Kinh tế phát triển giúp cho số người sử dụng ô tô ngày càng cao và phổ biến hơn. Nhưng dù vậy, thống kê cho thấy ô tô cũng là một trong những phương tiện có rủi ro gây tai nạn cao nhất, chỉ thua xe máy nhưng vượt xa máy bay, xe bus, tàu hỏa và tàu thủy.

Câu chuyện ở đây là khi đi ô tô, mỗi vị trí lại có độ nguy hiểm khác nhau. Rất nhiều người tin rằng người lái xe phải chịu rủi ro lớn nhất. Nhưng theo như một  nghiên cứu mới đây, vị trí nguy hiểm nhất thực chất lại nằm ở các hàng ghế phía sau.

Đây chính là vị trí ngồi nguy hiểm nhất khi bạn đang ở trên một chiếc ô tô - Ảnh 1.

Nghiên cứu được thực hiện bởi IIHS (Viện Bảo hiểm An toàn Đường cao tốc) của Hoa Kỳ, nhằm tìm hiểu về mức độ an toàn các hành khách ở hàng ghế phía sau phải gánh chịu khi có tai nạn. Kết quả cho thấy, hóa ra người ngồi ở ghế sau lại có rủi ro gặp chấn thương, thậm chí tử vong cao hơn so với ghế lái và ghế phụ.

Và dĩ nhiên, mọi chuyện đều có lý do. Theo IIHS giải thích, các nhà sản xuất ô tô đã dồn rất nhiều tâm huyết để cải thiện độ an toàn dành cho hàng ghế phía trước - bao gồm công nghệ túi khí mới, chất lượng dây an toàn... Trong khi đó, hàng ghế phía sau không nhận được sự quan tâm tương xứng. Theo như nghiên cứu của họ, khả năng hạn chế lực của dây an toàn ghế sau có phần kém hơn.

"Các nhà sản xuất đã nỗ lực để bảo vệ người lái xe và ghế phụ phía trước." - David Harkey, giám đốc IIHS cho biết.  

Đây chính là vị trí ngồi nguy hiểm nhất khi bạn đang ở trên một chiếc ô tô - Ảnh 2.

Nghiên cứu đã tiến hành điều tra trên 117 vụ tai nạn, trong đó những người ngồi ghế sau đều tử vong hoặc bị thương nặng. Kết quả cho thấy trong rất nhiều trường hợp, hành khách ở ghế sau chịu thương tổn lớn hơn, cho thấy sự khác biệt về độ an toàn giữa 2 hàng ghế.

Harkey cho biết, kết luận của nghiên cứu có thể thúc đẩy các nhà sản xuất cải thiện độ an toàn cho các hàng ghế sau. Chẳng hạn, độ hạn chế lực của dây an toàn có thể nâng lên, hoặc cài thêm túi khí ở phía sau. Dù vậy, đó không phải là công nghệ có thể thực hiện trong một sớm một chiều.

Tham khảo: IFL Science