Xe chưa ra mắt, bản thương mại cũng chưa xuất hiện, nên những chiếc ô tô VinFast chạy thử ngoài đường khiến nhiều người tò mò. Những chiếc xe được nguỵ trang bằng lớp decal gây rối mắt, tránh sự tò mò về thiết kế chi tiết của xe, và đây là phiên bản tiền sản xuất - tức xe trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi lên dây chuyền để thương mại hoá.

Nhiều câu hỏi lớn được đặt ra liên quan đến những chiếc xe này. Đa số thắc mắc tập trung vào việc đánh giá, kiểm tra chất lượng xe.

Hành trình chạy thử của xe VinFast như thế nào? Mục đích để làm gì?

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 1.

Có tổng cộng 58 chiếc xe VinFast chạy thử nghiệm tại Việt Nam. Sẽ có rất nhiều cung đường khác nhau để chạy thử, kéo dài từ Bắc vào Nam. Địa hình đa dạng, từ đường bằng, đường đèo cho đến đồi núi... Những chiếc xe cũng phải trải qua nhiều điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau.

Mục đích của việc chạy thử này chính là kiểm tra chất lượng, độ an toàn, nhằm đạt được những chứng chỉ cao của châu Âu và cả thế giới trước khi xe được bán ra thị trường. Đây là một phần trong chu trình kiểm thử mà VinFast đang tiến hành trên toàn cầu. Theo dự kiến, quá trình kiểm thử đối với hai dòng xe Lux A2.0 và SA2.0 sẽ kéo dài đến tháng 8.

Vì sao 58 xe chạy thử mà người dân chỉ bắt gặp vài chiếc trên đường?

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 2.

VinFast công bố có 58 chiếc ô tô chạy thử nghiệm, bao gồm các mẫu Lux A2.0, Lux SA2.0 và Fadil. Lý do khiến người dân chỉ gặp hai chiếc chạy cặp với nhau là bởi những xe VinFast không chạy cùng một lộ trình và cùng một thời điểm. Các lộ trình được sắp xếp khác nhau tuỳ vào bài đánh giá cụ thể là gì. Ví dụ, có bài kiểm tra điều hoà, động cơ hay độ bền...

Ngoài ra, lộ trình kiểm thử cũng không cố định vì còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Ví dụ, nếu kiểm tra độ bền của xe dưới trời nắng mà hôm đó thời tiết mưa thì sẽ phải thay đổi.

Các chuyên gia lái thử xe là ai?

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 3.

Những người lái thử xe có cả chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm lái thử cho các hãng xe hàng đầu thế giới, và gồm cả những người địa phương có dày dặn kinh nghiệm. Việc kết hợp này nhằm đảm bảo sự đa dạng, giúp xe trải qua đầy đủ các kiểu vận hành trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Theo công bố của hãng trước đây, lái xe đều là chuyên gia của cả Magna Steyr và VinFast. Đại diện hãng khẳng định đội ngũ này đã được đào tạo bài bản để có thể đưa ra những đánh giá hữu ích, giúp các mẫu xe VinFast được hoàn thiện ở mức độ cao nhất của nhà sản xuất.

Tại sao xe không có biển số vẫn lưu hành được trên đường?

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 4.

Trên thực tế, không phải những chiếc VinFast không có biển số. Chiếc nào lăn bánh ra đường cũng có biển số tạm, là miếng giấy gắn trên kính chắn gió. Ký hiệu T16 là mã biển tạm do công an TP. Hải Phòng cấp. Xe gắn biển tạm có thể được lưu hành hợp pháp theo đúng lộ trình và trong một khoảng thời gian được ghi rõ trong giấy đăng ký.

Xe thương mại có khác xe chạy thử không?

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 5.

Câu trả lời là có. Những chiếc VinFast chạy thử trên đường được gọi là phiên bản tiền sản xuất, tức chưa phải mẫu chính thức bán ra thị trường trong thời gian tới. Trên những chiếc xe này có thiết bị chuyên dụng để phục việc thử nghiệm. Do đó, một số hệ thống nút bấm trên xe cũng phải thay đổi đề phù hợp với thiết bị đó.

Mặc dù vậy, các chi tiết thiết kế trên bản tiền sản xuất gần như sẽ giống hệt phiên bản thương mại. Những thay đổi chỉ nằm ở các hạng mục kỹ thuật.

Giải đáp thắc mắc lớn về những chiếc ô tô VinFast chạy thử trên đường - Ảnh 6.