Theo báo cáo năm 2015 của Cơ quan Quản lý giao thông đường bộ (RTA), tuyến đường chính chạy từ Abu Dhabi đến Ras Al-Khaimah (hai tiểu vương quốc cấu thành Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE) là một trong những điểm nổi bật nhất của Dubai. Bởi nơi này nổi tiếng với sự tắc nghẽn hơn cả những thành phố lớn như New York và London. Dubai Metro đã giãn bớt phần nào sự đông đúc đó, với hơn 191 triệu lượt hành khách sử dụng trong năm 2016, tăng 12,7 triệu người so với năm 2015. Tuy nhiên, điều đó vẫn là chưa đủ.

Không có gì ngạc nhiên khi Dubai đang tìm các giải pháp mới mà dường như chỉ Dubai mới có thể làm được.

Nhìn lên bầu trời

Một trong các phương án là đưa luồng giao thông lên… trời. Tháng 2/2017, RTA đã công bố hợp tác với công ty Trung Quốc Ehang, nhà thiết kế của một chiếc máy bay không người lái một chỗ ngồi nặng gần 230kg. Sau đó, cơ quan này còn tìm cách bắt tay với nhà sản xuất Volocopter của Đức để nhanh chóng triển khai dự án Autonomous Air Taxi (Taxi tự lái trên không).

Gã nhà giàu Dubai muốn tự lái hóa, siêu tốc hóa toàn bộ hệ thống di chuyển - Ảnh 1.

Bằng cách sử dụng 18 rotor, máy bay hai chỗ ngồi của Volocopter có thể tự bay hoặc được kiểm soát qua thiết bị điều khiển, kèm theo dù để nhảy trong trường hợp khẩn cấp. Với tốc độ bay 48km/h, thời gian bay 30 phút, bạn có thể đi từ Sân bay quốc tế Dubai đến khách sạn xa hoa Burj Al Arab cao thứ ba thế giới một cách nhàn nhã.

Thử nghiệm đã bắt đầu trong tháng 9, với mục tiêu theo Khaled Al Awadhi - người đứng đầu mảng hệ thống tự động của RTA - là "nhìn thấy loại phương tiện giao thông bay trên khắp thành phố", trong vòng 5 năm tới.

Mặc dù công nghệ xe bay còn chưa được chứng minh rộng rãi, nhưng các nhà đầu tư tư nhân lại rất khoái khẩu. Dubai là một nơi để thể nghiệm UberAir – một nhánh của Uber chuyên về taxi bay – đã hợp tác với NASA để phát triển phần mềm giao thông cần thiết. Dự kiến, Uber có thể chính thức khai màn vào năm 2020 và đến năm 2023 có thể vận hành như một dịch vụ trên mặt đất nào.

Xã hội tự lái

Đây là tầm nhìn của Sheikh Mohammed bin Rashid, Phó Tổng thống/Thủ tướng UAE, người đứng đầu tiểu quốc Dubai. Từ năm 2016, ông đã đặt ra mục tiêu "tự lái hóa" 25% giao thông ở Dubai vào năm 2030. Về mặt lý thuyết, kết hợp với điện khí hóa, làm như vậy có thể làm giải tai nạn giao thông và thân thiện với môi trường.

Gã nhà giàu Dubai muốn tự lái hóa, siêu tốc hóa toàn bộ hệ thống di chuyển - Ảnh 2.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, nhiều nhà sản xuất đã theo đuổi các chương trình xe tự lái trên mặt đất Dubai.

Tháng 4/2016, xe buýt đường ngắn 10 chỗ ngồi EZ10, của công ty Pháp Easymile và công ty Omnix International đóng ở Dubai, đã được tiến hành thử nghiệm, chạy theo các tuyến đường đã được lập trình trước.

Tại triển lãm công nghệ GITEX Technology Week 2016, hãng xe công nghệ Careem hợp tác cùng startup vận tải Next Future Transportation làm ra một concept không người lái, có thể nối với nhau như tàu hỏa và có khả năng chuyển các gói pin giữa các "toa" để làm nên cuộc hành trình liền mạch. Tháng 7/2017, nguyên mẫu đã được thử nghiệm cho kết quả khá tốt.

Nếu một trong hai dự án trên có thể triển khai được trong thực tế, nó có thể cắt giảm đáng kể lượng xe trên đường.

Trong khi đó, dịch vụ taxi nhà nước đã nhận bàn giao 50 xe Tesla trong tháng 9, đợt hàng đầu tiên trong hợp đồng 200 chiếc. Các xe điện này, một sự kết hợp giữa sedan Model S và SUV Model X, đã có sẵn hệ thống bán tự lái, và hoàn toàn có thể cài đặt tự lái hoàn toàn và có thể cập nhật các phần mềm trong tương lai. Tesla cũng bắt đầu bán model này cho cá nhân dân Dubai trong mùa hè vừa qua, thông qua showroom đầu tiên của hãng ở Trung Đông.

