Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (tàu Cát Linh - Hà Đông) nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội trong thời gian qua. Sau khi chạy thử nghiệm cách đây vài ngày, tốc độ 35km/h được nhiều người cho là quá chậm. Thậm chí, một số ý kiến còn so sánh với tốc độ tương đương của xe... Wave đời cũ.

"Với tốc độ 35km/h thì nó ngang với đoàn tàu của Pháp cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày đó nó chạy bằng nhiên liệu củi, muốn nó chạy nhanh thì đưa thật nhiều củi vô lò đốt hơi nước", tài khoản M.T.Nam bình luận.

Dân mạng chỉ trích con số 35 km/h của tàu trên cao nhưng bên Tây tốc độ thế nào? - Ảnh 1.
Dân mạng chỉ trích con số 35 km/h của tàu trên cao nhưng bên Tây tốc độ thế nào? - Ảnh 2.

Nhận xét phổ biến của dân mạng

Thoạt nghe, 35km/h đúng là chậm, chỉ ngang hoặc thấp hơn so với tốc độ xe máy thông thường chạy trong thành phố. Chưa kể, tàu đường sắt trên cao chạy một mình một đường, không lo tắc đường. Phương tiện được coi là bước tiến trong giao thông mà đi với vận tốc chậm như vậy, bị dân mạng đua nhau chỉ trích cũng là điều... dễ hiểu.

Tuy nhiên, chỉ nghe mỗi con số 35km/h mà đánh giá thì đúng là một sai lầm lớn. Sự thật là so với vận tốc trung bình của tàu trên cao ở các nước phát triển như Mỹ hay các nước châu Âu, tàu Cát Linh - Hà Đông cũng không kém cạnh, thậm chí còn nhanh hơn nữa là đằng khác.

Tàu đường sắt ở Mỹ trung bình chạy với vận tốc khoảng 27 km/h, ở Anh là 33 km/h, ở Berlin (Đức) là 30,7 km/h, ở Warsaw (Ba Lan) là 36km/h. Các nước nói trên đều có lịch sử phát triển đường sắt lâu đời, chưa kể nền tảng kĩ thuật xây dựng cũng tân tiến hơn chúng ta nhiều nhưng tốc độ với đường sắt trên cao chạy trong thành phố cũng chỉ như vậy.

Dân mạng chỉ trích con số 35 km/h của tàu trên cao nhưng bên Tây tốc độ thế nào? - Ảnh 3.

Tàu Cát Linh - Hà Đông chạy thử nghiệm ngày 11/8. Ảnh: VTV

Vận tốc trung bình của tàu đường sắt trên cao phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác ngoài động cơ như số ga, khoảng cách giữa các ga cũng như thời gian dừng ở ga. Khoảng cách giữa các ga ngắn thì vận tốc trung bình thấp vì tàu vừa rời ga chưa kịp đạt tốc độ tối đa đã phải giảm tốc độ để vào ga sau.

Thời gian dừng để hành khách lên xuống trên tàu Cát Linh - Hà Đông chỉ dài một phút. Đây cũng là thời gian dừng tại nhà ga trung bình của các tàu điện ngầm ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Nhật.

Tốc độ trung bình toàn tuyến là 35km/h, cho quãng đường hơn 13 km từ ga Cát Linh tới Hà Đông. Như vậy thời gian trung bình để tàu đi trên cả tuyến là 22 phút. Trên toàn tuyến, có 12 nhà ga (bao gồm cả ga Cát Linh và ga Hà Đông), khi chạy hết toàn tuyến, tàu sẽ dừng ở 10 ga.

Thời gian dừng tính trung bình là một phút để hành khách lên xuống (đây cũng là thời gian dừng tại nhà ga trung bình của các tàu điện ngầm ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Nhật). Như vậy, thời gian thực chạy của tàu là 12 phút (22 phút - 10 phút) cho quãng đường 13 km. Vì vậy tốc độ trung bình của tàu là khoảng 65 km/h.

Bên cạnh đó, theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), tốc độ trung bình của tàu Cát Linh - Hà Đông gấp đôi tốc độ xe buýt thường (16 - 18km/h).