Hậu quả là thị phần của dòng xe máy dầu đã nhanh chóng tụt dốc chỉ trong vài tháng. Bên cạnh đó, giá xăng giảm mạnh cùng với sự tăng tốc của các loại động cơ chạy điện cũng tác động, khiến dòng xe ôtô trang bị máy dầu nhanh chóng bị đẩy đến bên bờ vực thẳm.

Trong khi Volkswagen và Audi vốn từng là những nhà sản xuất hàng đầu về động cơ diesel đang cố gắng vượt qua vòng bủa vây liên quan đến mức khí thải thực tế thì các thương hiệu khác cũng đã bắt đầu có những bước rút lui âm thầm ra khỏi thị trường xe lắp động cơ diesel, vốn từng là một “miếng bánh béo bở” trong quá khứ.

Nếu sản phẩm mới nhất của thương hiệu Mazda CX-5 có thể là mẫu xe cuối cùng được lắp phiên bản động cơ dầu 2.2L được bán tại Mỹ vào cuối năm 2017 thì Mercedes-Benz lại đang xem xét lại những kế hoạch dài hơi trong phân khúc này tại chính thị trường Hoa Kỳ.

Doanh số của xe máy dầu tại thị trường Bắc Mỹ đã giảm sút rõ rệt trong thời gian gần đây và cũng không có xu hướng phục hồi khi các cơ quan quản lý tại khu vực này vẫn đang ráo riết thực hiện các quy định gắt gao hơn để kiểm tra mức an toàn môi trường của các loại phương tiện giao thông.

Ngược lại, tại Anh, nơi mà khoảng một nửa lượng xe hơi được bán ra hằng năm đều được trang bị động cơ diesel, người ta lại chú trọng vào việc cung cấp những tính năng tiết kiệm nhiên liệu hơn là việc quan tâm đến động cơ sử dụng xăng hay dầu, thậm chí còn có đề xuất mức thuế suất thấp xuống dành cho người tiêu dùng chọn máy dầu thay máy xăng.

Xét về mặt hiệu năng, dầu diesel tạo được ưu thế nhất định về sức mạnh cho động cơ so với dùng xăng. Có cùng một sức mạnh động cơ, xe sử dụng xăng có thể tăng tốc từ 0 lên 100km/h nhanh hơn nhiều so với xe sử dụng dầu diesel nhưng sau khi khởi động, xe lắp động cơ diesel cho cảm giác lái hưng phấn hơn nhiều, đồng thời tốc độ có thể vượt xa xe máy xăng, tạo cảm giác thư giãn thực sự cho người cầm lái trên những cung đường dài. Đó cũng chính là một nguyên nhân mà xe động cơ dầu luôn được ưu ái tại Anh trong suốt hai thập niên qua và có lẽ còn lâu hơn nữa.

Tình hình ngược lại đã xảy ra tại một thị trường lớn và thực dụng là Ấn Độ. Dòng xe diesel đang gặp nhiều khó khăn sau hơn chục năm thời hoàng kim.

Chỉ cách đây 3 năm, nhiều thương hiệu xe hơi phổ thông lớn tại thị trường này vẫn còn công bố những kế hoạch đầu tư phát triển dòng xe máy dầu để phục vụ nhu cầu đang tăng cao của khách hàng. Tuy nhiên, sau khi chính phủ nước này quyết định loại bỏ trợ cấp đối với xe máy dầu vốn tạo nên ưu thế mạnh về giá thì người tiêu dùng Ấn Độ bắt đầu chuyển hướng sang xe lắp động cơ xăng.

Bên cạnh đó, việc cơ quan quản lý tiết giảm đăng ký các loại phương tiện chở khách công cộng sử dụng dầu diesel cũng khiến nhu cầu về xe cá nhân nhỏ giảm theo, trong khi những phương tiện công cộng sử dụng xăng hay điện ít gây ô nhiễm, đem đến cho người dân dịch vụ vận chuyển dễ chịu và thoải mái hơn.

Hãng xe Suzuki của Nhật dù chiếm được thị phần lớn nhất tại Ấn Độ cũng đang tính đến khả năng ngừng lắp đặt động cơ dầu dung tích 800cc vốn hiện diện trên mẫu Celerio nổi tiếng tại thị trường này đã khá lâu. Trong khi đó, nhà sản xuất xe nội địa Tata Motors thông báo rằng họ đã cảm nhận được sự thay đổi sớm hơn dự kiến từ tác động của những quy định về khí thải BS VI mới do chính phủ Ấn Độ ban hành và đang nỗ lực đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các hệ thống nhằm tiết giảm tối đa khí thải trên tất cả các dòng xe của mình.

Riêng Toyota dù đang có nhiều nỗ lực đầu tư vào phát triển công nghệ động cơ hybrid nhưng vẫn lạc quan cho rằng động cơ diesel là một phần không thể thiếu đối với các nhà sản xuất xe du lịch, đặc biệt là ở phân khúc SUV và các mẫu sedan cỡ lớn nhờ ở lợi thế tiết kiệm nhiên liệu khi di chuyển đường dài.

img

Sau gần một năm kể từ sự cố về gian lận tỷ lệ khí thải tại Volkswagen, mặc dù đang trong tình trạng khá nhạy cảm với xe diesel nhưng thị trường ôtô thế giới vẫn chứng kiến sự xuất hiện của nhiều mẫu xe được trang bị động cơ dầu mới nhất như Volkswagen Tiguan, Renault Megane hay Espace, Mercedes-Benz CLA, Mazda3 hay Hyundai SantaFe…, trong đó chiếc Tiguan của Volkswagen là mẫu xe động cơ diesel duy nhất đạt được mức khí thải thực tế thỏa mãn những quy định khắt khe về môi trường hiện nay đối với ôtô.

Trong 7 tháng đầu năm 2016, thị phần xe động cơ diesel tại Tây Âu đã giảm 2% so với cùng kỳ năm 2015, nhưng do nhu cầu thị trường tăng cao nên doanh số của xe diesel lại tăng được 2,8% với gần 4,3 triệu chiếc được bán ra. Ở phạm vi quốc gia, thị trường xe diesel rơi mạnh nhất tại Bỉ và Hy Lạp, kế đó là Pháp, Tây Ban Nha và Na Uy.

Trong số những thị trường lớn, Đức và Anh có mức sụt giảm nhẹ hơn về doanh số. Ngược lại, tại Ý, thị phần xe động cơ dầu tăng được 5% so với cùng kỳ năm 2015.

Một trong những nguyên nhân làm doanh số của xe máy dầu trên toàn thế giới giảm xuống chính là việc ứng dụng rộng loại động cơ xăng GDI dung tích nhỏ nhưng đem lại sức mạnh và khả năng tiết kiệm nhiên liệu cao mà giá lại rẻ hơn so với động cơ dầu. Loại động cơ này đang chiếm lĩnh phân khúc hạng B và C vốn từng là lãnh địa của xe máy dầu.

Ngoài ra, dòng xe chạy điện cũng đang đạt được sự tăng trưởng đáng kể trong khi PHEV đang có khuynh hướng lựa chọn xăng hơn là dầu để kết hợp.

img

Tuy nhiên, theo một số nhận định của các chuyên gia thì xe động cơ diesel vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ vị trí vững về thị phần trong thời gian tới, nhất là tại nhiều thị trường lớn thuộc châu Âu bởi đây là vùng đất của những chiếc SUV cỡ lớn, những mẫu xe sang trọng và những dòng xe đường trường khác vốn là những phân khúc mà động cơ diesel luôn là lựa chọn hoàn hảo nhất.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn