Thông tin trên được ông chia sẻ trong buổi phỏng vấn với tuần báo Bile am Sonntag, Đức. "Hiện tại chúng tôi không có ý định mua bán gì thêm. Trọng tâm hàng đầu của Geely là tập trung vào phát triển những gì mình đang có. Chúng tôi có rất nhiều ý tưởng và cũng rất nhiều thứ cần làm", ông nhấn mạnh.

Kể từ năm 2010 tới nay, Geely đã thực hiện một chuỗi hành động thâu tóm các hãng xe trên quy mô toàn cầu. Đáng kể nhất chính là thương vụ mua lại thương hiệu xe Thụy Điển Volvo từ Ford trị giá 1,8 tỉ USD.

Geely thỏa mãn với Daimler, ngưng thâu tóm cổ phần - Ảnh 1.

Volvo đã có những bước chuyển mình đáng kể sau khi được chuyển giao từ Ford sang Geely vào năm 2010.

Trong năm 2017, tập đoàn Trung Quốc cũng đã mua lại 3,3 tỉ USD cổ phiếu từ hãng xe tải AB Volvo, phần lớn cổ phần của hãng xe thể thao Lotus, 49,9% cổ phần của hãng xe Malaysia Proton và start-up xe bay Terrafugia. LEVC – thương hiệu xe đứng sau dòng taxi đen nổi tiếng của London cũng thuộc sở hữu của tỉ phú Trung Quốc.

Phi vụ 10% cổ phiếu Daimler trị giá 9 tỉ USD được hé lộ nửa tháng trước đã gây ngạc nhiên không nhỏ cho thị trường. Thêm nữa, động thái này cũng gây bất an cho nền công nghiệp ô tô Đức với nỗi sợ rằng trong tương lai – mảng công nghiệp đầy tự hào với truyền thống hào hùng của họ có thể bị thâu tóm bởi giới lắm tiền, nhiều của Trung Quốc.

Khi được hỏi về mối quan ngại này, tỉ phú Li cho biết sự tập trung của ông nhắm vào các công nghệ tương lai. Còn về mối quan hệ hợp tác giữa Geely và Daimler, ông cho biết cả 2 có thể hỗ trợ nhau ở nhiều lĩnh vực, trong đó có xe điện.

Geely thỏa mãn với Daimler, ngưng thâu tóm cổ phần - Ảnh 2.

Geely trong tương lai gần sẽ không tìm kiếm đối tác nào khác ngoài Daimler.

Ông cũng không có ý kiến gì về việc Daimler hợp tác với các thương hiệu Trung Quốc khác như họ đang làm hiện giờ (BAIC và BYD) bởi ông tin rằng các phía đều sẽ cùng có lợi.

Trả lời câu hỏi cuối cùng về vụ mua lại cổ phần Daimler, ông cho biết số tiền họ bỏ ra một phần tới từ chính tiền túi của ông trong khi một số khác tới từ các ngân hàng quốc tế. Ông cũng cho biết chính phủ Trung Quốc không có can dự gì trong thương vụ này và ông cũng không cần hỏi ý kiến của họ khi đặt bút ký thỏa thuận cuối cùng: "Chúng tôi chưa bao giờ cần tới sự chấp thuận của chính phủ để đầu tư, thương vụ lần này cũng vậy".

Ảnh: Reuters