Bị "công" đè – chuyện nhạt nhưng bi thảm

Vụ tai nạn xe đầu kéo khiến tôi nhớ chuyện một ông anh.

Quãng năm 1998, ông anh đó có chiếc Mazda 626 – tiền thân của chiếc Mazda6 bây giờ. Anh đi rất giữ xe. Anh lái luôn từ tốn. Từ tốn khiến tôi phát hoảng. Có lần đi Hải Phòng trên đường 5 (cũ), khi vượt "xe công" anh cứ điềm đạm giữ số 5 để vượt.

Bạn hãy tưởng tượng xem, xe kéo công 40 feet có tổng chiều dài 20m mà tốc độ chênh nhau đủng đỉnh 2km/h thì bao giờ mới vượt xong?

Khiếp quá, tôi bảo anh, "Anh đi quá nguy hiểm, anh ạ". Anh điềm đạm bảo, "Thì đi đâu mà vội".

Một năm sau, nhắc lại chuyện cũ, anh bảo – giọng điềm đạm hơn xưa và có tý phều phào vì hàm răng giả và thiếu mất mấy giẻ xương sườn - "Không phải nguy hiểm, mà đúng mình ngu thật".

Anh bị tai nạn trong một lần vượt "xe công" trên đường 18. Chiếc Mazda 626 con cưng của anh bị vò nát như tờ giấy. Còn anh thì có nửa năm dưỡng viện.

Vụ tai nạn, về lý anh không sai. Anh xin vượt, "xe công" nhường đường. Nhưng anh vượt mãi không qua, rồi xe công đột ngột giật lái để tránh một chiếc xe đạp lao trong ngõ ra. Chiếc Mazda bị lùa vào gầm xe container và bị kéo lê đi cả trăm mét. Chuyện nhạt như bịa.

Những chuyện ngớ ngẩn như vậy không phải là độc quyền của Việt Nam ta. Ở Mỹ hàng năm đều có cỡ 5.000 vụ tai nạn chét người liên quan đến xe đầu kéo container. Trong các vụ "đấu đầu" với xe container, gần 90% lỗi là của xe con.

Nghịch lý xe con lại gây tai nạn cho xe to xuất phát từ việc tài xế không hiểu đúng về khả năng vận hành của xe container. Nguy hiểm nhất là việc xem rằng "xe công" có thể xử lý nhanh được như xe con.

Nếu cứ hiểu như thế, thì việc tạt đầu hay phanh gấp trước đầu xe container sẽ khiến tính mạng bạn trở nên mong manh như một chiếc lá khô trước gió. Vì xe container thực ra chẳng khác mấy con gấu thô kệch, rất mạnh mẽ mà cũng cực kỳ vụng về.

 Hãy biết sợ xe đầu kéo - Ảnh 1.

Hình ảnh vụ tai nạn xe container đè nát xe 4 chỗ ngày 11/4/2017 tại Nam Định.

Phanh gấp trước đầu "công" – Lá khô trước gió

Xe "công" phanh hoàn toàn không như xe con. Xe con đời mới dùng phanh đĩa thủy lực (gần như) không có độ trễ và có khả năng phanh từ 96km/h về 0 trên quãng đường dưới 40m. Siêu xe Lambo, Ferrari chỉ cần dưới 30m.

Xe công dùng phanh hơi tang trống, độ trễ lớn và nếu đầy tải sẽ mất 160m để dừng hẳn từ tốc độ 96km/h.

Tuy nhiên, trong thử nghiệm thực tế ở tốc độ 88km/h, xe con cần 58m để phanh dừng hẳn; xe công mất trung bình từ 100m đến 130m – tùy điều kiện má phanh nóng hay nguội. Như vậy ở tốc độ ngang nhau, "xe công" cần quãng đường lớn gấp đôi để dừng hẳn.

Thêm nữa, tốc độ phản hồi của não bộ người lái từ khi phát hiện nguy cơ tai nạn cho đến khi đạp phanh trung bình là 1 giây rưỡi cho đến 2 giây.

Có nghĩa ở tốc độ 50km/h, người lái chỉ bắt đầu phanh sau khi xe đã đi được 21m từ khi nhìn thấy bạn tạt đầu; 25m ở tốc độ 60km/h; 28m ở tốc độ 70km/h và 34m ở 80km/h.

Tức trong khoảng cách dưới 20m, nếu bạn ngã, phanh đột ngột… lái xe sẽ không có bất kỳ phản ứng gì.

Do vậy, nếu phải phanh ở tốc độ cao, hãy nhìn ngay gương hậu. Nếu bạn không chắc có được khoảng cách tương ứng 4 hay 5 thân xe (20 đến 25m), hãy nhắm mắt đưa chân về phía trước. Trừ khi phía trước là tàu hỏa, mọi sự đều nhẹ nhàng hơn bị container "dồn toa".

