Elon Musk đã xây dựng công ty xe ô tô điện của mình, Tesla, với lời hứa rằng nó sẽ đại diện cho tương lai của việc lái xe. Phần lớn lời hứa tập trung vào Autopilot, một hệ thống với các tính năng có thể điều khiển, phanh và tăng tốc những chiếc xe điện kiểu dáng đẹp của công ty trên đường cao tốc.

Không giống như các nhà công nghệ tại hầu hết các công ty khác đang làm về phương tiện tự lái, ông Musk khẳng định rằng xe có thể tự vận hành chỉ với các camera theo dõi môi trường xung quanh. Tuy nhiên, nhiều kỹ sư Tesla đã đặt câu hỏi rằng liệu có đủ an toàn khi chỉ dựa vào camera mà không cần đến tiện ích từ các thiết bị cảm biến khác hay không.

Hiện câu hỏi đó đang là trọng tâm của cuộc điều tra của Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia sau ít nhất 12 vụ tai nạn. Trong các vụ tai nạn đó, những chiếc xe Tesla sử dụng Autopilot đã lao vào xe cứu hỏa, xe cảnh sát và các phương tiện cấp cứu khác đang đậu, khiến một người thiệt mạng và 17 người khác bị thương. Các gia đình đang kiện Tesla về những vụ tai nạn chết người, và các khách hàng của Tesla đang kiện công ty vì đã diễn đạt sai về Autopilot và một phiên bản  nâng cấp của hệ thống này có tên là Full Self Driving, gọi tắt là F.S.D..

Các cuộc phỏng vấn với 19 người đã làm cho dự án trong thập kỷ qua cho thấy, với tư cách là người chỉ đạo phía sau của Autopilot, ông Musk đã thúc đẩy nó theo hướng để các nhà sản xuất ô tô khác không muốn sử dụng loại công nghệ này.

Kể từ khi Tesla bắt đầu làm về Autopilot đến nay, kỳ vọng tiếp thị những chiếc xe Tesla như một kỳ quan công nghệ của ông Musk vẫn còn một trở ngại, đó là do xe vẫn chưa đạt được độ an toàn khi sử dụng.

Trong nhiều năm, ông Musk đã nói rằng ô tô Tesla sắp đạt đến mức tự vận hành hoàn toàn. "Tất cả các xe Tesla xuất xưởng đều được lắp toàn bộ phần cứng cần thiết cho việc tự vận hành ở cấp độ 5", ông tuyên bố vào năm 2016. Tuyên bố này đã gây ngạc nhiên và lo ngại cho một số người làm việc trong dự án, vì Hiệp hội Kỹ sư Ô tô định nghĩa Cấp độ 5 là tự vận hành hoàn toàn.

Các nhà quản lý đã cảnh báo rằng Tesla và ông Musk đã phóng đại sự ưu việt của Autopilot, khuyến khích một số người sử dụng sai mục đích.

Camera được coi như đôi mắt của người lái xe

Tesla đã bắt đầu phát triển Autopilot hơn bảy năm trước như một nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới ở châu Âu, vốn đòi hỏi công nghệ như phanh tự động. Ban đầu, công ty gọi đây là dự án "hỗ trợ người lái nâng cao", nhưng sau đó, các giám đốc điều hành do ông Musk lãnh đạo đã quyết định chọn "Autopilot", mặc dù một số kỹ sư Tesla phản đối cái tên này vì gây hiểu lầm.

Vào thời kỳ đầu, Autopilot sử dụng camera, radar và cảm biến sóng âm. Nhưng ông Musk nói với các kỹ sư rằng hệ thống cuối cùng sẽ có thể lái tự động chỉ với camera là đủ, theo ba người làm việc trong dự án. Họ cho biết nhóm Autopilot tiếp tục phát triển hệ thống sử dụng radar và thậm chí còn lên kế hoạch mở rộng số lượng cảm biến radar trên mỗi chiếc xe, cũng như khám phá lidar - thiết bị "phát hiện ánh sáng và phạm vi" đo khoảng cách bằng xung laser.

