General Motors, Fiat Chrysler, Nissan và Volvo đang tích hợp trực tiếp Google Assistant, Google Maps và Google Play Store vào những chiếc xe trong tương lai của mình. Họ sử dụng phần mềm dựa trên Android được xây dựng từ nền tảng cho ô tô và nó sẽ thay thế các hệ thống của nhà sản xuất nếu người mua xe muốn.

GM cũng đang tích hợp Amazon Alexa vào hàng triệu xe. Tương tự Volkswagen, BMW và một số nhà sản xuất khác như công ty khởi nghiệp EV đang hot - Rivian.

Ngược lại, ứng dụng CarPlay của Apple dường như vẫn chỉ đang tồn tại trên iPhone, thay vì "nhúng" sang hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi.

Đối với Google và Amazon, hợp tác với các công ty ô tô có nghĩa là thêm hàng triệu người dùng vào hệ sinh thái đang phát triển khi họ muốn tạo ra trải nghiệm liền mạch cho các ứng dụng Google và Alexa tại nhà và khi đang di chuyển. Đối với các nhà sản xuất ô tô, điều đó cũng có thể giúp họ bắt kịp Tesla về công nghệ gây được tiếng vang với khách hàng. Nhưng điều này cũng đồng thời đặt ra vấn đề về bảo mật dữ liệu, quyền riêng tư và khả năng chi trả.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 1.

Đừng ngạc nhiên nếu bản đồ và ứng dụng trên xe hơi của bạn bắt đầu giống với các tính năng trên điện thoại thông minh và các thiết bị khác. Ảnh: Chris Gash/Investors

Nhường nhiều đất diễn hơn cho các đối tác phần mềm di động đang trở nên cần thiết khi ngành công nghiệp ô tô đang trải qua biến động lớn. Doanh số bán xe du lịch đang có chiều hướng chững lại trong khi các hãng đổ xô sang xe bán tải, SUV và xe điện để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Xe tự lái cũng đang lờ mờ trở thành xu hướng.

"Các nhà sản xuất ô tô đang chịu áp lực rất lớn từ các phương tiện tự lái và xe điện", Garrett Nelson, nhà phân tích của công ty đầu tư Garrett Nelson, nói. "Việc tích hợp đủ thứ sẽ khiến cho tình hình thậm chí tồi tệ hơn."

Trong nhiều năm qua, các công ty xe hơi đã cố gắng tích hợp nhiều thứ công nghệ vào xe hơi. Nhưng họ đã "va phải tường". Nghiên cứu Chỉ số Trải nghiệm Công nghệ ở Mỹ năm 2019 của J.D. Power cho thấy người tiêu dùng nhìn chung không hài lòng với các hệ thống tích hợp của các nhà sản xuất ô tô vì không chính xác, khó sử dụng và ồn ào.

Nghiên cứu chỉ ra 30% tài xế đã tắt cảnh báo giữ làn đường (LKA) coi nó phiền phức, gây mất tập trung. Phần lớn (70%) đã thay thế màn hình điều hướng bằng smartphone. Và 29% tắt các ứng dụng do nhà sản xuất ô tô phát triển, chẳng hạn Pandora, iHeartRadio và Sirius XM.

Các công ty xe hơi chuẩn bị công nghệ mới

Các đại gia công nghệ phần mềm đang tìm cách chuyển phần mềm di động sang hệ thống trên xe trong tương lai.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 2.

Rivian đang tích hợp Amazon Alexa vào xe điện để điều khiển những chức năng chính. Ảnh: Rivian

Khi công nghệ của họ được nhúng vào phương tiện, bạn sẽ sử dụng chính chiếc xe đó để truy cập Google Maps tìm đường, truy cập Google Play Store để tìm ứng dụng và sử dụng Google Assistant hoặc Amazon Alexa để ra lệnh bằng giọng nói. Bạn sẽ không cần phải ghép nối thủ công smartphone với ô tô nữa!

Sự thay đổi này nghe như chỉ là thêm chút thuận tiện cho người lái xe. Thực tế, nó đánh dấu khởi đầu mối quan hệ mới giữa chủ xe và xế cưng, vì các công ty công nghệ có nhiều ảnh hưởng hơn đến giao diện người dùng. Trên những chiếc xe trong tương lai gần, các hệ thống và cài đặt cốt lõi sẽ chuyển sang màn hình cảm ứng lớn thông qua phần mềm.

Bạn sẽ chạm, vuốt để tăng nhiệt độ trong cabin hoặc hạ nhiệt sưởi ghế ngồi, khởi động hệ thống phanh tái sinh (regenerative braking), tắt đèn nội/ngoại thất, điều chỉnh gương, ghế, cần gạt nước… Chưa kể bạn còn có thể tải xuống các ứng dụng phổ biến như Spotify, Waze và Sirius XM.

GM sẽ bắt đầu nhúng hoặc tích hợp trực tiếp Amazon Alexa vào các phương tiện của mình từ năm 2020, và đến năm 2021 sẽ là công nghệ của Google.

