Không tái định nghĩa phân khúc subcompact nhưng 2011 Mazda2 lại mang đến trải nghiệm thú vị mà phần lớn các mẫu xe cùng dòng chưa làm được. Tuy nhiên, liệu tính năng lái ấn tượng của thành viên nhà Mazda có thể xóa nhòa được nhược điểm về công suất, trang thiết bị và công nghệ hay không?
 
img

Trung thành với ngôn ngữ thiết kế hiện tại của hãng xe Nhật Bản, 2011 Mazda2 sở hữu diện mạo khá dễ thương. Với lưới tản nhiệt kiểu mặt cười và phần mũi “hiền lành”, 2011 Mazda2 có thể gây khó chịu cho fan hâm mộ trung thành nhưng đồng thời lại lôi kéo được một số khách hàng mới ưa dòng xe đáng yêu.

Chi tiết không mấy phù hợp trên Mazda2 phiên bản 2011 chính là cặp đèn pha quá khổ nằm trên mũi xe. Tuy thiết kế không có gì đáng chê trách nhưng khả năng chiếu sáng của cụm đèn pha trước lại chưa đáng hài lòng. Thậm chí, khi lái xe trời tối, người sử dụng còn phải bật thêm đèn sương mù để tăng độ sáng.

img
 
Nhìn thoáng qua, phần lớn mọi người đều có ấn tượng chung về Mazda2 là một mẫu xe nhỏ xinh. So với những “đàn anh” đồ sộ hơn như MX-5 Miata, Mazda2 ngắn hơn 45,7 mm (3.949 mm), hẹp hơn 25,4 mm (1.694 mm) nhưng lại cao hơn 221 mm (1.475 mm). Những “số đo” kể trên đã tạo ra một mẫu xe gợi liên tưởng đến trò chơi Car Town trên Facebook.

Dù sao, Mazda2 vẫn biết cách kết hợp những gì nhỏ bé thành một tổng thể khá hài hòa. Nằm bên dưới thành viên nhà Mazda là bộ lazăng hợp kim 15 inch bọc trong lốp Yokohama bốn mùa có kích cỡ 185/55 R15. Ngoài ra, còn phải kể đến đường gân mềm mại chạy từ hốc bánh trước đến cụm đèn hậu. Khoác bên ngoài Mazda2 là “bộ cánh” màu trắng ngọc, từ đó càng khiến phần lưới tản nhiệt, viền đèn sương mù và chắn bùn sau thêm nổi bật đồng thời tránh được cảm giác rẻ tiền.

img
 
Bước vào bên trong Mazda2, ấn tượng về sự thú vị của kiểu dáng ngoại thất dường như hoàn toàn tan biến. Thay vào đó là không gian nội thất màu đen và xám ảm đạm. Trên thực tế, đường viền đỏ xuất hiện trên bộ ghế bọc vải là màu sắc tươi sáng duy nhất trong 2011 Mazda2. Đáng buồn hơn nữa là sự thiếu vắng các trang thiết bị hấp dẫn. Ngoài điều hòa không khí và hệ thống âm thanh AM/FM/CD 6 loa với giắc cắm AUX, Mazda2 dường như không được cung cấp thêm thiết bị nào thú vị hơn. Rõ ràng, hãng Mazda đang muốn gửi một thông điệp đến khách hàng, đó là “Bạn ngồi đây để lái xe”.
 
img
 
Nếu không hài lòng với mẫu xe nguyên bản xuất xưởng từ nhà máy, khách hàng có thể tìm kiếm phụ kiện thay thế cho Mazda2 trên thị trường. Về cơ bản, thành viên nhỏ bé nhất nhà Mazda được chia thành 2 bản trim, bao gồm Sport có giá 14.180 USD và Touring đi kèm con số 15.635 USD. Khi mua bản Touring, khách hàng sẽ nhận ra con số chênh lệch 1.455 USD là để bổ sung thêm bộ lazăng hợp kim, đèn sương mù halogen, cánh gió sau, hệ thống điều khiển hành trình, bộ ghế bọc vải, điều khiển âm thanh trên vô lăng, 6 loa thay vì 4 và máy tính. Có thể nói, cả hai bản trim của Mazda2 đều “coi nhẹ” phần phụ kiện tùy chọn.
 
