Hàng loạt mẫu xe máy "hot" trên thị trường Việt Nam ở thời điểm hiện tại như Honda SH, Vespa, Yamaha Exciter được rao bán với mức giá chỉ dưới 20 triệu Đồng.
Thời gian gần đây, cư dân mạng và người tiêu dùng tỏ ra hoang mang trước thông tin hàng loạt mẫu xe máy "hot" trên thị trường bị rao bán ở mức giá rẻ tới không tưởng. Cụ thể, fanpage lấy tên "Cục hải quan thanh lý xe trốn thuế" đăng tải 3 hình ảnh bãi xe gồm nhiều dòng xe của Honda, Yamaha và Piaggio cùng thông tin giá bán đều dưới 20 triệu Đồng.
Theo thông tin đó, Honda SH 150i nhập có giá 20 triệu Đồng. Bản lắp ráp tại Việt Nam thậm chí chỉ có giá 15 triệu Đồng. Hàng loạt mẫu xe khác của Honda chỉ có giá 10 triệu Đồng như SH Mode, Vision, Air Blade, LEAD. "Vua xe côn tay" Yamaha Exciter 150 hay mẫu xe "thần thánh" Honda Dream chỉ có giá 7 triệu Đồng.
Đoạn thông tin đăng tải sau khoảng 10 ngày thu về gần 3.000 lượt thích và gần gần 700 lượt chia sẻ.
Fanpage này còn khẳng định "Cam kết tất cả các xe đều là xe mới 100%. Nhập lậu chốn thuế từ Campuchia nên mức giá hoàn toàn bất ngờ, xe chưa đăng kí, chưa có biển". Chưa dừng lại ở đó, như một cách đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, fanpage đăng tải thông tin: "Đây là kho xe thu giữ được của các đối tượng vi phạm, nhập khẩu xe trốn thuế từ cửa khẩu Campuchia về và đã bị thu giữ, chúng tôi đã nhận được công văn thanh lý xe gây quỹ từ thiện cho trẻ em nghèo khuyết tật"; và không quên nhấn mạnh "số lượng có hạn" để khuyến nghị người vào trang inbox (nhắn tin) trực tiếp tới tài khoản quản trị.
Nhiều người dùng tiếp cận fanpage để tìm hiểu thông tin.
Ngoài fanpage này, có thể dễ dàng tìm thấy những fanpage tương tự "rao bán xe thanh lý".
Trước thông tin gây sốc này, Cục Hải quan khẳng định đây là fanpage giả mạo và vụ việc đang được điều tra để xử lý. Song, tới chiều 30/6, lượng người dùng facebook quan tâm tới thông tin này vẫn tăng cao và fanpage vẫn hoạt động bình thường.
Trước đó, hàng loạt hãng xe máy tại Việt Nam như Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam bị mạo danh với thông tin tặng miễn phí xe máy cho những facebooker chia sẻ và bình luận màu sắc yêu thích.
Các chuyên gia công nghệ thông tin cho hay, hầu hết fanpage giả mạo này dùng cách thức lừa đảo như trên để tăng lượng theo dõi. Sau đó, fanpage sẽ thay đổi thành một nơi quảng cáo và xóa toàn bộ thông tin không chính xác để biến thành một fanpage "sạch". Các chuyên gia cũng cảnh báo thông tin của người dùng có thể bị lấy mất khi tiếp cận trực tiếp với quản trị viên của các fanpage này.