Các hệ thống an toàn chủ động hiện đại ngày nay đều phải dựa trên các cảm biến, camera, laser và radar có phạm vi hoạt động trong khoảng cách cả ngắn lẫn dài. Các thiết bị này giúp người lái có thể quan sát những gì diễn ra xung quanh như những phương tiện khác, người đi bộ, người đi xe đạp, biển báo trên đường cũng như chính xe của họ.

Hiện xe hơi hiện đại có rất nhiều hệ thống an toàn chủ động. Dù đi kèm tên gọi khác biệt, tùy theo từng hãng, các hệ thống này về bản chất đều giống nhau. Cùng điểm qua những hệ thống an toàn chủ động phổ biến trên xe hơi hiện đại ngày nay.

Cảnh báo điểm mù khi lùi

Đây là hệ thống có tác dụng cảnh báo về giao thông ở các hướng khác nhau khi bạn lùi lại. Hệ thống thường tạo ra cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh ở gương ngoài hoặc trên màn hình hiển thị của camera lùi. Các hệ thống mới hơn thậm chí còn bắt được hình ảnh người đi bộ hoặc đi xe đạp.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Cảnh báo điểm mù khi lùi đặc biệt hữu ích khi bạn phải lùi xe trong làn đường bị che khuất tầm nhìn bởi những ô tô đậu liền kề.

img

Cảnh báo va chạm phía trước (FCW) và phanh tự động

Với tên gọi khác là cảnh báo trước va chạm, các hệ thống hoạt động độc lập hoặc kết hợp radar-laser-camera này cảnh báo người lái về va chạm sắp xảy ra thông qua tín hiệu hình ảnh, âm thanh hay vật lý. Đa phần hệ thống cảnh báo sẽ phanh tự động và chuẩn bị các thao tác cần thiết nhằm ứng phó với va chạm. Khi lái xe lờ đi các cảnh báo, hệ thống sẽ tự động phanh hoặc dừng hẳn xe. Cảnh báo này áp dụng mọi địa điểm, từ những đoạn đường xe di chuyển bình thường cho tới đường cao tốc.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Đôi khi bạn muốn hoặc cần tiến sát xe phía trước, hệ thống cảnh báo va chạm phía trước sẽ giúp bạn điều chỉnh khoảng cách phù hợp, tránh các va chạm không đáng có.

Phát hiện điểm mù (BSM) và hỗ trợ

Hệ thống phát hiện điểm mù sử dụng radar hoặc camera để quét các khu vực bên cạnh và phía sau xe, phát hiện các xe đang đi vào hay đang đỗ trong vùng bạn không nhìn thấy. Khi phát hiện có xe, trên gương chiếu hậu sẽ xuất hiện biểu tượng phát sáng. Nếu bạn chuẩn bị rẽ khi có xe trong “vùng mù”, một số hệ thống sẽ phát cảnh báo mạnh hơn như tín hiệu nhấp nháy hoặc âm thanh lớn dần. Một số hệ thống hiện đại hỗ trợ bạn di chuyển đúng làn đường bằng cách phanh ở một bên xe.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Nhìn chung, những hệ thống này thực sự có ích với người sử dụng.

Phát hiện người đi bộ và phanh

Đây là công nghệ do Volvo tiên phong và hiện đã được nhiều hãng khác sử dụng cho xe. Hệ thống sẽ phát hiện người đi bộ tiến vào đường đi của xe. Ở một số xe, hệ thống sẽ tự động phanh hoặc dừng hẳn xe khi cần thiết. Thậm chí, một số hệ thống mới hơn có thể phát hiện cả người đi xe đạp.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Bạn nên lắp hệ thống này, đặc biệt nếu thường xuyên lái xe trong các thành phố và địa bàn đông đúc.

