Nếu chưa được chợp mắt trong 17 giờ liên tục, khả năng điều khiển ô tô của người lái sẽ bị hạn chế ngang bằng người có nồng độ cồn trong máu đạt 0,05%.
Theo nghiên cứu mới được chính quyền Australia thực hiện và công bố gần đây, lái xe khi thiếu ngủ khiến người dùng thiếu kiểm soát bản thân (và phương tiện) ngang bằng như khi say rượu. Các thông số được xét đến là tốc độ phản ứng, sự tỉnh táo và khả năng phán đoán đều bằng nhau.
Tại Mỹ hay Mexico, điều khiển xe khi nồng độ cồn trong máu từ 0,08% trở lên là trái quy định trong khi Australia, Canada hay châu Âu áp dụng mức nghiêm ngặt hơn là 0,05%. Cá biệt Nhật Bản (0,03%) và Trung Quốc (0,02%) gần như cấm hoàn toàn người lái xe khỏi việc sử dụng rượu bia.
Ảnh minh họa
Nghiên cứu của chính phủ Australia một lần nữa khẳng định các kết quả tìm được từ các nhà khoa học Bắc Mỹ trước đó. Theo Quỹ An toàn giao thông Mỹ AAA, 8,8 tới 9,5% số vụ tai nạn xảy ra mỗi năm xảy ra do người lái buồn ngủ. Tại Mỹ, con số này tương đương khoảng 800 người mỗi năm.
Tình trạng buồn ngủ khi lái xe dễ xảy ra nhất giữa nửa đêm và 6 giờ sáng hoặc cuối giờ chiều – những cột mốc "nghỉ ngơi" theo đồng hồ sinh hoạt của con người rèn luyện. Ngay cả khi đã uống cà phê hoặc nước tăng lực, con người vẫn có khả năng "ngủ nháy" dẫn đến mất ý thức tạm thời trong tối đa 5 giây. Bình thường đây không phải vấn đề gì lớn nhưng khi điều khiển xe lại là yếu tố chết người.
"Ở tốc độ 90 km/h, bạn đã đi hơn 90 m trong tình trạng vô thức", Cục An toàn giao thông Quốc gia Mỹ nhận định, "đó là rất nhiều thời gian và khoảng cách thừa đủ để gây tai nạn". Họ cũng khuyến nghị các tài xế cảm thấy buồn ngủ nên tạm dừng chân để chợp mắt trong một thời gian ngắn, ngay cả 15 phút cũng đủ để hạn chế tình trạng trên.
Tham khảo: The Drive