Hiện diện trên đường

Trong khi Tesla có thể không giảm được lượng xe trên đường, thì xe tự lái được kỳ vọng sẽ làm giảm tai nạn đường bộ. Họ cũng không phải công ty duy nhất muốn làm như vậy.

Derq tự nhận là "MIT của Dubai" có nhiệm vụ loại bỏ tai nạn đường bộ và cứu mạng hàng triệu người bằng cách sử dụng trí thông minh nhân tạo và công nghệ V2X (bộ chip Vehicle-to-Everything, kết nối xe ô tô với mọi thứ khác). Derq phát triển phần mềm cho xe và kết hợp giữa các cảm biến trên toàn thành phố với các máy tính để dự đoán hành vi lái xe thất thường và các nguy cơ khác, để thông báo cho những tài xế gần đó. Nay đã trở thành một phần của Dubai, Derq đã huy động được 1,5 triệu USD tiền vốn trong đợt gây quỹ hồi tháng 10/2017.

Tất cả đều Hyperloop

Hyperloop là một hệ thống vận tải được dự định sẽ sử dụng các khoang hoặc thùng chứa di chuyển với tốc độ cao thông qua các đường ống gần như là chân không, được giới thiệu bởi tỷ phú Elon Musk.

Dubai đang tìm cách thu hút các concept Elon Musk khác. Với việc ứng dụng mã nguồn mở của Musk, Virgin Hyperloop One sử dụng công nghệ tàu đệm từ (magnetic levitation, gọi tắt là maglev) phát triển các đường ống siêu tốc có thể vận chuyển người với tốc độ 1.200km/h.

Gã nhà giàu Dubai muốn tự lái hóa, siêu tốc hóa toàn bộ hệ thống di chuyển - Ảnh 4.

Dubai từ lâu đã liên kết với công nghệ này, khi có một đường đến Fujairah và một đường khác chạy tới Abu Dhabi. Và người ta có thể di chuyển hơn 165km chỉ trong vòng 12 phút.

Tháng 10/2017, CEO Rob Lloyd nói với báo giới rằng việc xây dựng hệ thống sẽ bắt đầu từ năm 2019, và thử nghiệm sản xuất thương mại vào năm 2021. Trước đó, Lloyd đã mô tả Dubai là "ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", nhưng gần đây thì người ta lại không chắc nơi nao sẽ được chọn lắp đặt hoàn chỉnh đầu tiên, UAE, Bắc Âu hay Mỹ.

Nếu được lắp đặt ở UAE, "ống siêu tốc" Hyperloop có thể cho phép du khách Dubai bỏ qua sân bay nhộn nhịp thứ ba thế giới mà đến thẳng Riyadh, Saudi Arabia chỉ trong vòng 62 phút.

Lập kế hoạch tương lai ngay từ hôm nay

Có thể nhiều người vẫn nghĩ đây là chuyện "viễn tưởng", tức thì tương lai còn ở rất xa. Nhưng thực tế, Dubai đã chuẩn bị ngay từ hôm nay, với khoản đầu tư 90 triệu USD cho một trung tâm điều khiển mới được gọi là EC3.

Gã nhà giàu Dubai muốn tự lái hóa, siêu tốc hóa toàn bộ hệ thống di chuyển - Ảnh 5.

Theo RTA, tòa nhà rộng 11.000 mét vuông này có chức năng kiểm soát hơn 11.000 CCTV camera và sử dụng AI để quản lý tai nạn giao thông và các sự cố đường bộ khác. Trong đó, một phòng được gọi là "The Cave" (Động) có nhiệm vụ kết hợp các phương thực vận tải hiện tại và tương lai vào mô hình máy tính, kiểm tra chính xác mạng lưới giao thông của Dubai sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng như thế nào.

Abdulla Bastaki, Giám đốc chiến lược công nghệ của RTA, chia sẻ: Tương lai bắt đầu từ hôm nay, với khả năng phân tích dữ liệu để từ đó tiên liệu về tình hình giao thông.

Nhưng liệu những mô hình này có thực sự phản ánh được thực tế hay không, cũng như mô hình tự lái thực sự không cần đến bàn tay con người hay không, vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Tất cả hiện vẫn đang tốt đẹp về lý thuyết, khả quan về thử nghiệm trong môi trường lý tưởng và chưa có bằng chứng thử nghiệm môi trường thực tế.