Hãy cùng nhìn lại thành công mà JLR đạt được trong quãng thời gian 10 năm qua sau khi Jaguar Land Rover đổi chủ từ tay Ford sang tập đoàn Ấn Độ Tata Motors.
Vào cuối năm 2013, giám đốc kỹ thuật của Jaguar ông Wolfgang Ziebart cân nhắc mua lại quyền sử dụng mô tơ điện của một thương hiệu ngoài cho chiếc I-Pace – dòng crossover thuần điện của Jaguar cạnh tranh với Tesla Model X. Suy cho cùng thì vào lúc đó mô tơ điện không phải là chuyên môn cả trong khâu thiết kế/phát triển lẫn sản xuất đại trà của nhiều hãng xe và Jaguar cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, một thành viên của dự án là kỹ sư Alex Michaelides lại có ý tưởng khác. Ông đề nghị gặp mặt riêng Ziebart để đề xuất một ý tưởng mô tơ đôi nhỏ, nhẹ mà hiệu năng tốt của riêng mình, trong đó chi tiết đặc biệt nhất là trục dẫn động chạy xuyên qua mô tơ – một hướng đi trước giờ chưa nhà cung ứng nào lựa chọn.
Jaguar I-Pace
Ý tưởng của Michaelides đã thuyết phục được Ziebart và được ông đồng thuận ngay tại chỗ để bắt đầu phát triển mô tơ điện của riêng mình. Trong vòng một năm bản thử nghiệm đầu tiên đã ra lò và cho tới giờ Jaguar Land Rover là một trong số ít những tập đoàn xe toàn cầu có bản quyền mô tơ điện của riêng mình. Chiếc I-Pace của họ cũng đang chuẩn bị có mặt tại các đại lý Jaguar toàn cầu vào mùa hè này.
Theo ông Ziebart, mô tơ điện mà JLR phát triển là một trong những dòng mô tơ tốt nhất trên thị trường và đáng lẽ ra đã không tồn tại nếu không có cuộc gặp mặt nói trên. Quyết định tin tưởng người kỹ sư như vậy gần như không thể được thông qua nếu Jaguar Land Rover còn vận hành dưới quyền kiểm soát của những tập đoàn mẹ trước đây như Layland/Rover, British Aerospace, BMW hay Ford – thương hiệu đã bán JLR cho Tata đúng 10 năm về trước.
Giám đốc tài chính Ford Lewis Booth, CEO Jaguar Land Rover David Smite và chủ tịch tập đoàn Tata Ratan Tata trong buổi lễ bàn giao Jaguar Land Rover từ tập đoàn Mỹ sang đối tác Ấn Độ vào năm 2008.
Dưới quyền sở hữu của Tata, JLR đã đạt được những thành tựu đáng kể và có vẻ như đây là một thương vụ có lợi cho cả 3 phía: kẻ mua, kẻ bán và kẻ bị bán. Trong 10 năm vận hành cùng Tata, JLR đã cải thiện doanh số toàn cầu 146%, từ 252.036 xe (2008) lên 621.109 xe (2017); có 8 năm thu lời liên tiếp (tổng 15,9 tỉ USD); tái cơ cấu và mở rộng dòng sản phẩm của 2 thương hiệu nhờ khung gầm chung và hệ thống truyền động mới; tự thiết kế và lắp ráp động cơ xăng/diesel tại nhà máy Wolverhampton, đồng thời bắt đầu sản xuất xe và động cơ tại nhiều nơi trên thế giới như Brazil, Trung Quốc và Slovakia, biến họ thành tập đoàn xe quy mô lớn nhất Anh Quốc.
Đà tăng trưởng của hai thương hiệu trên toàn cầu. Nguồn: Automotive News.
Vào thời điểm năm 2008, hiếm ai ngờ rằng thương vụ chuyển giao JLR từ Ford sang Tata sẽ thành công tới vậy. Tata lúc đó chỉ được biết đến chủ yếu với dòng xe Nano giá rẻ (1.500 USD) và hoàn toàn chưa có kinh nghiệm điều hành một thương hiệu xe sang toàn cầu. Tệ hơn nữa là việc Tata không có công nghệ nào có thể hỗ trợ tốt cho công đoạn nghiên cứu/phát triển của JLR lúc đó cả. Việc nền công nghiệp ô tô Anh Quốc lúc đó cũng đang mới chỉ hồi phục (MG Rover sụp đổ vào năm 2005) cũng càng làm gia tăng mối quan ngại.
