Đại công trường 335ha

Hải Phòng một ngày giữa tháng 4 đã bắt đầu oi bức.

Đi dọc theo con đường dẫn từ trung tâm thành phố qua khu công nghiệp Đình Vũ, nối tới cảng Lạch Huyện, qua cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, vượt qua rất nhiều khu tập kết container, những bãi đất vốn xưa kia là đầm tôm rộng hàng trăm ha đang trong thời gian chờ giao mặt bằng cho các nhà máy, người lái xe taxi còn rất trẻ kể cho chúng tôi sự thay đổi mạnh mẽ ở khu vực này khi con đường nối biển được hoàn thành. "Không còn phải chờ phà lâu nữa, từ trung tâm thành phố tới bên kia Cát Hải chỉ mất 20 phút".

Những người dân ở huyện đảo Cát Hải từng có thời không bao giờ khóa cửa nhà, xe máy để ngoài đường không sợ có người lấy trộm, nhưng nay đã phải tập thói quen khác khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành. Nếp sinh hoạt an bình giản dị của người dân huyện đảo này được kéo gần hơn với nhịp sống thành thị, kể từ ngày 2/9/2017 khi công trình nối biển dài nhất Việt Nam thông xe, và khi công trường VINFAST bắt đầu sáng đèn.

Đại công trường rộng 335 ha nằm giữa Km số 2 và số 3 trên đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện được bao bọc trọn vẹn bởi tường bao in hình những mẫu xe hơi thiết kế Ý mà Vingroup từng đưa ra lấy bình chọn của người tiêu dùng. Từ phía con đường dẫn ra cảng Lạch Huyện, có thể dễ dàng nhìn thấy cánh cổng sắt chữ V cách điệu như một cánh chim khổng lồ đang tung cánh, thế chỗ cho những đầm tôm, đồng muối từng gắn liền với cuộc sống bao đời của ngư dân, diêm dân ở vùng đất cửa biển này.

Con đường chính dẫn vào đại công trường cách cổng chữ V khoảng 500m, treo biển của nhà thầu Coteccons. Chỉ trong vài phút, hàng chục chiếc xe tải, xe container chở vật liệu xây dựng được chuyển vào khu công trường qua cánh cổng này. Giữa những đợt chuyển vật liệu, một nhóm nhân công của Coteccons tập trung quét bụi do xe xả ra trước cửa công trường, xóa đi những đường lốp xe phủ đất có lúc kéo dài ra tới đường cái.

Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 1.

Đại công trường ở km số 3 Tân Vũ - Lạch Huyện.

Khu vực ban điều hành xây dựng nằm ngay bên phải cổng khu công trường, trong 6 chiếc container cải tạo. Ở căn phòng chính, hai dãy bàn lớn là nơi làm việc của những người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật, chất lượng, tốc độ của công trình, giữa ngổn ngang bản vẽ thiết kế, mẫu vật tư các hạng mục, và những cuốn sổ nhật ký công trình ngày càng dày lên theo tiến độ gấp rút…

Trong căn phòng 4 vách đều bằng sắt, dưới cái nóng, nắng và hơi muối biển, bất cứ ai không quen cảnh ăn cơm, sinh hoạt kiểu "dân công trình" đều cảm thấy kiệt sức rất nhanh. Nhưng với những người đã gắn bó 6 tháng với dự án này, họ chia ca, chạy đua với thời gian, để hoàn thành một trong những dự án tham vọng nhất về ô tô của Việt Nam.

Toàn cảnh nhà điều hành VINFAST ở Cát Hải, Hải Phòng.

6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt Nam

Ngày 2/9/2017, Vingroup tổ chức buổi lễ khởi công dự án tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST, với 5 phân xưởng chính là xưởng ép, xưởng thân xe, xưởng sơn, xưởng sản xuất động cơ và xưởng lắp ráp. Mục tiêu khi đó của người đứng đầu Vingroup là thực hiện dự án này với tốc độ 12 tháng kể từ ngày khởi công sẽ đưa ra thị trường xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô, được chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá "là kỳ tích".

