Liệu câu chuyện về việc mua xe sang tiền tỷ chỉ để đi bán xôi được lan truyền trên mạng xã hội có đúng với người dân làng Phú Thượng.
Những người làm nghề đồ xôi làng Phú Thượng (Clip: Nhật Anh)
Làng xôi Phú Thượng (Q.Tây Hồ, Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với hương vị thơm dẻo đặc trưng được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ngôi làng nghề truyền thống này lại càng trở nên thu hút với cộng đồng mạng, không phải vì những gánh xôi thơm mềm mà là bởi câu chuyện cả làng mua ô tô tiền tỷ chỉ nhờ việc bán xôi.
Những bài đăng liên tục xuất hiện khiến không ít người vui đùa rằng muốn đổi nghề để bán xôi và cũng có nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên cũng như bán tín bán nghi về câu chuyện này. Và chúng tôi đã tìm đến làng xôi Phú Thượng để tìm hiểu.
Làng Phú Thượng là nơi sinh sống của 600 hộ gia đình. Trong đó gần 90% làng nghề truyền thống, ngoài ra làm nông và các ngành nghề khác. Đường làng Phú Thượng được chia hình xương cá với các ngõ nhỏ dẫn vào từng hộ gia đình. Đến làng Phú Thượng vào khoảng 3 giờ chiều sẽ ngửi thấy mùi thơm đặc trưng của nếp lan tỏa từng con ngõ bởi đây là thời điểm này các hộ dân bắt đầu đồ xôi lần một.
Anh Công Minh Cường (34 tuổi) - người sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề đồ xôi cho biết: “Từ đời ông bà và mẹ của mình làm là đã được 40 năm rồi. Đêm 2 giờ là đã phải dậy rồi đi bán hàng, đến tầm 10 giờ sáng thì về. Khi bán hàng về mình lại tiếp tục công việc nấu xôi, bận rộn đến 7, 8 giờ tối”.
Những chõ xôi được người dân mang đi giao bằng nhiều phương tiện khác nhau
Cứ đến 2 giờ sáng hôm sau, các gia đình bắt đầu thôi xôi lần hai rồi bắt đầu chất lên các phương tiện đem bán. Xe đạp có, xe máy có và cả ô tô cũng được dùng để chở xôi. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến người dân làng Phú Thượng được xuất hiện với những lời đồn giàu lên nhờ việc bán xôi.
Bà Nguyễn Thị Loan - Quyền hội trưởng làng nghề xôi Phú Thượng cho biết "Cái xe đó chỉ khoảng 200, 300 triệu chứ không phải là mua xe mới gì đâu. Nếu hội làng nghề xôi có 400 hội viên thì chỉ khoảng 100 người có xe".
Chị Hạnh - người dân tại làng Phú Thượng cũng tiết lộ thêm nguyên nhân khác để nhiều gia đình trong làng có cuộc sống khá giả hơn:
"Có những hộ vừa rồi lĩnh được mấy tỷ tiền đất thì người ta mua ô tô hoặc xây nhà. Hai thứ lớn nhất trong cuộc đời người ta được hưởng như thế và tiếp tục duy trì nghề xôi này”.
“Mình cũng không biết họ làm giàu kiểu gì nhưng mà nhà mình cũng chỉ đủ ăn. Tích cóp mấy chục năm cũng đủ mua một cái xe để gia đình sử dụng thôi chứ không phải tự nhiên chứ không phải bán xôi một, hai năm mà mua được xe” - Một người dân trong làng cho biết.
Thay vì lời đồn giàu có nhờ việc bán xôi như trên mạng xã hội chia sẻ, người dân Phú Thượng nói vui rằng, làng này giờ đây được gọi với cái tên khác là “làng đau lưng”. Bởi để đồ được chõ xôi ngon lại với số lượng lớn mỗi ngày là điều không hề dễ dàng.
“Mỗi gánh xôi tùy theo đặt hàng, từ 20- 30kg. Đi từ đây ra Hoàn Kiếm hoặc xa hơn, giao gãy cả lưng. Cô phải đeo đai nẹp lưng đến 20 năm nay rồi, không thì đau lưng lắm, do phải bưng bê nên thoái hóa lưng, đầu gối các kiểu. Nhưng nghề nghiệp cuộc sống thì không thể nào mà bỏ được, cứ phải làm thôi” - Bà Trương Thị Liên (58 tuổi) chia sẻ.
Phải thường xuyên bê vác hàng chục cân gạo nếp, qua nhiều công đoạn nấu, việc vận chuyển vào trong nội thành để bán buổi sáng cho kịp giờ cũng là điều không dễ dàng và ảnh hưởng nhiều tới sức khoẻ của người làm nghề.
Nói vui là thế nhưng những người thợ đều mong muốn nghề của mình được nhìn nhận chính xác. Đánh đổi những giọt mồ hôi để lấy về sự hài lòng của thực khách, khiến bất cứ ai từng được nếm qua hạt xôi thơm dẻo của ngôi làng này đều chẳng thể quên.