Thuê xe 2 ngày, mất oan bạc triệu

Anh Q.L (Hà Nội) thuê chiếc xe 7 chỗ của công ty ĐVCN trong 2 ngày 31/7 và 1/8. Tuy nhiên, khi sử dụng, anh lại bị cảnh sát giao thông kiểm tra và phạt vì lưu thông xe không còn hạn đăng kiểm. Theo đó, chiếc xe hết hạn đăng kiểm từ ngày 30/7/2010 mà anh không biết. Hậu quả là anh phải nộp mức tiền phạt từ 2 - 3 triệu đồng và tạm giữ bằng lái trong 30 ngày.

Ngay khi bị giữ xe, anh L đã gọi cho nhân viên giao xe để thông báo sự việc thì nhận được câu trả lời là chỉ có chủ xe mới đủ thẩm quyền giải quyết. Sau đó, anh L cũng gọi cho chủ xe nhưng không có ai nhấc máy.

Anh kể: "Sau khi đưa xe về và mất oan khoản tiền phạt, tôi phản ánh sự việc qua điện thoại với chủ sở hữu. Nhưng chủ xe đã cho rằng mình không liên quan đến việc giao chiếc xe đã hết hạn đăng kiểm, lỗi đó là của nhân viên giao xe. Chủ xe thậm chí còn tìm đủ lý do để chối bỏ trách nhiệm trong việc chiếc xe do anh ta làm chủ vẫn được giao cho khách hàng khi hết hạn đăng kiểm."

Sau lần thuê xe và mất tiền oan, anh L đành ngậm đắng và tự dặn mình phải cẩn thận hơn ở những lần sau..

Những lời khuyên cho người thuê xe tự lái

Theo những người thuê xe có kinh nghiệm, trường hợp của anh L chỉ là một trong vô số những rắc rối và phiền phức mà khách thuê xe có thể gặp phải nếu không chú ý khi làm thủ tục nhận xe. Chỉ vì không để ý những vết xước hay móp méo đã có từ trước, nhiều khách hàng đã choáng váng khi chủ xe trở mặt bắt đền bù lúc trả xe. Chọn lựa xe phù hợp, kiểm tra kỹ tình trạng xe và giấy tờ là điều không nên bỏ qua nếu muốn thuê xe tự lái.

Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích cho những ai muốn thuê xe tự lái:

Trước khi thuê xe, nên chọn gói dịch vụ và loại xe phù hợp với mục đích sử dụng.

Về mục đích, người thuê xe nên dự tính quãng đường khoảng bao xa, dễ hay khó đi để lựa loại xe phù hợp đồng thời chọn gói dịch vụ thuê xe tính theo ngày hay km. Nếu thuê theo ngày nhưng hạn chế km thì phải chú ý đến việc chủ xe tính 1 km phụ trội giá bao nhiêu tiền để tránh bị hớ về sau. Tốt nhất, các bạn nên tham khảo nhiều nơi cho thuê để có sự so sánh và chọn lựa hoặc dựa theo lời khuyên của những người đã từng có kinh nghiệm thuê xe.

Kiểm tra xe cẩn thận trước khi ký hợp đồng và nhận xe.

img
Ảnh minh họa: Người thuê nên kiểm tra kỹ tình trạng xe từ các vết xước, phụ tùng đến máy móc và khả năng vận hành (nguồn: Internet).
Trước khi ký hợp đồng thuê và nhận xe, các bạn nên kiểm tra thời hạn lưu hành và giấy tờ xe. Bên cạnh đó, còn phải lưu ý đến các vết xước và móp méo trên vỏ xe, vành bánh, gương kính, đèn pha, đèn hậu cũng như một vài phụ tùng đi kèm (lốp dự phòng, kích, đồ thay lốp)... để xem có vấn đề gì không và chỉ rõ cho chủ xe. Người thuê xe cũng nên chủ động kiểm tra số km hiện tại, tình trạng xăng, dầu máy, độ căng và mài mòn của lốp, tình trạng phanh... Cẩn thận hơn, các bạn có thể đánh dấu một số phụ tùng để tránh bị cho là "thay đồ".

Ngoài ra, kiểm tra máy móc cũng là khâu quan trọng trước khi nhận xe. Đối với những người ít có kinh nghiệm, công việc này khó khăn hơn một chút. Để tránh những sự cố và việc phải sửa chữa trên đường đi, người thuê có thể nhìn biển đăng ký sao cho không thuê phải xe quá cũ. Thêm vào đó, các bạn nên thử lái một đoạn để xem máy móc có hoạt động bình thường không.

Sau khi hoàn thành công tác kiểm tra xe và giấy tờ, người thuê phải lập biên bản với chủ xe để xác định tình trạng xe một cách rõ ràng trước quá trình giao nhận.

Khi trả xe, đừng quên kiểm tra tình trạng xe và chốt số km cùng chủ xe.

Trong trường hợp xe gặp tai nạn hoặc sự cố phải đền tiền, các bạn nên nhờ người có hiểu biết về xe tư vấn để tránh đôi co hay phát sinh những đòi hỏi đền bù không thoả đáng.

Nghe theo lời khuyên của những người thuê xe có kinh nghiệm sẽ phần nào giúp bạn yên tâm khi vận hành và tránh được những chuyến đi... đáng quên.

Theo Vietnamnet