Khối lượng công việc khổng lồ tưởng như khó có thể hoàn thành trong thời gian tính bằng tháng nay lại có được những bước tiến đáng ngạc nhiên chỉ trong vòng 6 tháng. Vài tuần sau ngày khởi công, VINFAST tuyên bố tuyển dụng 2 nhân sự hàng đầu về ô tô của thế giới là cựu CEO Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ và cựu Phó chủ tịch GM James B. Deluca, cho ra mắt 20 mẫu thiết kế sedan và SUV (tháng 10/2017). Sau đó, lần lượt là các buổi ký hợp tác với Bosch và Pininfarina, mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ BMW, trình làng 36 thiết kế xe điện và hatchback (tháng 3/2018)…

Cùng với đó, trên công trường ở Hải Phòng, rất nhiều hạng mục thi công chính đã thành hình. Bên những con đường nhựa còn mới, những cây dừa được trồng nhưng chưa xõa tán, hàng xoài còn chống gốc, và những khuôn viên bắt đầu được trồng hoa, khu nhà điều hành chính của dự án này – hạng mục được ưu tiên thi công – đã ở những bước hoàn thiện cuối cùng, với yêu cầu cương quyết từ người đứng đầu Vingroup là phải xong trước tháng 7/2018 để đón ban điều hành dự án, cùng những học viên khóa đầu của Trung tâm đào tạo VinCampus.

Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 3.
Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 4.
Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 5.
Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 6.

Nhà điều hành VINFAST.

Khối nhà vòng cung 3 tầng này dễ khiến người ta liên tưởng tới trụ sở "Tàu vũ trụ" của Apple – công trình đắt thứ 3 thế giới tính đến cuối năm 2017 – khi cả 2 cùng sở hữu thiết kế khung thép bọc kính nổi bật. Nhưng nếu trụ sở của Apple dành để tôn vinh những cống hiến của vị CEO đã qua đời, thì công trình của VINFAST lại dành để mở ra chương mới cho ngành công nghiệp xương sống của Việt Nam.

Toàn bộ trần tầng 1 được ốp gỗ, mái chính xếp lớp chéo để lấy sáng tự nhiên. Không gian phía trong dành riêng tầng 1 cho việc đào tạo, tầng 2 là các khối phòng ban và tầng 3 được là khu vực họp, nơi làm việc riêng của ban lãnh đạo, và kết nối với nhau thông qua gần 50 bậc thang án ngữ tầm mắt ngay lối vào.

"Ở đây làm gì có ca, chúng tôi làm cả đêm cả ngày", người phụ trách an ninh cho công trình này nói khi chúng tôi hỏi một công nhân về thời gian kết thúc công việc.

Khi đó là 12 trưa, từng tốp lẻ công nhân đã nghỉ ăn trưa, nhưng số ít vẫn nán lại với công việc của mình. Họ miết lại xi măng vào những rãnh lệch trên bậc thềm khu nhà điều hành, nâng thanh trần và kiểm tra lại đường điện. Họ quả quyết công trình sẽ xong ngay vào tháng 4 để đưa vào sử dụng đầu tháng 5, sớm hơn 2 tháng so với tiến độ đề ra ban đầu.

Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 7.

Giàn thép ấn tượng trên khu nhà điều hành VINFAST.

Thay vì được tận dụng như ở tầng 1, các không gian xen kẽ bị cắt bởi việc phân bố phòng vuông và thiết kế cong của công trình ở tầng 2 và tầng 3 hầu như được để trống, tạo thành giếng trời. An toàn được đặt lên hàng đầu khi tại các khu vực ốp kính sáng, nhà thầu luôn dán biển cảnh báo nguy hiểm tại nơi dễ nhìn.

Từ đây, nếu phóng tầm mắt ra xa, có thể thấy vị trí của khu nhà điều hành được vây quanh bởi hàng loạt hạng mục phục vụ cho sản xuất xe máy điện rộng tới 35ha, từ nhà máy phát điện, xưởng lắp ráp và xưởng sơn xe máy điện, đến kho chứa xe điện thành phẩm. Trong đó, khu nhà xưởng sản xuất xe máy điện được sơn 3 màu cờ Italia rất nổi bật.

