Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công - Lê Ngọc Đức - lượng tiêu thụ cả năm 2017 của Grand i10 đạt 18.200 xe, giảm 18,2% so với năm ngoái. Sự hụt hơi này được chính ông Đức giải thích là do ảnh hưởng của quá trình chuyển giao từ nhập khẩu sang lắp ráp. 

Cụ thể, tại thời điểm mới chuyển giao, lượng hàng nhập khẩu từ Ấn Độ phải được ưu tiên bán hết trong kho trước khi xuất mới hàng lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, khi mới chuyển sang lắp ráp, Hyundai Thành Công cũng chưa thể đạt công suất lớn như kỳ vọng. 

Năm 2018, khi nhà máy mới của Hyundai tại Ninh Bình hoàn thiện với công suất ban đầu dự kiến 120.000 xe/năm, ông Đức tự tin Grand i10 sẽ trở lại thời kỳ hoàng kim về doanh số để có thể xuất khẩu cả sang các nước láng giềng. 

Với kết quả như trên, Hyundai Grand i10 chính thức bị Toyota Vios vượt lên trong năm 2017. Mẫu xe Nhật Bản luôn dẫn đầu khối VAMA (không có Hyundai Thành Công) nhưng chưa từng xếp số 1 doanh số toàn thị trường trong vài năm gần đây. 

Hyundai Grand i10 mất ngôi xe bán chạy nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Thế trận đảo chiều khi Hyundai Grand i10 chuyển từ nhập khẩu sang lắp ráp trong nước. Nguồn số liệu: VAMA/HTC. Đồ hoạ: Đức Khôi.

Tuy nhiên, xét riêng trong phân khúc của mình, Hyundai Grand i10 vẫn bỏ xa đối thủ trực tiếp là Kia Morning. Cuộc đua doanh số đã dần có sự tách biệt rõ rệt với phần thắng nghiêng về Grand i10, khi mức chênh lệch lượng xe bán ra giữa hai mẫu xe này ngày càng tăng lên.

Hyundai Grand i10 mất ngôi xe bán chạy nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Doanh số Hyundai Grand i10 luôn cao hơn hẳn so với Kia Morning. Nguồn số liệu: VAMA/HTC. Đồ hoạ: Đức Khôi.

HTC từng kỳ vọng rằng sau khi chuyển sang lắp ráp, xe Grand i10 sẽ đạt doanh số bán hàng khoảng 3.000 xe/tháng. Trên thực tế, số lượng xe Grand i10 đến tay khách hàng trung bình một tháng khoảng hơn 1.500 xe - con số vẫn cao hơn mức trung bình 850 xe của đối thủ.

Hyundai Grand i10 mất ngôi xe bán chạy nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Hyundai Grand i10 chưa bán chạy được như dự kiến bởi độ trễ trong quá trình chuyển đổi giữa nhập sang lắp ráp. Ảnh: Đại lý Hyundai.

Khi thấy phân khúc xe hạng A vẫn là mảnh đất màu mỡ, các hãng xe Nhật Bản cũng muốn nhảy vào cuộc chơi, điển hình là Suzuki Celerio và Toyota Wigo. Trong đó, Celerio đã kịp về nước còn Wigo vẫn chưa thể có mặt. Cả hai mẫu xe đều nhập Thái Lan nên vướng Nghị định 116.

Từ nay cho đến khi Toyota Wigo về Việt Nam, Hyundai Grand i10 nhiều khả năng vẫn là mẫu xe bán chạy nhất phân khúc. Suzuki Celerio có giá phải chăng (359 triệu đồng) nhưng cũng chỉ có số lượng nhỏ xe kịp nhập khẩu năm ngoái để bán chờ hàng mới nên khó có thể cạnh tranh nổi Kia Morning chứ chưa nói đến Hyundai Grand i10.