Một giây lưỡng lự

Trọng lượng toàn tải xe "công" rất cao (50-70 tấn) khiến xe có quán tính rất lớn. Đôi khi phanh gấp, container hoặc hàng hóa trên xe có thể lao bẹp ca-bin đầu kéo. Khi đó, chính tài xế xe "công" sẽ lãnh đủ.

Một lý do nữa để lưỡng lự: Xe đầu kéo dễ đổ do trọng tâm cao và hướng chuyển động của đầu kéo và rơ-moóc lệch nhau. Nếu phanh gấp và đánh lái gấp, đầu kéo chuyển hướng nhưng lực quán tính vẫn đẩy rơ-móoc chạy thẳng. A lê hấp! Xe đi bằng sườn ngay.

Kết quả sẽ là một chiếc xe con bẹp như tờ giấy dưới container chục tấn, như vụ tai nạn thảm khốc vừa qua.

Điều này có nghĩa, sau 1 giây rưỡi độ trễ của não, tài xế xe "công" có thể mất thêm 1 giây lưỡng lự: Phanh hay không phanh ? Đánh lái tránh hay không tránh ?

Chỉ có bản năng người lái khiến tài xế đạp phanh trước khi kịp suy nghĩ mới cứu được việc xe đầu kéo trèo lên xe bạn, nếu bạn phanh gấp trong khoảng 20m trước mũi xe công.

Vậy đừng bao giờ làm lái xe container giật mình bằng những cú tạt đầu hay giành đường với họ.

 Hãy biết sợ xe đầu kéo - Ảnh 2.

Xe container treo lơ lửng trên cầu Thanh Trì trong vụ tai nạn ngày 18/3/2017.

Luồng gió ngang và những điểm mù – sát thủ tiềm ẩn

Một nguy cơ cho tất cả mọi người tham gia giao thông, từ người đi bộ, xe máy hay ô tô là luồng gió cuốn tạo ra khi xe đầu kéo chạy qua.

Nên nhớ, từ năm 1990 các hãng ô tô đã phải đưa yếu tố gió ngang (crosswind) vào việc thiết kế xe – tức nguy cơ hiện hữu, không đùa được. Do vậy khi lưu thông trên đường, đừng bao giờ đi song song với xe công.

Với chiều dài trên 20m, xe đầu kéo có nhiều điểm mù (điểm mà tài xế không nhìn thấy) hơn xe con. Lái xe phải bao quát không gian lớn hơn rất nhiều và thậm chí lái xe còn không biết bạn có mặt ở trên đường.

Hãy luôn vượt bên trái xe đầu kéo vì xe có điểm mù ít hơn – nháy đèn pha/cos thay vì chỉ bật xi-nhan để xin đường.

Khi vượt, hãy vượt đúng nghĩa vì bạn đang trong vùng nguy hiểm. Với xe số tự động, hãy đạp hết ga, xe sẽ về 2 hay 3 số đủ lực kéo để vượt nhanh. Nếu xe số sàn, hãy về ít nhất 2 số và đạp ga quyết đoán như thể đây không phải xe mình. Bạn sẽ an toàn.


img

Tác giả Hải Kar.

Đừng "cương" với xe đầu kéo. Hãy nhường đường ngay khi xe đầu kéo xin vượt hoặc hãy bắn vọt ngay đi ngay cả khi bạn đã ở tốc độ tối đa cho phép.

Các cụ có câu "Cây ngay ko sợ chết đứng" nhưng cũng có câu "Được vạ thì má sưng". Hãy xem được nộp phạt quá tốc độ là một cơ may, còn hơn đúng luật mà phải về đoàn tụ với ông bà sớm.

Bán kính quay của xe công rất rộng – xe con thường từ 5 đến 6m, xe công thường là 14 đến 15m, nên mỗi khi vào cua lái xe thường mở rộng lái nhất có thể ngược về hướng xe cua. Do vậy, nếu thấy xe container bật đèn rẽ trái nhưng xe cứ bám phải, đừng nghĩ họ nhầm xi-nhan, họ chuẩn bị ôm cua đúng đó.

Hãy biết sợ

Hãy sợ xe kéo container bằng cách tôn trọng lãnh địa của họ. Hãy xem bán kính 20m quanh mỗi chiếc xe đầu kéo - ở bất kể tốc độ nào, là vùng nguy hiểm cần thoát ra nhanh nhất có thể. Chỉ khi biết sợ, bạn mới được an toàn.

Trong nghiên cứu "Tai nạn chết người do bus và xe đầu kéo", Ủy ban An toàn Quốc gia Mỹ chỉ ra rằng, 90% các vụ tai nạn đã có thể không xảy ra nếu người lái phản ứng nhanh hơn một giây! Tuy nhiên, một giây quý giá đó chưa bao giờ là hiện thực nên chúng ta hãy biết sợ.

Đừng bon chen với sự an toàn của chính mình. "Tránh voi chẳng xấu mặt nào".