Đèn pha chủ động

Khi bạn quay vô lăng, các đèn pha chủ động cũng sẽ xoay, soi sáng đường ngay cả ở các khúc cua hoặc đoạn rẽ. Nghiên cứu do IIHS tiến hành vào năm 2014 cho thấy, đèn pha chủ động giúp tăng thời gian phản xạ của lái xe gấp nhiều lần, từ đó tránh va chạm với xe khác trên đường tối.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Trên thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau về đèn pha chủ động. Tầm nhìn mở rộng hơn là một lợi thế, song chuyển động xoay của đèn pha khiến đoạn đường như cũng “xoay” theo và làm người lái mất tập trung, đặc biệt khi chuyển động của cụm đèn pha không hoàn toàn đồng bộ với góc quay của vô lăng.

img

Cảnh báo chuyển làn đường (LDW) và hỗ trợ

Các hệ thống này sử dụng camera và bộ cảm biến để xác định vạch chỉ dẫn làn đường cũng như khoảng cách từ vạch chỉ dẫn tới xe. Nếu bạn chèn bánh lên vạch chỉ dẫn làn đường mà không bật đèn xi-nhan, hệ thống sẽ cảnh báo bằng âm thanh hoặc dưới dạng vật lý như rung vô lăng hay ghế. Các hệ thống hỗ trợ đi đúng làn đường (LKA) thậm chí tự động phanh hoặc thúc nhẹ vào vô lăng để hướng dẫn lái xe quay về đúng làn đường.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Cảnh báo chuyển làn đường thật sự hữu ích khi bạn lái xe trên đường cao tốc.

Phát hiện dấu hiệu không tỉnh táo của người lái

Có nhiều phương pháp kiểm tra tình trạng tỉnh táo của người lái. Hãng Mercedes-Benz đi đầu công nghệ này khi sử dụng một thuật toán máy tính so sánh giữa hành vi điều khiển vô lăng của người lái với các hoạt động khác vốn đã được ghi lại lúc xe bắt đầu di chuyển.

Một số hệ thống khác giám sát vị trí của xe trong làn đường và tìm kiếm các dấu hiệu thiếu tập trung. Một số hệ thống thậm chí theo dõi cử động mắt của người lái nhờ camera trong xe. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường , hệ thống lập tức sẽ cảnh báo bằng âm thanh, tự động phanh khựng lại hoặc bật sáng biểu tượng tách cà phê trên bảng điều khiển.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Hệ thống này sẽ giữ đầu óc bạn luôn tỉnh táo khi lái xe, đi đúng làn đường và nhắc bạn không nhắn tin hoặc gửi email khi đang điều khiển xe.

Hỗ trợ đỗ xe tự động

Hệ thống này cho phép xác định không gian đỗ xe song song hoặc vuông góc mà xe của bạn có thể đỗ vào. Khi tìm được, hệ thống tự động hướng xe về phía “chuồng”. Một số hệ thống thậm chí còn tự động đưa xe khỏi chỗ đỗ song song. Tất nhiên, người lái vẫn cần thực hiện thao tác phanh và tuân theo các chỉ dẫn từ hệ thống.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Bạn sẽ gặp một chút khó khăn lúc đầu như kích hoạt hệ thống và lái xe vào không gian rộng để hệ thống nhận diện điểm đỗ xe phù hợp. Hệ thống có thể chưa xác định ngay được vị trí “chuồng” nhưng phần lớn đều làm tốt nhiệm vụ đưa xe vào chỗ đỗ.

Camera lùi và hỗ trợ đỗ xe

img

Camera chiếu hậu sẽ là trang bị bắt buộc trên các dòng xe từ phiên bản 2018 trở đi. Các camera này giúp phòng tránh tai nạn khi lùi xe như đâm vào trẻ. Hệ thống cảm biến hỗ trợ đỗ xe sẽ cảnh báo người điều khiển bằng tiếp bíp nhanh và lớn dần khi xe tiến sát chướng ngại vật phía sau.

Lời khuyên từ Consumer Reports: Bạn không thể lái một chiếc SUV hoặc bán tải mà không có những thiết bị hỗ trợ này vì điểm mù sau xe rất lớn. Thêm vào đó, camera chiếu hậu là bạn đồng hành hữu ích khi bạn phải “lùi chuồng” ở những không gian chật hẹp.

Ngọc Anh – Tham khảo Consumer Reports