Bất chấp việc chấp nhận chi 1 tỉ baht (hơn 33 triệu USD) nâng cấp nhà máy lắp ráp tại Rayong, Thái Lan, Mazda sẽ không còn lắp ráp dòng bán tải BT-50 và SUV CX-3 tại khu vực này nữa.
Theo tờ Nikkei Nhật Bản, Mazda sẽ chuyển dây chuyền lắp ráp CX-3 từ Thái Lan về quê nhà, cụ thể là nhà máy Hofu. Động thái này được cho là bởi đồng baht đang mạnh lên trông thấy so với các đồng tiền lớn trên thế giới.
Nhà máy Mazda Hofu thuộc AutoAlliance Thailand có sản lượng 135.000 xe/năm, trong đó CX-3 chiếm 25.000 xe và ít nhất 14.000 xuất khẩu sang Australia. Các chuyên gia dự đoán đồng baht sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới và không ít hãng xe khác có thể sẽ theo chân Mazda dời dây chuyền lắp ráp sang các tổ hợp khác.
BT-50 cũng là một dòng tên thuộc diện không được Mazda tiếp tục lắp ráp trong năm tới nhưng là vì thế hệ kế tiếp được xây dựng trên nền tảng khung gầm của Isuzu và do vậy trách nhiệm lắp ráp cũng được chuyển giao cho thương hiệu đồng hương này. Cũng cần nói thêm rằng BT-50 cũng được Isuzu lắp ráp tại chính Thái Lan và do đó cũng bị ảnh hưởng bởi xu thế đồng baht.
Không chỉ Mazda, toàn bộ các thương hiệu có dây chuyền sản xuất tại Thái Lan và xuất khẩu sang các nước khác đều bị suy giảm đáng kể lợi nhuận hoạt động từ tháng 4 tới nay. Tính riêng trong giai đoạn tháng 4 – 9/2018, Mazda mất hơn 340 triệu USD vì chênh lệch tiền tệ, các hãng xe Nhật khác còn thê thảm hơn theo dự đoán của Toyota, Honda hay Mitsubishi.
Với các hãng xe có quy mô nhỏ hơn có nhà máy quy mô lớn đặt tại Thái Lan, mọi chuyện còn khó xử lý hơn rất nhiều với Isuzu là ví dụ điển hình. Gần như toàn bộ bán tải họ sản xuất cho 120 thị trường toàn cầu đều lăn bánh từ nhà máy Thái Lan mà ra và lợi nhuận hãng, bởi vậy, đang giảm cực sâu theo chia sẻ của Chủ tịch Masanori Katayama.
Trong năm ngoái, các nhà máy xe tại Thái Lan đạt tổng sản lượng 2,16 triệu xe nhưng con số này rất nhanh chóng có thể giảm xuống chỉ còn 2/3 nếu đồng baht tiếp tục diễn tiến như hiện giờ.
Tham khảo: Paultan, Nikkei