Phần lớn các thương hiệu xe có mặt tại Mỹ trong đó bao gồm Volkswagen, Toyota, Ford, Hyundai, Kia, Subaru, Honda hay GM đã phải đóng cửa nhà máy hoặc sản xuất cầm chừng vì không có đủ linh kiện điện tử để lắp ráp các hệ thống phức tạp.

Ford hay GM đã thử bán xe mà không có nhiều tính năng điện tử như Start/Stop và ngay lập tức phải nhận chê bai "lên bờ xuống ruộng" nên cũng không vớt vát được nhiều. Kết quả là doanh số toàn thị trường ô tô lớn thứ 2 trên thế giới bất ngờ giảm sâu 17% trong tháng 8.

Tệ hơn nữa, tình trạng trên có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng thậm chí là hàng năm và sẽ khiến thị trường ô tô toàn cầu một lần nữa chịu cảnh lao đao sau khi đã phải hứng chịu "cú đấm" đầu tiên mang tên COVID-19 hồi năm ngoái.

Một loại linh kiện thiếu đang khiến các hãng ô tô lao đao, Ford phải hy sinh cắt công nghệ trên xe nhưng lại ăn đủ gạch đá - Ảnh 1.

Theo Automotive News, mức giảm trên rơi vào tình thế được dự đoán tiêu cực nhất bởi không ít các nhà phân tích tới từ Cox Automotive, TrueCar, J.D. Power hay LMC. Các đơn vị chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Ford (trừ 33%), Subaru (trừ 15%), Honda (trừ 16%) hay Hyundai/Kia.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự gián đoạn bất ngờ của quá trình hồi phục thị trường xe Mỹ là do COVID-19 khiến các đơn vị cung ứng linh kiện tại Đông Nam Á "đóng băng" làm chuỗi cung ứng gián đoạn. Lượng xe dự trữ thường thấy tại Mỹ là khoảng 3 triệu nhưng giờ con số này chỉ còn chưa đầy một phần ba và lại nằm chủ yếu ở xe trưng bày hoặc các dòng tên không thực sự bán chạy.

Một nguyên nhân khác khiến thị trường xe Mỹ lao dốc là thái độ bòn rút của các đại lý. Dù không có xe bán, họ đã đẩy giá xe lên cao hơn để cố gắng cân bằng lợi nhuận qua đó khiến giá xe mới đu đỉnh khiến người dùng quan ngại và quyết định chờ thời điểm thích hợp hơn để mua xe.

Tham khảo: Automotive News

Một loại linh kiện thiếu đang khiến các hãng ô tô lao đao, Ford phải hy sinh cắt công nghệ trên xe nhưng lại ăn đủ gạch đá - Ảnh 2.