Jaguar Land Rover có 18 tháng đầu trắc trở dưới quyền Tata Motors.
Thật vậy, 18 tháng đầu tiên của JLR dưới quyền Tata diễn ra không mấy suôn sẻ. Kế hoạch kinh doanh của Ford cho JLR đã được định hình nhưng rồi tập đoàn Mỹ lại quyết định bán JLR đi. Nhiều mẫu xe chủ lực nằm trong kế hoạch này, chẳng hạn như Jaguar XJ đã được cấp vốn và gần tới ngày ra mắt. Doanh số xe trên toàn thị trường giảm đồng thời khiến JLR khó tiếp cận được các nguồn tín dụng khả thi. Trong năm tài khóa 2008-2009, JLR công bố lỗ 540 triệu USD, buộc Tata bơm thêm nguồn hỗ trợ lên tới 1,2 tỉ US để giữ tập đoàn Anh đi đúng hướng. Chủ tịch Ratan Tata lúc đó cho biết sẽ tiếp tục vận hành mô hình kinh doanh của Ford và sẽ làm mọi cách để JLR có thể phát triển trở lại.
Ford, vốn mua lại Jaguar vào năm 1989 và Land Rover từ BMW vào năm 2000 đã bắt đầu công cuộc sáp nhập 2 thương hiệu vào với nhau từ lâu nhưng cho tới thời điểm "chia tay" vào tháng 6/2008, tất cả vẫn chỉ dừng ở mức dang dở.
Al Kammerer – giám đốc phát triển sản phẩm của JLR dưới thời Ford nhớ lại tình cảnh lúc đó rằng các hợp đồng mua linh kiện thời bấy giờ gần như chẳng mấy hiệu quả bởi linh kiện có thể sử dụng chung giữa các dòng xe Jaguar hạng sang và các dòng off-road Land Rover lúc đó gần như không có.
Jaguar F-Type
Quãng thời gian sau đó, JLR đồng ý mua lại động cơ và thân xe do Ford chế tạo – một động thái vừa giúp mình (JLR chưa đủ thời gian để tự làm mới công đoạn sản xuất 2 chi tiết này) vừa giúp người (Ford thu lại được một phần nguồn đầu tư đã bỏ ra để hỗ trợ cho JLR). Trong lúc đó, JLR nghiên cứu và phát triển các dòng sản phẩm, khung gầm và linh kiện của riêng mình để tiện cho công đoạn dùng chung về sau.
Thành quả đạt được là rất đáng kể, có thể nói tới như chiếc Range Rover Evoque hay Jaguar F-Type – dòng xe thể thao thực sự đầu tiên của Jaguar từ khi chiếc XKE xuất hiện vào đầu thập niên 70. Theo ông Kammerer, nếu còn dưới quyền Ford, JLR sẽ không bao giờ đạt được thành quả như bây giờ bởi quy mô tập đoàn Mỹ lúc bấy giờ quá ôm đồm dẫn tới nguồn đầu tư có hạn. Ngược lại, Tata đặt trọn niềm tin vào JLR và dồn lực đầu tư cho công ty để phục vụ kế hoạch kinh doanh một cách tốt nhất, trọn vẹn nhất.
Đơn vị: Tỷ USD. Nguồn số liệu: Jaguar Land Rover. Đồ hoạ: Linh Đan.
Kết quả rõ rệt hiển hiện ngay vào cuối năm 2009. Từ khoản lỗ hơn nửa tỉ USD, JLR công bố lợi nhuận trước thuế 72 triệu USD trong năm tài khóa 2009-2010. Kể từ đó tới nay, chưa có năm nào lợi nhuận hoạt động của họ nằm dưới mức 1,4 tỉ USD.
Đội hình Jaguar (2008) | Đội hình Jaguar (2018) | Đội hình Land Rover (2008) | Đội hình Land Rover (2018) |
---|---|---|---|
S-Type (sedan) | E-Pace (crossover cỡ nhỏ) | Defender | Discovery |
X-Type (sedan/wagon) | F-Pace (crossover cỡ trung) | Discovery/LR3 | Discovery Sport |
XF (sedan) | F-Type (coupe/convertible thể thao) | LR2 | Range Rover |
XJ (sedan) | I-Pace (crossover thuần điện) | Range Rover | Range Rover Evoque |
XK (coupe/convertible) | XE (sedan cỡ nhỏ) | Range Rover Sport | Range Rover Sport |
XF (sedan/wagon) | Range Rover Velar | ||
XJ (sedan cỡ lớn) |
Tham khảo: Autonews