm đấu giá lần 1).

Vietcombank chi nhánh Bạc Liêu thông báo bán đấu giá tài sản đảm bảo lô đất rộng 497 m2 của Công ty CP Sản xuất và Thương mại Thiên Tân lần thứ 7 với giá khởi điểm chỉ còn hơn 10,4 tỷ đồng.

Vietcombank Đà Nẵng thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và nhà ở diện tích 141,5 m2 tại 85 Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng với giá khởi điểm hơn 20 tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 11, Vietcombank thông báo đấu giá tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác của Công ty của Công ty TNHH Kỹ nghệ Evergreen với giá khởi điểm hơn 785 tỷ đồng (giảm khoảng 300 tỷ đồng so với mức giá cách đây gần 1 năm).

Trong khi đó, Agribank chi nhánh Sài Gòn thông báo lần 2 bán đấu giá tài sản bảo đảm cho khoản nợ của Công ty CP Nông dược H.A.I (DN thuộc Tập đoàn FLC). Tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất, thửa đất số: 90,93; tờ bản đồ số 27 tại địa chỉ 358 Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh với diện tích 3.048 m2.

Agribank chào giá khởi điểm cho tài sản trên là hơn 190 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này từng bán đấu giá mảnh đất này trong cuối tháng 9 với giá khởi điểm gần 220 tỷ nhưng không thành công.

Đại hạ giá nhưng vẫn.... ế ẩm

Theo anh Khánh, chủ showroom ô tô trên đường Trần Thái Tông, mặc dù các dòng xe được ngân hàng thanh lý có giá rẻ hơn thị trường cả trăm triệu đồng nhưng đa phần người mua đều ngại xuống tiền khi mua xe. Bởi lẽ, xe thanh lý có thể phải nằm chờ 3-6 tháng, thậm chí cả năm tới khi có khách mua lại.

Khi mua xe thanh lý của ngân hàng, khách hàng sẽ được đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, giá trị của xe, nhưng về chất lượng thì không được đảm bảo. Những chiếc xe được ngân hàng thanh lý thường không trải qua khâu kiểm tra chất lượng ban đầu như tại các showroom.

Do đó, người mua sẽ phải mất thời gian nghiên cứu tìm hiểu, đặc biệt là cần thuê hoặc nhờ người có khả năng để thẩm định lại xe muốn mua. Xe thanh lý ở ngân hàng thường có nhiều chiếc đã lâu không hoạt động, để ở kho bãi không được tân trang, sửa chữa, nên có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chất lượng. Đặc biệt, xe mua thanh lý sẽ không có chế độ hậu mãi vì thế sau khi mua nếu có hư hỏng hay gặp vấn đề gì người mua sẽ phải tự chịu.

Bên cạnh đó, những dòng xe quá cũ khó có thể tìm được phụ tùng thay thế, hoặc phải mua phụ tùng với giá cao, hoặc chấp nhận sử dụng phụ tùng cũ, không kiểm soát được chất lượng. Ngoài ra, xe quá cũ, tiêu hao nhiên liệu rất lớn, đặc biệt với những chiếc sản xuất từ những năm 1995-2004.

Trong khi đó, đối với bất động sản, dù được hạ giá sâu nhưng không nhiều người mặn mà với bất động sản phát mại, thanh lý. Nguyên nhân chính là bất động sản đang rơi vào giai đoạn khó khăn và thanh khoản rất yếu, nhất là các tài sản giá trị lớn.

Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng ngại mua các tài sản thanh lý vì… yếu tố pháp lý. Việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Nhiều tài sản thế chấp là bất động sản cần sự đồng thuận của chủ tài sản.

Giá khởi điểm phải được đồng ý của cả ngân hàng lẫn khách hàng nên mất nhiều thời gian cho thủ tục đấu giá tài sản bảo đảm. Chưa kể, không ít tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Vì vậy, khi phát mại, các ngân hàng thường có xu hướng định giá theo giá trị khoản nợ mà chưa sát với giá thị trường.

https://cca.autopro.com.vn/