Ford Việt Nam vừa rót thêm 82 triệu USD (tương đương 1.900 tỷ đồng) để nâng cấp nhà máy lắp ráp xe ở Hải Dương. Khoản đầu tư bổ sung này nâng tổng vốn đầu tư của Ford lên hơn 200 triệu USD. Với số tiền đầu tư lớn, Ford cho biết sẽ mở rộng nhà máy, mua sắm thêm thiết bị, máy móc, các robot hiện đại, đồng thời nâng số lượng nhân viên từ 700 người hiện tại lên gấp đôi.

Nhà máy của Ford tại Hải Dương sẽ mở rộng thêm 60.000 m2, nâng tổng diện tích xây dựng lên 226.000 m2. Trong đó, các xưởng thân xe và xưởng sơn được xây mới, xưởng lắp ráp hoàn thiện được điều chỉnh và các khu vực hậu cần, vật tư được sắp xếp lại. Nhà máy dự kiến sẽ được hoàn thành vào giữa năm 2022.

Ford mạnh tay chi 1.900 tỷ đồng làm nhà máy to hơn Toyota tại Việt Nam, sẽ lắp Escape 2020 và có thể cả ‘hàng hot’ Ranger - Ảnh 1.

Hình ảnh dựng đồ hoạ khuôn viên nhà máy Ford năm 2022.

Nếu đúng theo thời gian dự kiến, nhà máy của Ford sẽ lớn hơn cả nhà máy Toyota tại Việt Nam vào năm 2022. Nhà máy Toyota tại Vĩnh Phúc hiện có diện tích 210.000 m2. Toyota từng đề nghị thuê thêm 91.000 m2 vào năm 2018 để mở rộng nhà máy lên 301.000 m2. Song, theo kế hoạch, khu vực nhà máy mới của Toyota sẽ được hoàn thiện cho đến tận năm 2023.

Năm 2019 là một năm thành công của Ford tại Việt Nam với doanh số bán hàng tăng trưởng kỷ lục 31%, từ 24.636 xe lên 32.175 xe. Nhờ đó, thị phần của Ford trong VAMA tăng từ 8,9% lên 10,5%, xếp ở vị trí thứ 4, gần bằng con số của Mazda (10,7%) và Honda (10,8%), dưới Toyota (25,9%). Đóng góp nhiều nhất vào doanh số của Ford là mẫu bán tải Ranger, với 13.319 xe bán ra. Mặc dù vậy, mẫu xe có đột phá về doanh số lại là Everest, với 7.852 xe, tăng trưởng gần 300%.

Ford mạnh tay chi 1.900 tỷ đồng làm nhà máy to hơn Toyota tại Việt Nam, sẽ lắp Escape 2020 và có thể cả ‘hàng hot’ Ranger - Ảnh 2.

Ford chỉ tập trung vào xe gầm cao là thế mạnh của hãng.

SUV đang giúp Ford thúc đẩy mạnh mẽ doanh số bán hàng tại Việt Nam. Đó cũng là định hướng phát triển của hãng trong tương lai. Minh chứng là việc Ford đã khai tử các mẫu xe gầm thấp như Fiesta và Focus để tập trung vào xe gầm cao. Danh mục sản phẩm của Ford hiện chỉ có SUV gồm EcoSport, Everest, Explorer, bán tải Ranger và minivan Tourneo, Transit. Vào cuối năm nay, Ford Việt Nam cho ra mắt thêm mẫu SUV Escape. Trong đó, các sản phẩm lắp ráp trong nước gồm EcoSport, Escape, Tourneo và Transit.

Hơn nữa, không loại trừ khả năng Ford sẽ lắp cả bán tải Ranger tại Việt Nam. Hiện tại, công suất nhà máy là 14.000 xe/năm. Doanh số bán hàng của EcoSport, Tourneo và Transit trong năm 2019 là gần 9.000 xe. Như vậy, công suất hiện tại có thể đáp ứng được việc lắp thêm một mẫu Escape phục vụ khách hàng trong nước. Tuy nhiên, đến năm 2022, với công suất nhà máy tăng lên tới 40.000 xe/năm, tức gấp gần 3 lần hiện tại, nhiều khả năng Ford sẽ lắp thêm các dòng xe mới ăn khách. Một trong số đó chính là Ranger - mẫu xe có doanh số cả năm 2019 đạt hơn 13.000 chiếc.

Ford mạnh tay chi 1.900 tỷ đồng làm nhà máy to hơn Toyota tại Việt Nam, sẽ lắp Escape 2020 và có thể cả ‘hàng hot’ Ranger - Ảnh 4.

Với nhà máy mới công suất lớn, Ford nhiều khả năng sẽ lắp thêm xe mới.

Một lợi ích khác mà Ford có được khi mở rộng nhà máy, nâng công suất lắp ráp và lắp thêm một mẫu xe bán chạy là có thể hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện còn 0%. Điều kiện để một doanh nghiệp được ưu đãi thuế là đáp ứng đủ sản lượng nhất định theo quy định của Nghị định 125/2017. Đối chiếu theo quy định, đến năm 2022, mức sản lượng yêu cầu tối thiểu là 27.000 xe/năm, trong đó sản lượng riêng của một mẫu xe trong năm phải đạt ít nhất 10.000 chiếc, thì Ford mới được ưu đãi thuế. Trước mắt, chỉ có Ranger mới đáp ứng được tiêu chuẩn sản lượng riêng đó nếu Ford lắp mẫu bán tải này tại Việt Nam.