img
Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 1.

Những tiếng gầm động cơ dữ dội, những cú vào cua chuẩn xác, tay lái giữ chắc vô lăng và xé gió để lao về trước, anh cán đích ở vị trí số 1 trên chiếc Honda McLaren màu đỏ trắng! Đó là hình ảnh đẹp tại Suzuka, Nhật Bản năm 1988 khi tay đua Ayrton Senna lần đầu tiên lên ngôi vô địch giải F1. Đội đua McLaren và nhà sản xuất động cơ Honda dường như không có đối thủ. Họ chỉ không lên bục cao nhất của 1 trong tổng số 16 giải Grand Prix năm đó.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 2.

Ngoài đường đua, Honda cũng nếm trải hương vị của thành công. Những năm 1970, các kỹ sư của nhà sản xuất Nhật Bản đã tạo dựng một tượng đài về khả năng tiết kiệm nhiên liệu cũng như mức độ khí thải với động cơ CVCC (Compound Vortex Controlled Combustion). Đây là hệ thống động cơ đầu tiên trên thế giới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn về khí xả sạch do Mỹ đề ra mà không cần bộ lọc khí xả.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 3.

Trong những năm 1980, với chiến thắng tưng bừng của Senna, hai mẫu xe Civic và Accord đã tái định nghĩa phân khúc sedan tại Mỹ. Năm 1997, Honda trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô đương đại đầu tiên có thể xuất xưởng xe chạy hoàn toàn bằng điện – mẫu EV Plus – để có thể đáp ứng tiêu chuẩn khí thải bằng 0 quá đỗi ngặt nghèo của California.

Tuy nhiên, gần 30 năm sau ánh hào quang của Senna, Honda nhanh chóng tụt dốc không phanh. Trên đường đua, liên minh Honda McLaren rơi vào bế tắc. Đội đua không giành được bất kỳ chiến thắng nào, ngay cả một vị trí nhất chặng cũng không có. McLaren ngay lập tức mất bình tĩnh và tuyên bố cắt đứt hợp tác với nhà sản xuất động cơ gắn bó bao năm qua.

Thảm cảnh tương tự ngoài đường đua. Honda ngập chìm trong các bê bối thu hồi. Hơn 11 triệu xe bị gọi về xưởng sửa chữa tại Mỹ từ năm 2008 vì lỗi túi khí. Năm 2013 và 2014, hai mẫu Fit và Vezel bị thu hồi tới 5 lần do phát hiện các lỗi kỹ thuật ở hệ truyền động. Tệ nhất, Honda đánh mất vị trí dẫn đầu trong mảng xe điện vào tay Tesla và nhiều nhà sản xuất khác.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 4.


Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 5.

Hachigo bắt đầu làm việc tại Honda từ năm 1982 với tư cách là một kỹ sư. Ông được tin tưởng và giao phó làm CEO từ tháng 6/2015. Giờ đây, trên ghế nóng, ông muốn hồi sinh một nền văn hóa làm việc tại Honda – nơi mà các kỹ sư như ông của 35 năm về trước được khuyến khích mạo hiểm. Vị CEO cũng muốn cứu Honda khỏi cảnh tiền bạc và quyền lợi của các cổ đông hạn chế sức sáng tạo của các nhà phát minh.

Để hiện thực hóa điều này, Hachigo chia sẻ trên truyền thông rằng ông đã tập hợp một nhóm thành viên quan trọng gồm các kỹ sư, nhà quản lý và các nhà lập kế hoạch. Đây là những người từng lái máy bay do Lockheed Martin chế tạo, thiết kế máy tính cho Apple hay tham gia dự án xe tự lái của Google.

Trong các cuộc phỏng vấn trên truyền thông, hơn 20 cán bộ cấp cao đã và đang làm tại Honda Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ đã điểm lại những yếu tố khiến Honda rơi khỏi top dẫn đầu. Họ cũng tiết lộ một số điểm mới trong kế hoạch của Honda để tìm lại chính mình.

