Rất nhiều thương hiệu muốn tạo xu hướng trên TikTok. Nhưng không phải như Hyundai và Kia.
“Thử thách Kia” (Kia Challenge) bắt đầu bùng lên vào năm ngoái. Những người tham gia thử thách sẽ quay lại màn bẻ khóa và trộm xe Kia và Hyundai tự thực hiện.
Thử thách này nhanh chóng tạo thành “hot trend”, khiến báo giới tốn giấy mực kể về những thanh niên muốn tìm cảm giác mạnh cuối cùng kết thúc đằng sau song sắt nhà tù.
Các video hướng dẫn đã nhanh chóng bị xóa khỏi TikTok. Nhưng khác với những xu hướng nổi lên một thời gian rồi chìm hay chỉ là sự thổi phồng khác, “Thử thách Kia” vẫn sống dai dẳng.
“Cơn bão” phá xe Kia và Hyundai bùng lên
Tại hạt St. Louis, bang Missouri, Mỹ, nếu như đầu năm 2022, những vụ trộm xe Hyundai/Kia chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, thì đến 6 tháng cuối năm, tỉ lệ đã lên đến 64%.
Ở thành phố New Orleans, bang Louisiana, Hyundai và Kia chiếm hơn 25% trong tổng số vụ trộm ô tô ở đây, gấp 6 lần so với năm 2021, phần lớn xảy ra sau khi xuất hiện trào lưu trên TikTok.
Tại Washington, hai thương hiệu ô tô này chiếm khoảng 1/3 số xe bị đánh cắp. Những báo cáo tương tự đã xuất hiện ở nhiều nơi khác của nước Mỹ.
Thử thách này tập trung vào mánh trộm tháo phần trang trí dưới cần lái để tiếp cận bộ phận đánh lửa, sau đó dùng kìm hoặc dây sạc USB để nổ máy. Chiêu này lộ ra sau khi một nhóm trộm ở thành phố Milwaukee, Mỹ dễ dàng đánh cắp xe Hyundai và Kia bằng cáp USB hồi năm 2021, sau đó quay video thành quả, lái chiếc xe đi xung quanh phố và phá hỏng bằng cách đâm hoặc vứt xe.
Có thể thấy, một số mẫu xe Kia đời 2011-2021 và Hyundai đời 2015-2021 không được trang bị hệ thống mã hóa động cơ (engine immobilizer) - tính năng chống trộm phổ biến trên nhiều xe hiện đại.
Chủ xe giận dữ
Ban đầu, hầu như sự chú ý dồn vào chỉ trích tính lan truyền của mạng xã hội. Cả Hyundai và Kia đều thừa nhận lỗ hổng nhưng khá chung chung, khi nói rằng những xe từ đời 2022 đều được trang bị hệ thống bảo vệ theo tiêu chuẩn.
Sau đó, khi những vụ trộm xe vẫn tiếp diễn, cơn phẫn nộ đã di chuyển từ TikTok sang các nhà sản xuất ô tô.
Chủ xe ở ít nhất 7 bang đã đệ đơn kiện tập thể chống lại hãng xe Hàn Quốc. Hai công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ đã tạm dừng dịch vụ đối với một số xe Hyundai/Kia ở những nơi có nạn trộm cắp tệ nhất.
Vụ việc tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi nhiều người nhận thấy rằng những tay trộm không phải luôn biết xe nào dễ bị “hack”, nên chúng nhằm bất kỳ ô tô Hyundai/Kia nào. Một số chủ xe tiết lộ với báo giới xe của họ cũng bị dòm ngó, vụ trộm bất thành nhưng cửa sổ bị đập, dây điện rối tung, tay lái bị hỏng và nội thất như thể mới trải qua một cơn chấn động.
Điều đó đã dẫn đến sự khủng hoảng nhất định. Một người từng sở hữu xe Kia nói với đài tin tức của hạt St. Louis: “Tôi không muốn ngồi trên xe của ai cầm lái Kia. Tôi không thấy thoải mái khi đỗ xe của mình hoặc ngồi trong xe với một người sắp đậu cạnh một chiếc Kia. Tôi gần như tránh xa xe Kia vì e ngại dễ trở thành mục tiêu”.
Một chủ xe Kia khác ở New Orleans, có xe bị đánh cắp hai lần trong một tuần, phàn nàn trên trang tin địa phương: “Kia nên tăng cường và lắp đặt miễn phí thiết bị bảo vệ cho những chiếc xe cũ này, hoặc triệu hồi”.
Hành động muộn
Hai hãng xe Hàn Quốc đã bắt đầu có động thái mới khi họ gửi đi các thiết bị khóa vô lăng cho sở cảnh sát địa phương để phân phát cho những người bị thiệt hại, theo Fast Company. Ngoài ra, hai hãng tuyên bố đang “phát triển và thử nghiệm miễn phí phần mềm bảo mật nâng cao cho các mẫu xe bị ảnh hưởng”.
Thủ phạm trực tiếp cho khủng hoảng này là những tay trộm, nhưng Fast Company cho rằng Hyundai/Kia cũng có một phần trách nhiệm khi phản ứng quá chậm, có lẽ là do “họ hy vọng toàn bộ mớ hỗn độn sẽ biến mất nhanh chóng như những xu hướng khác”.
Với động thái mới quyết liệt hơn, Hyundai/Kia có thể sẽ lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng. Nhưng họ cũng đã đánh mất một bộ phận khách hàng, như chủ xe ở St. Louis trên đã nói: “Tôi không còn tin vào thương hiệu nữa”.