Tuy nhiên, ông Musk nhấn mạnh rằng phép ẩn dụ hai mắt của ông là con đường phía trước và đặt câu hỏi liệu radar cuối cùng có đáng để các bên thứ ba phải đau đầu và tốn chi phí để mua và tích hợp công nghệ radar từ bên thứ ba hay không. Theo thời gian, công ty và nhóm nghiên cứu đã tiến gần hơn đến cách suy nghĩ của ông, chú trọng hơn vào công nghệ camera.

Mưu tính của Elon Musk khi phát triển xe tự lái 100%: Để mặc tai nạn xảy ra vì không muốn các hãng khác dùng công nghệ tương tự?  - Ảnh 1.

Các công ty khác đang phát triển hệ thống hỗ trợ người lái và ô tô tự hành hoàn toàn cho rằng camera là không đủ. Ví dụ, Google đã trang bị cho những chiếc xe tự lái thử nghiệm của mình các thiết bị lidar đắt tiền to bằng những chiếc xô gắn trên nóc xe.

Ngược lại với lidar, camera nhỏ và rẻ tiền. Điều này khiến Tesla thu hút sự chú ý với những chiếc xe kiểu dáng đẹp. Radar, sử dụng sóng vô tuyến và đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, rẻ hơn so với lidar, một công nghệ ít phổ biến hơn. Nhưng theo ba người làm việc trong dự án, một số kỹ sư ủng hộ phương pháp chỉ sử dụng camera của ông Musk, cho rằng radar không phải lúc nào cũng chính xác và rất khó để đối chiếu dữ liệu radar với thông tin từ camera.

Vào cuối năm 2014, Tesla đã bắt đầu lắp đặt radar trên những chiếc sedan Model S của mình khi họ chuẩn bị tung ra phiên bản Autopilot đầu tiên. Nhưng ông Musk không thích cách radar nằm bên trong một lỗ hở phía trước ô tô nên đã yêu cầu các kỹ sư của mình lắp thêm một miếng đệm cao su, mặc dù một số nhân viên đã cảnh báo rằng miếng đệm có thể giữ lại lớp băng tuyết và ngăn hệ thống hoạt động bình thường, hai người làm việc trong dự án vào thời điểm đó cho biết.

Các vấn đề với Hệ thống lái tự động của Tesla

Xe Tesla có thể sử dụng máy tính để xử lý các tình huống khi lái, chẳng hạn như chuyển làn đường. Tuy nhiên, có những lo ngại rằng hệ thống hỗ trợ lái xe này, được gọi là Autopilot, không an toàn.

Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia đang xem xét sự liên quan của Autopilot trong các vụ va chạm, sau 12 sự cố liên quan đến việc các xe của Tesla đâm vào xe cấp cứu đang đậu. Cơ quan có thẩm quyền buộc công ty phải thu hồi xe hoặc lắp đặt thiết bị an toàn mới.

Vào tháng 5 năm 2016, chủ sở hữu Model S, Joshua Brown, đã thiệt mạng ở Florida khi Autopilot không nhận ra một xe đầu kéo đang băng qua trước mặt. Xe của ông có lắp radar và camera.

Nhìn lại vụ tai nạn năm 2019 khiến một sinh viên đại học 22 tuổi thiệt mạng đã cho thấy những lỗ hổng trong hệ thống lái xe tự động của Tesla và sự mất tập trung có thể gây ra những hậu quả bi thảm như thế nào. Trong một vụ việc khác liên quan đến cái chết của một cậu bé 15 tuổi, sau khi chiếc Tesla đâm vào một chiếc xe tải, một gia đình ở California đang kiện công ty, cho rằng hệ thống Autopilot phải chịu một phần trách nhiệm.

Báo cáo của Consumer Reports nhận thấy, tính năng lái tự động có thể bị đánh lừa khi cho phép các xe của Tesla tự hành mà không cần ai ngồi trong ghế lái. Nhà sản xuất ô tô cũng tung ra một bản cập nhật phần mềm cho phép người lái chơi trò chơi điện tử trong khi xe đang chuyển động. Điều này khiến các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ giám sát kỹ lưỡng. Tesla cuối cùng đã đồng ý vô hiệu hóa tính năng này.