Họ cho rằng, Honda đã vấp phải cạm bẫy "monozukuri". Monozukuri là thuật ngữ được dùng để miêu tả hoạt động sản xuất không ngừng tại Nhật Bản. Nghe có vẻ mâu thuẫn bởi thực tế, chu trình này cũng giúp Honda đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường sau Thế chiến thứ II. Tuy nhiên, những thách thức ngày nay, theo khẳng định của nhóm hơn 20 lãnh đạo trên, là điện hóa, số hóa và tự lái hóa. Các yêu cầu của khách hàng cao hơn nhiều, và đặt nặng vào chất lượng thay vì chỉ tập trung số lượng như trước đây.

Quan trọng nhất, trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, các lãnh đạo cấp cao của Honda tại trụ sở chính (Tokyo) đã được trao quá nhiều quyền lực, để rồi họ kiểm soát luôn cả các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Điều này được miêu tả là rào cản đối với các sáng tạo và phát minh của các kỹ sư. Bởi thực tế, trong thời gian qua, có quá ít phát kiến từ nhân sự ngoài Nhật Bản.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 6.

Tham chiếu sang các con số về kinh doanh có thể thấy rõ điều này. Doanh thu của hãng xe Nhật Bản tăng mạnh từ năm 2000. Hệ số lợi nhuận hoạt động tính tới hết năm tài khóa 2016 (tính tới hết 31/3/2017) là 6,0% (so với 7,2% của Toyota).

Tuy nhiên, xe hơi của Honda tụt dốc thảm hại trên bảng xếp hạng chất lượng, từ vị trí thứ 7 năm 2000 xuống thứ 20 của năm 2017, theo xếp hạng của tổ chức uy tín J.D. Power.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 7.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 8.

Nỗ lực làm hài lòng các cổ đông bằng lợi nhuận đồng nghĩa với việc kiểm soát chi phí sản xuất. Theo tiết lộ của các cán bộ cấp cao và kỹ sư của Honda, CEO của đương nhiệm từ năm 2003-2009, ông Takeo Fukui đã phá vỡ truyền thống của công ty khi buộc các Giám đốc kỹ thuật chỉ sử dụng 5% doanh thu được phân bổ cho khối công nghệ.

Khi Takanobu Ito thay thế Fukui để nắm vị trí CEO Honda vào năm 2009, ông thậm chí còn siết chặt chi tiêu và can thiệp sâu hơn vào giai đoạn thiết kế. Nguồn tin giấu tên cho biết CEO này đã thuyên chuyển nhiều vị trí quan trọng trong đội ngũ thiết kế, công nghệ khỏi các dự án nghiên cứu và phát triển.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 9.

Cả hai vị CEO này đều từ chối trả lời truyền thông khi được hỏi lý do cho các quyết định trên.

Và điều gì tới cũng phải tới. Civic chính là mẫu xe đầu tiên hiện ra rõ sự sai lầm từ hướng đi lúc đó của Honda. Civic vốn là mẫu xe bán chạy hàng đầu của Honda nhờ uy tín từ động cơ, sự bền bỉ và mức giá hợp lý.

"Chiến lược mới đã hướng sự tập trung vào cắt giảm chi phí", Mitsuru Horikoshi – kỹ sư phụ trách thiết kế Civic – trả lời Reuters.

Dưới thời CEO Ito, đội ngũ lãnh đạo đã quyết định phiên bản mới của Civic sẽ dùng lại phần lớn linh kiện của thế hệ trước đó, bao gồm cả hệ thống treo phía trước, phía sau và nhiều phụ tùng cho nửa trước của xe.