Tại CES 2020, startup Rivian đã giới thiệu chiếc SUV điện và xe tải điện, dự kiến ra thị trường từ cuối năm nay, cho phép các tài xế sử dụng Amazon Alexa để mở cốp, cửa sổ, điều hòa, và đóng mở thùng xe. Tài xế cũng có thể sử dụng Alexa để phát nhạc hoặc gọi điện.

Cập nhật phần mềm trên xe hơi giống như điện thoại thông minh

Cập nhật OTA (cập nhật qua mạng, một hình thức cập nhật phổ biến trên điện thoại di động) sẽ cung cấp mọi thứ từ tính năng hoàn toàn mới đến các bản sửa lỗi và nhắc nhở bảo trì. Xe hơi sẽ được cập nhật không dây khi chúng đỗ qua đêm hoặc dừng lại bên đường, tương tự cách mà iPhone của Apple và ô tô điện của Tesla có thể làm hiện nay.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 3.

Volvo sẽ cho phép cập nhật phần mềm ô tô qua mạng. Ảnh: Shutterstock

Các công ty xe hơi như GM, Ford và Volvo cho biết cập nhật từ xa này sẽ lớn hơn, liền mạch hơn và giống điện thoại thông minh hơn những gì tài xế có hiện nay. Các bản cập nhật OTA cũng có thể cải thiện hiệu suất động cơ, lái, điều hướng và các chức năng quan trọng khác của xe.

Chiếc xe điện Volvo XC 40 nhúng công nghệ của Google, có mặt trên thị trường vào cuối năm nay, sẽ là phương tiện đầu tiên được cập nhật phần mềm qua mạng.

GM tiết lộ với IBD rằng họ đang mở rộng khả năng cập nhật cho hầu hết các hệ thống trên xe "có thể sử dụng phần mềm hiệu chỉnh hiệu suất".

Ford có mục tiêu đến năm 2020 cập nhật nâng cao cho hầu hết các xe được bán ở Mỹ, trong khi mục tiêu của GM là đến năm 2023 cập nhật nâng cao cho các xe được bán ra trên toàn cầu.

Các bản cập nhật OTA có khả năng tiết kiệm hàng tỷ đô la cho các nhà sản xuất ô tô, nếu các đại lý ủng hộ. Tesla đã sử dụng phần mềm sửa chữa từ xa để triệu hồi hơn 29.000 xe mà không có trở ngại nào từ các đại lý.

Hiệu ứng Tesla đối với các công ty ô tô

Tích hợp sâu hơn Google và Amazon vào các dịch vụ thương mại điện tử mới nhắm đến các tài xế mắc kẹt sau tay lái. Các dịch vụ hiện có như GM Marketplace (cho phép lái xe "đi chợ" ngay trên xe) và Onstar (chuyên cung cấp các giải pháp bảo mật trên xe hơi, dẫn đường bằng giọng nói và hệ thống chẩn đoán tình trạng phương tiện từ xa) sẽ tiếp tục được phát triển cùng với các tính năng mới.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 4.

Một số giao diện trình điều khiển mà các công ty xe hơi đang triển khai có phần giống Tesla. Ảnh: Tesla

Trong khi đó, công nghệ ô tô mới sẽ sử dụng machine learning (học máy) để phân tích thói quen lái xe và đưa ra các đề xuất phù hợp với bạn. Bạn sẽ nhận được lời nhắc rằng thứ Sáu là ngày tập gym sau giờ làm việc. Các ứng dụng yêu thích sẽ hiển thị lên trên đầu của màn hình, giúp bạn cảm thấy dễ dàng hơn khi sử dụng màn hình cỡ lớn. Màn hình 8inch là phổ biến trên các xe Ford hiện nay, nhưng sẽ tăng lên 15inch trong tương lai không xa.

Tất cả điều này nghe có vẻ giống như một chiếc xe Tesla hiện nay? Chính xác!

Tuy nhiên, đối với hàng triệu người lái xe ô tô, thì nó có ý nghĩa là công nghệ cao ngày càng gần với cuộc sống của họ, mà không phải xa tận… Tesla.

"Sự hiện diện của kẻ gây rối đang thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô đổi mới", Nelson của CFRA nói.

Đối với ngành công nghiệp ô tô, công nghệ xe hơi mới có thể "dỗ" mọi người mua xe mới, đồng thời xoa dịu những lời chỉ trích ở Phố Wall đang rất khó chịu khi các nhà sản xuất ô tô "lão làng" dường như tỏ ra kém hơn Tesla về công nghệ.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng có mặt tối. Việc số hóa xe hơi trong tương lai làm gia tăng mối quan ngại về tấn công mạng và quyền riêng tư. Người tiêu dùng lo lắng về các loa thông minh của Amazon và Google "nghe lén" chuyện riêng tư trong nhà thì cũng có thể cảnh giác với việc tích hợp chúng vào trong xe.

