Trong năm 2019, chiếc xe điện Audi e-tron sẽ bắt đầu được bán tại ASEAN, mà cụ thể là Singapore, nhưng chưa thể biết khi nào ô tô điện lăn bánh ở Việt Nam.
Cận kề
Vào cuối tháng 9/2018, e-tron, chiếc xe điện đầu tiên của hãng xe Audi đã chính thức ra mắt tại San Francisco (Mỹ) và sẽ bán tới tay người tiêu dùng kể từ cuối năm nay ở các thị trường phát triển như Đức, Mỹ. Chỉ sau đó 2 tuần, Audi e-tron đã tới Singapore để ra mắt thị trường ASEAN và bắt đầu bán ở nước này trong năm 2019.
Xe điện Audi e-tron sẽ bán tại ASEAN từ năm 2019 |
Ông Jeff Mannering, Giám đốc điều hành của Audi Singapore cho hay, dù không phát minh ra chiếc xe điện, nhưng Audi đã sản xuất xe điện theo cách riêng của mình. Tới năm 2025, cứ 3 chiếc xe Audi được sản xuất ra trên thế giới sẽ có 1 cái là xe điện.
Tại Việt Nam, dẫu xe điện chưa chính thức lăn bánh, nhưng cũng đã xuất hiện theo tinh thần thử nghiệm. Công ty Mitsubishi Motor đã trao tặng Bộ Công thương và UBND TP. Đà Nẵng một số xe hybrid sạc điện (Mitsubishi Outlander PHEV) trong khuôn khổ triển khai Dự án Nghiên cứu loại xe điện phù hợp với điều kiện đường sá, giao thông và hệ thống sạc điện cho xe tại Việt Nam, được thực hiện bởi Bộ Công thương và Mitsubishi Việt Nam.
Cũng trong Triển lãm Ô tô - VMS 2018 đang diễn ra tại TP.HCM, người tiêu dùng sẽ được ngắm i-ROAD, mẫu xe ý tưởng sử dụng động cơ điện thể hiện “Chuyển động đô thị trong tương lai” của Toyota.
Mặc dù chưa biết khi nào, i-ROAD mới lăn bánh tại Việt Nam, nhưng sự hiện diện này cũng cho thấy, các hãng xe đã không bỏ qua những xu hướng mới ở thị trường rất tiềm năng này.
Đặc biệt, VinFast - dù là doanh nghiệp mới bắt đầu thâm nhập lĩnh vực sản xuất ô tô , nhưng đã có mục tiêu sản xuất các mẫu ô tô điện để cung cấp cho thị trường Việt Nam từ cuối năm 2019.
Theo kế hoạch này, xe điện được VinFast xem là đột phá trên bản đồ ô tô Việt Nam và toàn cầu, dây chuyền sản xuất sẽ được ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới tính đến thời điểm hiện nay, nhằm cho ra đời những chiếc xe chạy bằng điện thân thiện với môi trường, phù hợp với sự phát triển và xu hướng mới nhất của ngành ô tô trên thế giới.
Chờ hệ sinh thái
Để xe điện lăn bánh phổ biến, chỉ nói riêng với Singapore cũng đã có sự chuẩn bị từ nhiều năm qua với việc tạo dựng một hệ sinh thái riêng
Ông Laurent Genet, Tổng giám đốc Audi Việt Nam cho hay, sẽ có rất nhiều việc cần phải làm liên quan đến hạ tầng và hệ sinh thái để xe điện trở nên phổ biến và sử dụng dễ dàng tại Việt Nam.
Đơn cử, khách hàng sở hữu Audi e-tron có thể truy cập hơn 80% trạm sạc công cộng ở khu vực EU. Được biết, hơn 72.000 điểm sạc có sẵn được vận hành bởi 220 nhà cung cấp tại các quốc gia thuộc EU, giúp việc sạc điện cho các xe điện như Audi e-tron trở nên thuận tiện và không gặp rắc rối nào. Việc thanh toán cũng được xử lý tập trung theo một hợp đồng duy nhất, với các mô hình đặt giá chuẩn, rõ ràng.
Tại Nhật Bản, các ông lớn như Toyota, Nissan, Honda và Mitsubishi đã thoả thuận xây dựng những trạm sạc điện dùng chung cho tất cả từ năm 2013.
Chính phủ Nhật Bản là nơi cung cấp các khoản trợ cấp lên tới 1 tỷ USD cho các tổ chức và doanh nghiệp muốn đặt các trạm sạc xe điện, trong khi đó, các hãng sản xuất ô tô chịu chi phí cho các trạm sạc điện không thuộc chương trình của chính phủ.
Thừa nhận các ưu điểm của xe điện như độ ồn thấp, kết cấu đơn giản, hiệu suất cao, không khí thải, chuyên gia ô tô Nguyễn Trung Kiên cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, đó là chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật gồm trạm sạc, nhà máy sản xuất pin, mạch điện là không hề nhỏ.
Điểm yếu nữa là động cơ điện nhạy cảm với các yếu tố môi trường, hạ tầng giao thông hơn động cơ đốt trong, nên đòi hỏi tính đồng bộ cao, quy trình bảo dưỡng, sửa chữa và bảo quản rất nghiêm ngặt, đặc thù. Điều này khiến xe điện không linh hoạt và chi phí bảo dưỡng, sửa chữa cao.
Vị này cũng không quên nhấn mạnh, do đặc thù điều khiển thông qua phần mềm, yếu tố cơ khí rất ít, nên nguy cơ xe điện bị chiếm quyền điều khiển từ các tác nhân bên ngoài là rất cao. Ngoài ra, với tình trạng úng ngập thường xuyên tại các thành phố lớn hiện nay, thế mạnh vốn có của ô tô điện sẽ trở thành yếu điểm, do đặc tính lý hoá của bộ pin có cường độ dòng điện lớn.
“Với một sản phẩm quá đặc thù và nhạy cảm với các yếu tố chập cháy như ô tô điện, chi phí sử dụng toàn vòng đời chưa chắc đã thấp hơn động cơ đốt trong. Chưa kể, việc sản xuất và xử lý chất thải rắn độc hại từ bộ pin sau sử dụng cũng chưa rõ ràng”, ông Kiện nói.