Kỹ sư phụ trách Civic là ông Horikoshi hoàn tất bản thiết kế đầu tiên vào tháng 2/2008 và một bản chi tiết hơn hai tháng sau đó. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng cao, giá thép và nhiều vật liệu khác cũng leo dốc, mỗi chiếc xe bị đẩy chi phí sản xuất lên ngưỡng 1.200-1.400 USD/chiếc. Đầu tháng 7/2008, họ tiếp tục phải cắt giảm để thiết kế có thể được phê duyệt sản xuất.

Horikoshi nhớ lại cơn ác mộng khi đó. Đó là lúc công sức của họ trong việc nỗ lực tìm ra giải pháp thiết kế với nguồn ngân sách có hạn bị phủ nhận. Ông bị bắt "xem xét lại" bản thiết kế ngay trong đêm.

Sáng hôm sau, Ito tới gặp nhóm thiết kế của Horikoshi và lệnh cho nhóm này phải điều chỉnh chiếc Civic nhỏ hơn và rẻ hơn. Thiết kế phải được hoàn thiện ngay trong tháng.

"Đó như một nhát dao vậy. Với việc cắt giảm chi phí, Ito như đẩy bản thiết kế của chúng tôi về mốc xuất phát. Đây là điều chưa từng xảy ra và không thể ngờ được", Horikoshi trần tình.



Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 10.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu của Ito, Horikoshi buộc phải dùng các vật liệu rẻ tiền hơn và thu nhỏ chiếc xe lại. Kết quả, Civic mới bị cắt 45mm chiều dài, giảm 25mm chiều rộng. Trục cơ sở ngắn lại, giảm tới 30mm.

Một cựu Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Honda thừa nhận, "cố gắng giảm chi phí của Honda chỉ tác động xấu và trực tiếp tới sản phẩm của họ. Cắt giảm, cắt giảm và cắt giảm, vậy là có chiếc xe rẻ tiền".

Cuối năm 2008, nhóm thiết kế của Horikoshi vẫn chưa tìm ra được bản thiết kế đúng yêu cầu. Nửa năm chậm tiến trình nhưng họ vẫn còn thiếu 200 USD trong mục tiêu chi phí sản xuất mỗi xe của ban lãnh đạo.

"Tôi hết cách rồi, không thể giảm được nữa đâu", Horikoshi nói.

Khi chiếc Honda Civic 2012 bắt đầu bán ra từ cuối năm 2011, nó đã vấp phải hàng loạt chỉ trích. Tạp chí uy tín và có sức ảnh hưởng lớn tại Mỹ là Consumer Reports lần đầu tiên loại Honda Civic khỏi danh sách các mẫu xe đáng mua kể từ năm đầu tiên họ bầu chọn (1933). Consumer Reports đánh giá Honda Civic mới có nội thất nghèo nàn và cảm giác lái không tốt.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 11.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Matsumoto lên tiếng và coi đây là bài học lớn với Honda, rằng sáng tạo không thể bị mối quan tâm về lợi nhuận ảnh hưởng. Trong suốt thời gian làm việc tại Honda chi nhánh Thái Lan và Ấn Độ, ông không nhìn thấy sự sáng tạo chảy trong không khí làm việc tại đây.

"Chúng ta phải được phép điên rồ ở nhiều thời điểm. Nếu bạn vận hành một trung tâm công nghệ và chỉ để ý tới hiệu quả kinh doanh thì tức là bạn đã giết chết chính nơi đó. Đây chính xác là những gì đã xảy ra với Honda. Chúng tôi không muốn những người ngồi ở ban giám đốc chỉ bảo các kỹ sư cần làm gì", ông thẳng thắn nói.


Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 12.

Theo James Chao đại diện của tổ chức tư vấn IHS Markit Automotive chi nhánh châu Á-Thái Bình Dương, Honda đã thất bại trong việc giữ vị trí dẫn đầu ở nhiều hạng mục công nghệ trong ngành ô tô khi dưới thời Fukui và Ito.