Với 3 nhà xưởng xe máy và 5 nhà xưởng ô tô, Vingroup thực hiện thi công song song giữa nhiều nhà thầu. Riêng với Coteccons, ông lớn xây dựng này nhận được gói thầu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, trong đó có xây dựng nhà điều hành và xưởng sản xuất ô tô (sản xuất động cơ và lắp ráp ô tô).

Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 8.

Biển báo công trường tại VINFAST.

Tổng diện tích xây dựng cho khu vực nhà máy ô tô là 110ha, bao gồm các module trung tâm, khu vực xưởng lắp ráp, bên cạnh nhà kho xe thành phẩm. Phần hạ tầng phục vụ trực tiếp cho nhà máy ô tô này có diện tích khoảng 70.000m2, có cả đường chạy thử. Riêng phần xưởng động cơ và các nhà cung cấp vệ tinh chiếm tổng diện tích 170ha, được kết nối với các phân khu sản xuất khác thông qua hệ thống logistic nội bộ của VINFAST.

Tương lai bên những công trình tỷ đô

Hải Phòng là thành phố lớn thứ ba của cả nước và lớn thứ hai miền Bắc, chỉ xếp sau thủ đô Hà Nội. Tháng 1/2018, báo cáo của Sở kế hoạch và đầu tư Hải Phòng cho biết, GDP bình quân đầu người của tỉnh này năm 2017 theo giá hiện hành đạt 53,5 triệu đồng/người/năm, tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2016. Trung bình, mỗi tháng, người dân Hải Phòng có thu nhập 4,46 triệu đồng.

Nhưng Hải Phòng đang mơ xa hơn. Lãnh đạo tỉnh này đặt mục tiêu sẽ có tốc độ tăng GDP bình quân đạt 14%, cao hơn mức tăng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ khoảng 1,3 lần, với con số tuyệt đối chạm ngưỡng 5.000 USD vào năm 2020. Tức là đến khi đó, mỗi người Hải Phòng phải phấn đấu tạo ra thu nhập 100 triệu đồng/năm, gần gấp đôi mức hiện hành.

Để đạt được mục tiêu này, Hải Phòng đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy kinh tế của từng khu vực phát triển. Ngoài con đường nối biển Tân Vũ - Lạch Huyện, ở Hải Phòng, không khó để tìm thấy những dự án tỷ đô đang được triển khai với tốc độ chưa từng có. Đó là cảng cửa ngõ quốc tế được đầu tư tới 18.000 tỷ đồng, và siêu dự án sản xuất ô tô xe máy điện trị giá 3,5 tỷ USD.

Một ngày ở đại công trường VINFAST: 6 tháng định hình giấc mơ ô tô Việt - Ảnh 9.

Công trường cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc - Lạch Huyện.

Nếu trước đây, người dân Cát Hải trông chờ vào du lịch, vào muối, nuôi tôm, không ít người trong số họ mong con cái có thể sống tốt theo nghiệp diêm dân, ngư dân, hay mở được nhà hàng buôn bán ở bãi biển du lịch Cát Hải, Cát Bà. thì nay, những người trẻ ở huyện đảo này có thể chuẩn bị hành trang để trở thành một trong số 25.000 lao động tại nhà máy VINFAST và hàng chục nghìn lao động khác của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Những người dân sống gần cảng nước sâu Lạch Huyện nói, họ đang háo hức chờ xem những cánh tay robot dành riêng nhà máy ô tô của VINFAST được chuyển về từ cầu cảng tỷ đô này, khi Lạch Huyện có thể hoàn thành giai đoạn đầu của việc xây dựng vào tháng 5/2018.

"Đời cha mẹ không mơ có cái ô tô, nhưng đời con cháu cũng mong có được cái xe chạy tốt, để đi được hết đất Hải Phòng. Nếu đó là cái xe mà mình góp công làm ra, là cái xe của người Việt Nam, thì còn gì bằng", cô Nguyễn Thị Tuyến, một người dân Cát Hải bật thốt lên khi chỉ tay về phía khu nhà điều hành dự án VINFAST, nơi ở đó, có những người Việt, người Tây đang nỗ lực để hoàn thành một ước mơ đã kéo dài hàng thập kỷ./.

Ảnh: Hoàn Như. Video: Đức Thành - Xuân Hoàng