Kenguru là chiếc xe điện đầu tiên hỗ trợ đưa người khuyết tật đi xe lăn vào ghế lái vô cùng thuận tiện.
Chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại với đầy những điều kỳ diệu về công nghệ. Tuy nhiên ngay cả với tất cả những tiến bộ này, di chuyển trên đường vẫn là một vấn đề đối với nhiều tài xế bị khuyết tật. Mặc dù nhiều phương tiện giao thông có phục vụ cả người đi xe lăn nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian và công sức để đi vào và đi ra.
Chính vì vậy những phương tiện giao thông hỗ trợ dành riêng cho người đi xe lăn là điều mà họ rất cần. Và chiếc xe Kenguru ra đời với mục đích cao cả đó.
Kenguru (phát âm giống như loài thú có túi phổ biến nhất ở Úc) không chỉ là một chiếc xe thông minh. Nó gây tiếng vang lớn trong thế giới xe điện vì là chiếc xe điện đầu tiên được tạo ra dành riêng cho người đi xe lăn.
Thay vì sử dụng cửa bên, Kenguru sử dụng một cửa lớn chiếm toàn bộ mặt sau. Chỉ với một nút bấm, cửa sẽ mở ra để cho người xe lăn đi vào từ phía sau. Tất nhiên xe sẽ không có ghế và cốp để dành toàn bộ không gian cho người ngồi xe lăn.
Việc lái xe cũng đơn giản không kém. Ghi đông kiểu mô tô thay thế cho tay lái truyền thống và công ty hiện đang nghiên cứu một phiên bản cần điều khiển dành cho những người có sức mạnh thân trên hạn chế.
Chỉ có ba số gồm: số tiến, số trung gian và số lùi. Về mặt kỹ thuật, nó là một chiếc xe tay ga điện, nghĩa là không cần bằng lái nên việc tiếp cận đối với người khuyết tật cũng dễ dàng hơn.
Kenguru chỉ có tốc độ độ tối đa khoảng 40km/h và có thể đi tối đa 96km trước khi phải sạc lại. Thời gian sạc pin mất khoảng 8 giờ. Tất nhiên tốc độ và quãng đường không phải quá tốt nhưng đủ để giúp người khuyết tật tới cửa hàng, đi xem phim, gặp gỡ bạn bè thuận tiện hơn.
Mức giá cho một chiếc xe Kenguru cũng rất ưu đãi, chỉ khoảng 25 ngàn USD (585 triệu đồng).
Stacy Zoern, một luật sư ở Texas đã tìm thấy Kenguru và mua chiếc xe này. Zoern chia sẻ với Translogic rằng, một thời gian sau vụ tai nạn, cô ấy thường phải phụ thuộc vào những người khác để đi lại. Sau đó cô đã tìm kiếm trên Internet để xem liệu có công nghệ nào giúp đỡ được cho cô không và may mắn cô đã tìm thấy Kenguru.
Chỉ có một vấn đề. Công ty có trụ sở tại Hungary phát triển Kenguru chỉ dựa vào nguồn lực gây quỹ nên năng lực sản xuất chưa đủ lớn. Nhưng Zoern quá nóng lòng trước những gì Kengura có thể cung cấp cho cô nên cô đã quyết định gọi cho họ để đặt mua sớm.
Zoern đã hợp tác với Istvan Kissaroslaki (người sáng tạo ban đầu của chiếc xe) để chuyển công ty đến Austin, Texas và đã tích cực thu hút các nhà đầu tư. Đến năm 2014, Kengurus đã được sản xuất hoàn toàn tại Mỹ.
Và ngoài những thách thức về chuỗi cung ứng (không có đủ kinh phí để chế tạo quy mô lớn), Zoern cho biết kế hoạch là để Kenguru vươn ra toàn thế giới.
Đây là một ví dụ thú vị về cách công nghệ giúp kết nối chúng ta với cuộc sống và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Một chiếc xe như Kenguru là dấu hiệu tích cực cho thị trường xe điện. Các nhà sản xuất xe điện đang tạo ra các sản phẩm hướng tới các nhóm đối tượng khách hàng đa dạng hơn.