Mưu tính của Elon Musk khi phát triển xe tự lái 100%: Để mặc tai nạn xảy ra vì không muốn các hãng khác dùng công nghệ tương tự?  - Ảnh 2.

Tesla sau đó nói rằng trong vụ va chạm, camera của Autopilot không thể phân biệt được đâu là chiếc xe tải màu trắng và đâu là bầu trời sáng. Tesla chưa bao giờ công khai giải thích lý do tại sao radar không ngăn được vụ tai nạn. Công nghệ radar, giống như camera và lidar, không hoàn hảo. Nhưng hầu hết những người trong ngành đều tin rằng điều này có nghĩa là càng có nhiều loại cảm biến càng tốt.

Những chiếc xe tự hành hoàn toàn

Khi Tesla tiếp cận việc giới thiệu Autopilot 2.0, hầu hết nhóm làm về Autopilot đã bỏ nhiệm vụ bình thường của họ để làm việc trên một video nhằm chứng tỏ hệ thống có thể tự động vận hành như thế nào. Nhưng đoạn video cuối cùng không cung cấp hình ảnh đầy đủ về cách chiếc xe vận hành.Tại một thời điểm trong quá trình quay đoạn video, chiếc xe đã tông vào hàng rào bên đường của Tesla và phải được sửa chữa, ba người thực hiện đoạn video cho biết.

Khi công bố Autopilot 2.0 vào tháng 10 năm 2016, ông Musk nói tại cuộc họp báo rằng tất cả các xe mới của Tesla hiện nay đều được lắp đặt camera, máy tính  và tất cả các phần cứng cần thiết khác để "tự vận hành hoàn toàn". Tuyên bố của ông đã khiến nhóm kỹ sư ngạc nhiên và một số người cảm thấy rằng ông Musk đang hứa hẹn một điều gì đó không thể thực hiện được, theo hai người làm việc trong dự án,

Sterling Anderson, người lãnh đạo dự án vào thời điểm đó và sau đó thành lập một công ty lái xe tự hành có tên Aurora, nói với nhóm bán hàng và tiếp thị của Tesla rằng, họ không nên gọi công nghệ của công ty là "tự động" hoặc "tự hành" vì điều này sẽ gây hiểu lầm công khai, hai cựu nhân viên cho biết. Một số người trong công ty có thể đã chú ý đến lời khuyên, nhưng Tesla đã sớm sử dụng thuật ngữ "tự hành hoàn toàn" như một cách tiêu chuẩn để mô tả công nghệ của mình.

Đến năm 2017, Tesla bắt đầu bán một bộ các dịch vụ mà công ty đã mô tả là một phiên bản Autopilot tiên tiến hơn, gọi là gói Full Self Driving. Các tính năng của nó bao gồm phản ứng với đèn giao thông và biển báo dừng, chuyển làn đường mà không cần người lái xe nhắc nhở. Công ty đã bán gói sản phẩm này với giá lên đến 10.000 USD. Các kỹ sư đã làm về công nghệ này thừa nhận rằng các dịch vụ này vẫn chưa đạt được sự tự hành hoàn toàn như tên gọi của nó và đã được ông Musk hứa hẹn trong các tuyên bố trước công chúng.

Vào đầu tháng 11, Tesla đã thu hồi gần 12.000 xe nằm trong quá trình thử nghiệm beta của F.S.D. sau khi triển khai bản cập nhật phần mềm mà công ty cho biết có thể gây ra tai nạn do kích hoạt bất ngờ hệ thống phanh khẩn cấp của ô tô.

Amnon Shashua, giám đốc điều hành của Mobileye, một nhà cung cấp cũ của Tesla đã thử nghiệm công nghệ tương tự như công nghệ của nhà sản xuất ô tô điện, cho biết ý tưởng của ông Musk về việc chỉ sử dụng camera trong hệ thống tự lái cuối cùng cũng có thể hoạt động, mặc dù có thể cần đến các cảm biến trong ngắn hạn. Ông nói thêm rằng ông Musk có thể phóng đại khả năng công nghệ của công ty, nhưng không nên quá coi trọng những tuyên bố đó.

Theo Minh Phương

Nhịp sống kinh tế