img
 
Tất nhiên, đôi khi những nhược điểm lại trở thành thế mạnh. Mazda2 chính là bằng chứng hùng hồn nhất. So với “người anh em” Miata, Mazda2 nhỏ hơn. Do đó, thành viên dòng subcompact đương nhiên cũng nhẹ hơn 79 kg và đạt con số 1.046 kg. Thêm nữa, dù sở hữu kiểu dáng nhỏ xinh nhưng Mazda2 vẫn cung cấp đủ không gian sử dụng cho người lái với kích thước cơ thể ở mức trung bình. Vô lăng gật gù và bộ điều khiển âm thanh tích hợp không hề gây cản trở. Cần số được nâng cao hơn trong khi hệ thống âm thanh và điều hòa rất dễ sử dụng. Chỉ có điều, Mazda2 lại thiếu một chi tiết nhỏ, đó là tay vịn trung tâm vốn khá cần thiết trong những chuyến đi dài.
 
img
 
“Trái tim” của Mazda2 là khối động cơ 4 xylanh thẳng hàng, dung tích 1,5 lít sản sinh công suất 100 mã lực tại 6.000 vòng/phút và mô men xoắn 98 lb-ft tại 4.000 vòng/phút. Rõ ràng, sức mạnh của động cơ không thể giúp Mazda2 trở thành một “quả tên lửa” trên đường bộ. Toàn bộ 100 mã lực chỉ giúp Mazda2 tăng tốc từ 0-96 km/h trong 10,2 giây. Cũng may, khi chạy trên xa lộ, khả năng tăng tốc của Mazda2 không quá thất vọng.

Ý tưởng lái một chiếc xe “yếu ớt” với tốc độ cao chính là điều thú vị mà người sử dụng có thể tìm thấy ở Mazda2. Ai cũng có thể leo lên một chiếc siêu xe 1.000 mã lực và lái với tốc độ kinh hoàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để làm như vậy với Mazda2. Bộ lốp Yokohama, hệ thống treo độc lập phía trước và thanh chống lật đảm bảo cho mẫu xe hạng nhỏ Nhật Bản vận hành chính xác khi ôm cua gấp. Bộ phanh phía trước có khả năng hãm khá tốt mà không cần đòi hỏi nhiều sức lực của người lái, đồng thời kết hợp hoàn hảo với phanh trống phía sau.

img
 
Song hành cùng động cơ là hộp số sàn 5 cấp tiêu chuẩn. Nếu đồng ý chi thêm 400 USD nữa, khách hàng sẽ có ngay một Mazda2 bản số tự động 4 cấp. Động cơ và hộp số hoạt động khá ăn ý với nhau. Nhờ cần số linh hoạt, người lái có thể chuyển số dễ dàng hơn.

Theo đánh giá của Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ EPA, khối động cơ 1,5 lít trên Mazda2 chỉ tiêu tốn lượng nhiên liệu khoảng 8,11 lít/100 km nội thành và 6,72 lít/100 km xa lộ. Trong khi đó, những đối thủ đáng gờm như Chevrolet Aveo và Nissan Versa lại “ngốn” nhiều nhiên liệu hơn Mazda2. Cụ thể, Chevrolet Aveo tiêu tốn 8,71 lít/00 km nội thành và Nissan Versa đi kèm con số 6,92 lít/100 km xa lộ. Tất nhiên, sự chênh lệch về mức độ tiêu thụ nhiên liệu không quá lớn. Song, về mặt cảm giác lái thú vị, cả Aveo lẫn Versa đều phải “chào thua” Mazda2. Nói như vậy không có nghĩa là Mazda2 không có đối thủ. Trong phân khúc subcompact, mẫu xe Nhật Bản vẫn phải cạnh tranh với khá nhiều kình địch với khả năng tiết kiệm nhiên liệu hiệu quả hơn như Ford Fiesta và Hyundai Elantra 2011.

img
 
Có thể nói, Mazda2 là tổng hòa của những yếu tố như kiểu dáng nhỏ xinh, tốc độ thấp, giá “mềm” và trải nghiệm lái thú vị. Đây chính là mẫu xe phù hợp cho những ai muốn mua Mazda3 thu nhỏ. Trên thị trường hiện nay, không thiếu những mẫu xe subcompact mạnh mẽ, tiết kiệm nhiên liệu và trang bị cao cấp hơn Mazda2. Tuy nhiên, hiếm có mẫu xe nào mang đến sự vui tươi cho khách hàng như Mazda2 với kiểu lưới tản nhiệt hình mặt cười đáng yêu.
 
img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

img

Theo Autoblog