Trong khi màn hình cảm ứng dạng tablet đang dần trở thành tiêu chuẩn của làng xe toàn cầu thì Mazda lại trung thành với lòng tin rằng chúng không phù hợp với ô tô, hoặc ít nhất là không nên được đặt cạnh người lái.
Quyết định của Mazda không phải một sớm một chiều mà có. Theo các quan chức của thương hiệu Nhật, họ đã tìm hiểu tác động của màn hình cảm ứng lên trải nghiệm lái cũng như mức độ an toàn khi điều khiển xe trong một thời gian dài trước khi đưa ra quyết định "cắn răng" sử dụng màn hình thường trên Mazda3 2019.
Theo luận điểm của Mazda, thời gian mà người lái rời mắt khỏi đường đi phía trước, xử lý thông tin, điều khiển màn hình rồi lại phải tái điều chỉnh tầm nhìn về phía trước là quá dài và ưu tiên hàng đầu của họ là tối thiểu hóa giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đó.
"Theo nghiên cứu của chúng tôi, khi người lái với lên sử dụng màn hình cảm ứng họ cũng thường xuyên vô tình tác động lực lên vô lăng và làm xe chệch hướng khỏi đường đi dự kiến trước đó", Matthew Valbuena – kỹ sư trưởng của Mazda Bắc Mỹ về hệ thống thông tin giải trí và giao diện với người dùng chia sẻ với Motor Authority.
"Sau đó, bạn lại tiếp tục phải ‘dán’ mắt vào màn hình cảm ứng để điều khiển chúng sao cho đúng ý, do đó quyết định bỏ luôn trang bị này được chúng tôi thông qua rất dễ dàng", ông bổ sung.
Để nhập liệu đúng ý vào màn hình cảm ứng cần thời gian và sự tập trung không nhỏ từ người điều khiển.
Màn hình HUD trên cấu hình đắt đỏ nhất của Mazda3 nay được chiếu thẳng lên kính chắn gió, nhờ thế thời gian mà người lái mất đi để điều chỉnh lại mắt từ đường sang màn hình hiển thị được giảm đi đáng kể do khoảng cách với mắt xa hơn.
Cũng vì nguyên nhân trên, "màn hình lớn" và "gần người lái" (giống Tesla Model 3) cũng không phải giải pháp hợp lý cho Mazda. Thay vào đó, hãng xe Nhật chọn cách trang bị màn hình rộng chỉ 8,8 inch ở trung tâm táp lô, đồng thời khoảng cách giữa trang bị này với ghế lái được kéo dãn.
Kết hợp với mặt màn hình hơi hướng về phía ghế lái một chút, Mazda đã tạo ra được một hệ thống giúp tối thiểu mệt mỏi mà mắt người lái phải chịu khi sử dụng trong thời gian dài.
Màn hình trung tâm hướng tới người lái nhưng nằm ngoài tầm với thông thường.
Để bù đắp lại sự tiện lợi mất đi do màn hình cảm ứng không còn, Mazda bổ sung thêm các nút bấm đơn giản mà trực quan, tiện lợi vào cụm điều khiển trung tâm. Nghiêng núm chỉnh âm lượng sang trái hoặc phải 1 lần giúp chỉnh bài hát tiến/lùi trong danh sách phát, tiếp tục giữ chúng trong vài giây giúp tua nhanh/tua lại. Nhấn nút một lần ngắt âm toàn hệ thống, nhấn giữ trong vài giây tắt toàn bộ màn hình.
Độ nặng của toàn bộ các núm xoay điều khiển (âm lượng, điều hòa…) trên Mazda3 2019 được điều chỉnh đồng điệu với nhau, các phím bấm cơ cũng vậy. Điều này giúp dòng xe Nhật mang lại cảm giác thân thuộc nhanh chóng với người dùng.
Mazda đã nhận ra được sự bất tiện của màn hình cảm ứng, chẳng lẽ các thương hiệu khác không nhận ra? Câu trả lời có lẽ là có, chỉ có điều những ưu điểm của dòng màn hình này như thân thuộc với người dùng (giống màn tablet/smartphone nhất là khi tích hợp Apple CarPlay hoặc Android Auto) hay nhìn sang/hiện đại hơn màn hình thường quan trọng hơn chỉ vài phần trăm giây an toàn mà Mazda hướng tới mà thôi.
Theo: MotorAuthority