Một năm trước còn tưởng phá sản đến nơi, ngành sản xuất đặc biệt này phục hồi với tốc độ thần sầu: Làm ra sản phẩm nào hết veo sản phẩm đó, đơn hàng lấp kín đến 2029 - Ảnh 1.

Khi du lịch quay trở lại và ngay cả Trung Quốc cũng dỡ bỏ những hạn chế cuối cùng liên quan đến Covid, một sự thật phũ phàng sắp lộ ra - thế giới đang thiếu máy bay một cách trầm trọng.

Với việc các hãng hàng không từ United Airlines đến Air India đang tìm cách đặt đơn hàng máy bay với số lượng lên tới hàng trăm chiếc, Boeing và Airbus đang nắm trong tay rất nhiều các giao dịch “bom tấn”.

Tuy nhiên, hạn chế trong chuỗi cung ứng có nghĩa những chiếc máy bay đó có thể sẽ không được giao cho đến nhiều năm nữa. Jefferies LLC ước tính có đến 12.720 chiếc máy bay đang nằm trong các đơn hàng tồn đọng. Điều này cũng đồng nghĩa giá vé máy bay cao ngất mà người dùng phàn nàn trong vài tháng qua có thể chưa phải điều tồi tệ nhất.

Ajay Awtaney, người sáng lập trang LiveFromALounge cho biết: “Mọi người đã quen với việc giảm giá vé trong thời kỳ đại dịch và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Không chỉ thiếu máy bay mà còn các yếu tố khác như giá nhiên liệu”.

Boeing và Airbus, những gã khổng lồ sản xuất máy bay gần như chiếm trọn lượng đơn hàng cung cấp máy bay toàn cầu, đã bán hết các mẫu máy bay một lối đi phổ biến nhất của họ ít nhất cho đến năm 2029.

Nhu cầu bùng nổ của các hãng hàng không, khi người dân đổ xô đi “du lịch trả thù” đang tạo ra thách thức lớn cho chuỗi cung ứng - từ việc cung cấp các linh kiện cần thiết cho đến tình hình lao động.

Đầu tháng này, Airbus đã bỏ mục tiêu giao 700 máy bay phản lực trong năm nay với lý do ảnh hưởng bởi chuỗi cung ứng. Trước đó, họ cũng cảnh báo chi phí năng lượng tăng vọt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất sử dụng nhiều năng lượng như các nhà sản xuất vật đúc và rèn.

Theo Air Lease Corp, mọi chiếc máy bay giao cho họ đều bị trễ trong 2 năm qua. “Chúng tôi không nhận đúng hạn bất kỳ chiếc máy bay nào, cho dù đó là 737 Max, 787 hay A330, A350”, đại diện của hãng này nói. “Tồi tệ nhất là máy bay A320neo. Chúng tôi bị chậm trễ tới 6-7 tháng so với hợp đồng giao hàng. Đó là hệ quả của gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng trưởng nhu cầu quá nhanh và thiếu lao động. Công nhân sản xuất không thể làm việc tại nhà. Vì vậy, nó thực sự là một vấn đề”.

Hàng nghìn chiếc máy bay mà các hãng vận tải cất giữ ở các sa mạc trên khắp thế giới - khi Covid bùng nổ và các quốc gia đóng cửa biên giới, cũng góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt. Hàng trăm chiếc đã không được đưa trở lại các đội bay vì chúng cần được bảo dưỡng nghiêm ngặt sau thời gian dài không sử dụng. Một phần trong số này cũng đã nằm trong kế hoạch bị loại bỏ dần của các hãng hàng không.

Kết quả là giá vé máy bay đang bị đẩy lên cao ngất ngưởng, thậm chí có thể còn tăng cao hơn nữa khi các chuyến công tác trở lại và nhiều người sẵn sàng tự thưởng cho mình các chuyến nghỉ ngơi ở nước ngoài đầu tiên sau nhiều năm.

Nó cũng đồng nghĩa bạn sẽ bay trên những chiếc máy bay cũ hơn.

“Các hãng hàng không sẽ dùng những chiếc máy bay lâu hơn. Trước đây, các hãng hàng không châu Á lập kế hoạch cho đội bay theo chu kỳ 12 năm nhưng hiện tại, họ có xu hướng kéo dài hơn” Sunny Xi – giám đốc công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại Singapore nói.

Đối với Boeing và Airbus, giao máy bay đúng hạn bây giờ là ưu tiên số một. Airbus chứng kiến lượng đặt hàng tăng vọt. Với tổng đơn hàng hơn 6.100 máy bay dòng A320neo, họ phải mất 8 năm mới sản xuất đủ. Mặc dù từ lâu hãng đã quảng cáo về kế hoạch tăng cường sản xuất lên 75 chiếc A320 mỗi tháng nhưng giờ đây, mục tiêu đó đã bị lùi đến khoảng năm 2025.

Trong khi đó, các nhà đầu tư của Boeing cũng lo ngại về tiến độ chậm chạp của hãng sản xuất máy bay Mỹ. Họ công bố nhận 85 đơn đặt hàng trong năm nay.

https://cca.autopro.com.vn/