Cùng thời điểm các lãnh đạo của Honda siết chặt chi phí sản xuất Civic 2012 thì họ cũng hạn chế "bơm tiền" cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Trong khi đó, các hãng xe khác, đặc biệt là đối thủ của Honda như Ford, đã đầu tư rất nhiều cho công nghệ xe xanh – nơi mà Honda đã là người tiên phong với EV Plus năm 1997. Với sự chênh lệch đó, các đối thủ đã vươn lên và để nhà sản xuất Nhật Bản tụt lại phía sau. Sự trở lại của Honda trong cuộc chiến xe xanh vào năm 2000 hay nỗ lực sản xuất một mẫu plug-in năm 2013 (tức 13 năm sau thành công của EV Plus) đã quá muộn khi thị trường đã đón nhận Tesla.




Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 13.

Cựu Giám đốc bộ phận công nghệ của Honda tại Mỹ - thị trường lớn nhất của hãng xe Nhật - Erik Berkman khẳng định trong một thời gian dài, Honda đã phớt lờ việc tìm kiếm nhân sự tiềm năng ngoài Nhật Bản và việc đó đang làm hại chính công ty này.

Đội ngũ quản lý của Honda, Hội đồng quản trị và ban điều hành trước đây chỉ là nam giới và phải mang quốc tịch Nhật Bản. Chỉ mới 3 năm trước, Honda mới bổ nhiệm người ngoại quốc đầu tiên (nhưng cũng là người Nhật lai Brazil) và một phụ nữ vào ghế nóng.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 14.

Mùa thu năm 2013, Berkman đã có một bài thuyết trình tại Motegi, Nhật Bản trong hội nghị quan trọng với sự tham gia của các kỹ sư, nhà nghiên cứu hàng đầu của Honda. Thông điệp của ông rất rõ ràng: Đây chính là thời điểm Honda phải tập trung trí tuệ của tất cả các kỹ sư, nhân tài hiện có. Các chuyên gia nghiên cứu tại Hoa Kỳ và một số người làm việc tại Nhật Bản với thâm niên hơn 2 thập kỷ bị đối xử như những sinh viên, Berkman rõng rạc nói trước khoảng 500 cán bộ cấp cao, trong đó gồm cả những người cầm trịch tại Honda Nhật Bản.

"Thái độ của tôi rất rõ ràng, rằng đây cũng là công ty của tôi. Việc tăng sự đa dạng ở Honda, đặc biệt là ở bộ phận nghiên cứu và phát triển chính là con đường chúng ta cần đi", Berkman phát biểu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Berkman còn cho biết rất nhiều kỹ sư và nhà nghiên cứu tài năng ở Mỹ đã rời bỏ Honda vì quá thất vọng và thường không được trao các cơ hội thích hợp. "Nhiều cộng sự ở Mỹ cảm thấy các lãnh đạo tại Nhật Bản quá kiểm soát và không chấp nhận những gì mà chúng tôi coi là rủi ro hợp lý", Berkman nói.

Rất nhiều người có mặt tại Motegi đã chúc mừng ông vì bài diễn thuyết. Nhưng không lâu sau đó, Berkman bị giáng chức Giám đốc công nghệ Honda Bắc Mỹ xuống làm vị trí cán bộ lập kế hoạch cho một khu vực nhỏ hơn. Đó cũng là lý do chính ông chia tay Honda sau 33 năm cống hiến.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Honda – Matsumoto – thừa nhận bộ phận công nghệ của nhà sản xuất Nhật Bản đang thiếu trầm trọng sự đa dạng trong nhân sự. "Bạn chỉ có thể nhìn thấy các khuôn mặt Nhật Bản tại đây. Tuy nhiên, chúng tôi đang xếp sắp lại nhân sự tại các khu vực như Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc để có được sự đồng thuận".


Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 15.

Ngành sản xuất của Nhật Bản, đặc biệt là ngành sản xuất ô tô rất hưng thịnh hậu Thế chiến thứ II nhờ chiến lược Monozukuri. Tuy nhiên, việc sản xuất liên tục không còn phù hợp với thời đại số. Trí tuệ nhân tạo, cách mạng công nghiệp 4.0 và xe tự lái đang buộc các nhà sản xuất phải suy nghĩ lại về việc sản xuất và thiết kế ô tô.

