Hà Nội và Sài Gòn đều có nhiều người nhập cư đến sinh sống, học tập, làm việc. Phương tiện di chuyển chủ yếu là xe cá nhân, thường xuyên ùn tắc giao thông và kẹt xe.

Khác là ở Sài Gòn khi kẹt xe, ít chen lấn hơn, nhận lỗi khi va chạm, nhiều người sẵn sàng tham gia điều tiết giao thông và chỉ đường.

Còn ở Hà Nội khi kẹt xe rất lộn xộn bởi cảnh đâm xuôi, đâm ngược, bóp còi inh ỏi, ô tô lấn làn xe máy, xe máy chắn ngang đầu ô tô rồi tìm cách leo lên vỉa hè.

Tôi ra Hà Nội được đứa em chở đi bằng xe máy gặp cảnh tắc đường thật kinh khủng, người thì lấn qua làn đường dành cho xe ngược chiều, người thì chen ngang cố nhích lên phía trước.

Tôi thắc mắc thì cậu em giải thích “Có chỗ trống mà mình không đi thì cũng có người khác đi, chờ biết khi nào về tới nhà?”.

Quả thật, giờ cao điểm, đường đông phương tiện, ai cũng cố chen lấn, có vẻ sốt ruột như đang đi công việc gì đó gấp lắm.

Thật sự người Hà Nội luôn vội trong mọi lúc?Có người lái xe phóng nhanh, vượt ẩu mà lại ngồi hàng giờ hoặc cả buổi để uống cà phê, nhậu nhẹt, nói chuyện, tán ngẫu!

Có những tình huống kẹt xe rất vô lý, lãng xẹt. Trên đường phố chẳng may va quẹt nhỏ lập tức tranh cãi, chửi thề, đổ lỗi, ai cũng cho mình đúng. Rồi họ giữ nguyên hiện trường để làm chứng cứ. Giá như có ý thức để không cản trở giao thông, nhận lỗi, xin lỗi, đưa xe vào lề, thương lượng với nhau và nếu không thành thì mời công an giải quyết.

Bất tuân quy tắc

Tại các nút giao thông ở Hà Nội dễ thấy cảnh chen lấn, vượt đèn đỏ một cách vô tư, vạch kẻ dành cho người đi bộ trở thành nơi dừng xe khi chờ đèn tín hiệu. Đèn xanh chưa kịp bật sáng đã lần lượt vượt qua, lấn vạch, lấn tuyến. Còn người đi bộ thì chọn chỗ nào mà mình cho là tiện lợi để băng qua.

Trên đường phố rất dễ bắt gặp cảnh chạy xe mất an toàn, không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, thắng gấp, hình như chỉ cảnh giác khi thấy CSGT.


Không có CSGT, các phương tiện chẳng màng đến đèn đỏ. Ảnh: Đoàn Bổng

Không có CSGT, các phương tiện chẳng màng đến đèn đỏ. Ảnh: Đoàn Bổng

Thành ra, Hà Nội luôn có một lực lớn cảnh sát và thanh tra giao thông mà trật tự trên đường vẫn chưa cải thiện. Dễ thấy nhất vào giờ cao điểm tại các ngã tư dù có đèn tín hiệu, vài cảnh sát vất vả điều tiết hướng dẫn nhưng giao thông vẫn cứ rối loạn.

Tôi đến Thái Lan, giờ cao điểm cũng ít khi thấy CSGT, hỏi ra mới biết cảnh sát chỉ xuất hiện khi ai đó cần giúp đỡ, xảy ra sự cố gây kẹt xe, hư hỏng đèn tín hiệu.

Mọi hành vi tham gia giao thông dù nhỏ nhặt sẽ là bước đệm cho hành động mai sau, tốt, xấu, hay, dở… Không tuân thủ quy định giao thông dễ gây nguy hiểm cho người khác và cho chính mình, gây ức chế, bị coi thường, giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng nhân cách con người.

Để hạn chế kẹt xe, trước hết mỗi người đi đường phải tự ý thức, biết nhường nhịn, không lấn tuyến và vượt ẩu, cư xử đúng mực và phù hợp khi gặp sự cố. Về phía quản lý nhà nước, ngoài công tác chuyên ngành giao thông, cần vào cuộc phối hợp tốt với các trường học, đơn vị sử dụng lao động để phổ biến kiến thức pháp luật giao thông đến giới học sinh, sinh viên, người lao động.

Thủ đô Bangkok (Thái Lan) từng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, ngoài việc xây dựng hệ thống đường trên cao và metro, họ đã ứng dụng Trung tâm điều hành giao thông thông minh (ITS) giúp giải quyết kẹt xe. Sài Gòn cũng đã và đang hướng đến. Nên chăng Hà Nội cũng ứng dụng để kiểm soát giao thông trên đường, tự động thay đổi thích hợp chu kỳ đèn tín hiệu.

Đặc biệt, thông qua internet và điện thoại báo cho người dân biết tuyến đường sắp qua, cung đoạn bị kẹt xe để chuyển hướng đi khác. Đồng thời giúp các cơ quan, ban, ngành trong công tác phối hợp, quản lý, quy hoạch, xây dựng. Ví dụ khi biết tuyến đường chứa tối đa khoảng 5 ngàn phương tiện và thực tế đã xấp xỉ thì không cấp phép xây dựng chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại nữa.

Theo Vietnamnet