Đề xuất lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô có gì mới? - Ảnh 1.

Tính đến tháng 5/2018, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng tốc độ khoảng 15%/năm. Ảnh: Internet.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tại các đô thị, khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các chỉ số Nox, CO – là các hợp chất có trong khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã vượt mức cho phép từ 1,2 – 1,5 lần, điều này đang gây tác động rất xấu đến sức khỏe người dân.

Ngày 10/10/2005, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Từ những năm đầu triển khai Quyết định số 249/2005/QĐ-TTg, việc kiểm soát chất lượng khí thải xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới đã mang lại những hiệu quả rõ rệt. Phát thải chất gây ô nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ phương tiện không đạt khi kiểm tra khí thải đang giảm dần theo từng năm, chất lượng môi trường không khí được cải thiện.

Tuy nhiên, tính đến tháng 5/2018, số lượng xe ô tô tham gia giao thông đã tăng 3,22 lần so với năm 2008 (3.050.794 xe so với 946.601 xe) và tiếp tục gia tăng tốc độ khoảng 15%/năm. Vì vậy, nếu xét tổng lượng phát thải từ ô tô thì mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt là ô nhiễm môi trường không khí đô thị đã gia tăng đáng kể.

Bên cạnh đó, ngày 1/9/2011, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4 từ ngày 1/1/2017 và mức Euro 5 từ 1/1/2022. Tuy nhiên, ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu vẫn áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải cũ quy định cách đây hơn 10 năm, đến nay đã lạc hậu.

Theo dự thảo, đối với ô tô tham gia giao thông, lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải được đề xuất như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1.

Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 1/1/2021. Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp Mức 2 từ ngày 1/1/2020.

Đối với ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu, ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ sử dụng nhiên liệu xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG, khí tự nhiên nén – CNG và các loại tương tự) áp dụng Mức 4 kể từ ngày 1/1/2020. Ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ sử dụng nhiên liệu diezen và các loại tương tự) áp dụng Mức 3 kể từ ngày 1/1/2020.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, số lượng ô tô của Việt Nam hiện chưa quá lớn so với các nước trong khu vực, nhưng tình hình ô nhiễm đã ở mức cấp bách và cần sớm được kiểm soát. Đáng nói hơn, hiện tiêu chuẩn khói thải hiện hành của Việt Nam vẫn giữ nguyên từ 10 năm nay. Trong khi đó, số lượng ô tô trên toàn quốc đã tăng hơn 3 lần (hiện có hơn 2,92 triệu xe) khiến tổng lượng phát thải tăng đáng kể. Vì vậy, việc thực hiện kiểm soát khí thải là rất cần thiết và phải sớm được đưa vào thực hiện để giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc xây dựng lộ trình cũng như mức độ thực hiện cần phải được tính toán kỹ. Bởi muốn đề án đi vào cuộc sống, được người dân chấp nhận phải quan tâm đến tính khả thi chứ không thể cứ ban hành rồi không có chế tài để kiểm soát.