"Kỷ nguyên mới đòi hỏi một cách tiếp cận mới", Matsumoto Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển của Honda khẳng định.

Một số thay đổi đang được Honda thực hiện để nỗ lực cải thiện những lỗi lầm trong quá khứ. Mà quan trọng nhất là việc di dời các công việc liên quan tới công nghệ ra khỏi phạm vi lãnh thổ Nhật Bản để bộ phận này có quyền tự chủ hơn trong bối cảnh công nghệ đang chạy đua quá nhanh.

Honda đã đạt được thỏa thuận với các bên thứ ba để thúc đẩy nhanh tiến độ tạo ra một chiếc ô tô điện thông minh có khả năng kết nối. Các bản hợp đồng bao gồm cả cái bắt tay với Hitachi để sản xuất và phát triển động cơ cho xe plug-in, hay thỏa thuận với General Motors để sản xuất hệ thống pin nhiên liệu tại Mỹ. Ngoài ra, Honda cũng đang nghĩ tới việc hợp tác với Alphabet Inc’s của Google để tham gia cuộc đua tự lái.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 16.

Theo đánh giá của CEO đương nhiệm Hachigo và Giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển Matsumoto, chìa khóa quan trọng trong thay đổi nội bộ này chính là nhóm tư vấn gồm các kỹ sư, nhà quản lý và lập kế hoạch làm việc thầm lặng phía sau (nhóm đã đề cập ở trên).

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 17.

Trên thực tế, trong nội bộ Honda, rất ít người biết tới sự tồn tại của những con người này. Nhóm làm việc tại một văn phòng ở Kyobashi, cạnh trụ sở của Honda. Nhà sản xuất Nhật Bản từ chối tiết lộ thông tin của từng cá nhân trong đội ngũ này.

Trong thời gian làm việc vừa qua, theo chia sẻ của CEO Hachigo, nhóm "quyền lực" mềm đã chia sẻ những ý tưởng mà họ kỳ vọng sẽ giúp Honda quay lại thời kỳ hoàng kim. Chúng bao gồm việc tinh giản quá trình phát triển sản phẩm của Honda. Quá trình này đã trở nên cồng kềnh kể từ khi nhà sản xuất Nhật Bản sai lầm khi tìm nhiều cách cắt giảm chi phí.

Matsumoto không hy vọng những người này sẽ có thể thay đổi ngay Honda nhưng ông đang nhìn về sự chuyển đổi trong tương lai gần. Mà Honda Civic phiên bản hoàn toàn mới thay thế phiên bản 2012 giành được giải Mẫu xe của năm tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2016 là tia hy vọng sáng chói.

Còn đối với những thị trường mới nổi như Đông Nam Á, CR-V 7 chỗ sẽ là làn gió mới. Việc dành riêng bản 7 chỗ cho các quốc gia Đông Nam Á là minh chứng cho sự ưu tiên và tầm nhìn của Honda đối với sở thích của khách hàng nơi đây, theo khẳng định của Honda Thái Lan tại Triển lãm ô tô Bangkok 2017. Mẫu xe này cũng đã xuất hiện tại Việt Nam và hứa hẹn tái lập đối trọng với Mazda CX-5 từng ngang ngửa về thị phần trong giai đoạn 2014-2016.

Honda đã đánh mất mình và tìm cách quay lại thời kỳ hoàng kim như thế nào? - Ảnh 18.

"Chiến lược này chứng tỏ cho chúng ta thấy ở đâu đó trong công ty này vẫn còn hình ảnh của Honda mà chúng ta đã mất đi. Đó chính là DNA trong máu của Honda", Matsumoto nói.     


Đăng Việt
Tom
Theo Trí Thức Trẻ17/11/2017