Tất nhiên, việc cáu gắt khi đang điều khiển ô tô lưu thông trên đường gần như chẳng bao giờ dẫn tới kết quả tốt đẹp cả. Nhẹ thì rước bực vào người, nặng hơn là cáu gắt, chửi bới hay thậm chí... "trả đũa" bằng cách này hay cách nọ mà nhìn chung chẳng ai có lợi.

Theo Richard Gladman, giám đốc tiêu chuẩn lái xe của IAM RoadSmart, khác với người đi bộ trên đường có thể phần nào đó hiểu được ý nghĩ của nhau ngay lập tức chỉ qua việc giáp mặt với nhau trên đường phố nhờ nét mặt hoặc cử chỉ, người lái ô tô bị "bọc" trong lớp vỏ ngoài là chính chiếc xe của mình. Nhiều trường hợp, 2 người có thể bắt tay giảng hòa vui vẻ sau khi họ xảy ra xích mích với nhau khi đang đi bộ nhưng cũng chính họ lại sẵn sàng lao vào ẩu đả nếu gặp lại nhau sau vô lăng.

Làm gì để giữ bình tĩnh mỗi khi vướng vào tai nạn giao thông? - Ảnh 1.

Cũng theo ông, có nhiều cách giúp người lái phòng tránh việc "nổi khùng" khi ngồi sau tay lái hoặc ít nhất là cũng không làm mọi thứ trở nên quá tồi tệ sau khi đã "góp mặt" vào một vụ va chạm giao thông trên đường.

- Nếu suýt vướng vào một vụ xung đột hay cãi vã ngoài đường, nhiều khả năng cả 2 bên cùng có lỗi. Kể cả khi bạn đúng, va chạm chưa xảy ra đồng nghĩa với việc bạn chưa mất gì. Để người ta đi sẽ mang lại cho bạn nhiều lợi ích hơn là ngồi đó cãi vã.

- Đừng phản ứng quá đà trước khiêu khích của người khác. Nếu họ muốn dùng vũ lực để giải quyết hay đe dọa, hãy gọi cảnh sát.

- Luôn luôn bật camera hành trình khi tham gia giao thông trên đường. Nếu không có camera hành trình, hãy nhờ người ngồi hàng ghế sau hoặc tự bản thân quay lại diễn biến vụ việc sau đó để có bằng chứng trình báo với cảnh sát nếu cần. Hãy nhớ lưu lại cả biển số xe va chạm.

- Không mở cửa xe hoặc mở hoàn toàn cửa sổ để tránh trường hợp người khác dùng vũ lực giải quyết vấn đề.

- Nếu mắc lỗi, đừng ngần ngại thừa nhận và xin lỗi người bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp chỉ cần thành ý cũng giải quyết được vấn đề.

Làm gì để giữ bình tĩnh mỗi khi vướng vào tai nạn giao thông? - Ảnh 2.

Tham khảo: Carscoops