Thiết kế và chế tạo xe chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là khi ý tưởng trong đầu bạn là một trong những mẫu xe hàng đầu thế giới với vận tốc lên tới hàng trăm km/h cùng mức giá lên tới 7 chữ số. Ngay cả khi hiện thực hóa được hình ảnh trên, bạn cũng không thể bán sản phẩm của mình nếu chúng không đáp ứng tiêu chuẩn được chính phủ các nước đề ra.

Video tài liệu của Apex One với góc nhìn từ đích thân chủ tịch Koenigsegg là Christian von Koenigsegg hé lộ phần nào những thách thức không tên mà thương hiệu siêu xe Thụy Điển phải đối mặt.

Với một hãng xe có quy mô nhỏ như Koenigsegg, sản lượng và doanh số mỗi năm của họ chỉ vài trăm chiếc nên không thể dùng chiến lược "dùng số lượng bù chi phí" như các hãng xe đại trà. Con số được vị chủ tịch cùng giám đốc kiểm soát tiêu chuẩn David Tugas hé lộ có thể khiến nhiều người giật mình: 60% ngân quỹ của họ chỉ dùng để đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra bởi chính phủ các nước để được cấp phép bán xe.

Chủ tịch Koenigsegg chia sẻ nỗi khổ khi làm siêu xe

Trong số trên, thử nghiệm va chạm chiếm một phần không nhỏ và dù đã ứng dụng phương thức tiết kiệm nhất có thể (khung gầm xe thử va chạm là cố định, có thể tái sử dụng nhiều lần sau khi các linh kiện ngoài như thân vỏ hư hỏng sau bài thử), họ vẫn phải thử nghiệm đi thử nghiệm lại nhiều lần theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau (Bắc Mỹ khác châu Âu) nên chi phí không thể hạ thấp.

Các công nghệ an toàn chủ động (định nghĩa bởi Koenigsegg là hệ thống hỗ trợ an toàn tiền va chạm như đèn/phanh thông minh hay gương) và bị động (hỗ trợ sau khi va chạm xảy ra như đai an toàn, túi khí…) đều phải được cập nhật theo chuẩn mới nếu có.

Ngoài ra, thông số khí thải cũng đặc biệt là một mối đau đầu với Koenigsegg khi ngày một nghiêm ngặt hàng năm trong khi các mẫu xe của họ ngày một nhanh, mạnh hơn. Không phải ngẫu nhiên mà Koenigsegg sử dụng động cơ 2.0L tăng áp kép cho siêu xe 4 chỗ Gemera mới ra mắt hồi tháng 3 khi trang bị này phần nào hạn chế yếu điểm trên trong khi vẫn mang lại công suất khủng khiếp 1.700 mã lực.

Tham khảo: Motor1