Việc thị trường xe toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ chuyển giao sang xe điện và xe tự lái sẽ là cơ hội không thể tốt hơn cho các công ty khởi nghiệp tìm kiếm chỗ đứng.

"Sẽ có những phân khúc hoàn toàn mới nơi các thương hiệu xe truyền thống chưa khai thác đến. Một số trong số họ - những người chậm chân hơn, sẽ phải dựa vào các công ty ngoài nếu muốn theo kịp các đối thủ của mình. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để một ai đó chen chân vào nền công nghiệp ô tô", nhà cựu thiết kế của BMW và Aston Martin chia sẻ với tờ Autocar.

Fisker trên con đường trở thành Tesla thứ hai - Ảnh 1.

Nhà cựu thiết kế của Ford, BMW và Aston Martin luôn hướng tới các mẫu xe sáng tạo, phá cách, không theo quy chuẩn thông thường.

Đây cũng là lý do mà mặc dù Fisker đã từng thất bại 4 năm về trước trong việc hiện thực hóa ý tưởng của riêng mình, tham vọng và khát khao cháy bỏng trong lòng ông vẫn còn nguyên. Để tạo dựng được chỗ đứng, một hãng xe mới chỉ cần một dòng xe "thực sự vượt trội so với những gì đang có trên thị trường, hoặc đủ khác biệt so với những tiêu chuẩn thường thấy".

Hiện tại, nhà thiết kế kỳ cựu đang ấp ủ dự định ra mắt tới 3 dòng xe khác nhau. Đầu tiên là chiếc Orbit, một dòng xe bus đô thị nhỏ tự lái dự kiến ra mắt ngay cuối năm 2018. Ông chia sẻ đây là mẫu xe được chế tạo bởi nhu cầu sử dụng của chính bản thân ông, theo phong cách mà ông mong muốn.

Fisker trên con đường trở thành Tesla thứ hai - Ảnh 2.

Fisker Orbit

Dòng xe tiếp theo là EMotion nằm trong phân khúc xe sang giới hạn. Thành công cho EMotion chính là thách thức về mặt ý tưởng sáng tạo ông tự đặt ra cho bản thân khi saloon hạng sang đang là một trong những "chiến trường" cực kỳ khốc liệt, nơi chỉ cần một sơ xuất nhỏ có thể dẫn tới việc sản phẩm của bạn hoàn toàn rơi vào quên lãng.

Fisker trên con đường trở thành Tesla thứ hai - Ảnh 3.

Fisker EMotion

Mẫu xe thứ 3 của Fisker là một dòng xe điện với ý tưởng tương tự Model 3: giá cả phổ thông, phù hợp với đại chúng.

Có thể nói, việc phải trải đều tài nguyên cho 3 dòng xe không hề đơn giản và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro bởi quy mô công ty riêng do Fisker sáng lập cũng chẳng phải quá lớn. Dù vậy, ông vẫn tin tưởng mình sẽ thu được thành công nhờ "thiết kế ấn tượng và công nghệ hiện đại". Bên cạnh đó, trái với lần thất bại trước, Fisker cho biết ông đã có đủ các đối tác để lo liệu chu toàn mọi việc.

Cái kết có hậu?

Sau khi phụ trách mảng thiết kế tại BMW, Aston Martin và Ford, Henrik Fisker tự tạo thương hiệu Fisker Coachbuild cho riêng mình vào năm 2005 để sản xuất các phiên bản giới hạn cho các dòng xe nhất định. Họ cũng nhận thiết kế xe cho các thương hiệu khác, nổi bật nhất là Tesla với Model S trong năm 2007.

Fisker trên con đường trở thành Tesla thứ hai - Ảnh 4.

Fisker Karma 2012

Cũng vào năm đó, thương hiệu xe Fisker Automotive ra đời với dòng sản phẩm đầu tiên là chiếc xe thể thao Karma ra mắt một năm sau. Dù bị Tesla kiện vì cho rằng Fisker ăn cắp ý tưởng của họ, ông đã giành chiến thắng tại phiên tòa cuối cùng. Từ năm 2011 tới 2013, Fisker liên tục gặp vận rủi khi họ phải thực hiện thu hồi xe để sửa lỗi ắc quy, đồng thời một lô hàng gần 300 chiếc bị bão Sandy phá hủy.

Tới tháng 3/2013, Fisker rời công ty và họ phá sản vào tháng 11 năm đó, những gì còn sót lại được tập đoàn Wanxiang, Trung Quốc mua lại và sau đó đổi tên thành Karma Automotive. Dòng xe duy nhất mà hãng xe Trung Quốc ra mắt là chiếc Karma Revero, về bản chất chỉ là nâng cấp "siêu sang" của mẫu xe cũ thuộc Fisker.

 Ảnh: Autocar