Một vấn đề khác là khả năng chi trả. Việc tăng cường ồ ạt công nghệ cao lên xe hơi đã đẩy giá bán trung bình của một chiếc xe mới lên mức kỷ lục: 37.200 USD trong năm ngoái. Chưa kể đến chi phí sửa chữa đắt đỏ hơn.

"Điện thoại di động trên những bánh xe"

Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng: những người khổng lồ công nghệ nên có được nhiều cơ hội hơn để thể hiện vai trò trong việc lái xe hơi, khi ô tô ngày càng giống smartphone hơn.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 5.

Xe hơi ngày càng giống điện thoại

Hệ thống thông tin giải trí kết nối với đám mây đầu tiên của Ford xuất hiện vào năm 2020, hỗ trợ cập nhật giao thông trực tiếp, ra lệnh bằng giọng nói và nhiều ứng dụng khác. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Ford, BlackBerry (BB) và một số công ty công nghệ khác.

"Về cơ bản, nó là một chiếc điện thoại di động trên bánh xe", Gary Jablonski, kỹ sư trưởng của các chương trình thông tin giải trí của Ford, cho biết. "Ô tô đến nay vẫn chưa phải là một thiết bị kết nối thực sự."

Các công ty xe hơi đang tăng cường các nền tảng mới đầy sức mạnh, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ khi các phương tiện trở nên thông minh hơn, kết nối nhiều hơn với internet và tự chủ hơn.

Ford đang xây dựng kết nối internet cho tất cả các phương tiện mới vào cuối năm nay. Đến năm 2023, GM sẽ đưa kết nối Ethernet đến hầu hết các phương tiện, hứa hẹn nhanh hơn gấp năm lần so với kết nối internet gia đình nhanh nhất hiện nay.

Tất nhiên, khi lái xe "bằng" phần mềm di động, chủ xe sẽ phải trả nhiều tiền hơn. GM cho biết các dịch vụ và dữ liệu bổ sung cần nhúng ứng dụng của Google. Vào tháng 12, Tesla sẽ bắt đầu tính phí 10 USD/tháng cho kết nối internet.

Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty công nghệ và xe hơi đi kèm với sự đánh đổi khác. Volkswagen đã lên tiếng về việc không muốn chia sẻ dữ liệu khách hàng có giá trị. GM cho biết họ sẽ chia sẻ dữ liệu với Google nhưng không phải là thông tin về tài chính.

Công nghệ cho xe tự lái

Các công ty công nghệ lớn thực sự có thể tiếm quyền điều khiển từ các công ty ô tô khi họ đua nhau phát triển công nghệ tự lái. Năm ngoái, những chiếc xe tự lái dường như chuẩn bị có bước ngoặt lớn, khi các dịch vụ robotaxi dự kiến sắp ra mắt.

Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 6.

Cho đến nay, Waymo One của Alphabet vẫn tiếp tục là dịch vụ robotaxi duy nhất trên đường công cộng. Ảnh: Waymo

Nhưng cả công ty công nghệ và nhà sản xuất ô tô bỗng lùi lại, với lý do là khó khăn trong việc để trí thông minh nhân tạo (AI) hoạt động. Cho đến nay, vẫn chỉ có Waymo One của Alphabet và Lyft nằm trong số ít các nhà cung cấp dịch vụ robotaxi trên đường phố nước Mỹ. Song GM cũng tiết lộ chiếc xe tự lái Cruise Origi đã được lên kế hoạch phục vụ cho mục đích thương mại.

Các nhà sản xuất ô tô đã hình thành quan hệ đối tác với các nhà sản xuất chip, như công ty con Mobileye của Intel và Qualcomm, để phát triển xe tự lái.

Tại CES 2020, Qualcomm công bố chip và phần mềm đầu tiên cho các phương tiện tự lái hoàn toàn, cho biết họ sẽ hợp tác với GM. Trong khi đó, Nissan và Mobileye giới thiệu xe tự lái chỉ dựa vào camera để "nhìn" môi trường xung quanh.

Khi xe trong tương lai đi sâu hơn vào hệ sinh thái của các công ty công nghệ, người lái xe sẽ phải ứng phó với một số vấn đề tương tự với các các thiết bị thông minh khác, chưa kể đến giá tăng.

"Đối với các nhà sản xuất ô tô, việc hợp tác với các công ty công nghệ lớn để cung cấp dịch vụ rẻ hơn nhiều so với việc tự phát triển chúng. Vì vậy, họ có xu hướng nhường lại không gian trong cabin cho đối tác",  Nelson của CFRA nói. "Đối với các công ty công nghệ, ô tô đại diện cho cơ hội tăng trưởng to lớn. Nhưng khi kết nối phát triển, Big Data (dữ liệu lớn) và các mối quan ngại về quyền riêng tư của người tiêu dùng cũng tăng theo."


Đây sẽ là cách con cháu chúng ta lái xe trong tương lai - Ảnh 7.