Đại lý của Lamborghini tại thủ đô Johannesburg, Nam Phi đang phải tìm mọi cách để "chữa cháy" một sự việc khá hy hữu. Trước đó, họ hứa hẹn với một khách hàng VIP giấu tên rằng sẽ bán cho ông chiếc Lamborghini Aventador SV đầu tiên và duy nhất tại Nam Phi. Vị khách này cũng đã rất vui mừng và kỳ vọng nhiều vào bản hợp đồng.

Tuy nhiên, chiếc Lamborghini Aventador SV đầu tiên của Nam Phi đã xuất hiện từ đầu năm nay. Điều đó có nghĩa, chiếc "siêu bò" vừa được bán không phải chiếc đầu tiên và đương nhiên không phải chiếc duy nhất tại quốc gia này. Khi biết được thông tin đó, vị khách hàng khó tính đã quyết định biến cơn thịnh nộ thành hành động đáp trả thích đáng.

Ông lập tức dán thêm dòng chữ "Lamborghini Johannesburg lừa đảo" lên chiếc Aventador SV màu trắng vừa mới mua. Không dừng lại ở đó, ông còn tiến xa hơn khi lập hẳn một trang web mang địa chỉ "Lamborghinijhbsellslies.com" (có nghĩa: Lamborghini Johannesburg lừa đảo để cùng nội dung với dòng chữ trên xe).


Một chiếc Lamborghini Aventador SV tại Nam Phi.

Một chiếc Lamborghini Aventador SV tại Nam Phi.

Cách đây ít ngày, Ferrari cũng vướng vào rắc rối với khách hàng. Đó là trường hợp của doanh nhân kiêm cựu tay đua và nhà sưu tập ô tô người Mỹ nổi tiếng Preston Henn. Có vẻ như ông Henn muốn mua siêu phẩm mới nhất của hãng Ferrari bằng mọi giá. Thậm chí, ông còn gửi hẳn tấm séc 1 triệu USD cho ông Sergio Marchionne, CEO của Ferrari, kèm theo một lá thư bày tò tình yêu với nhãn hiệu siêu xe nước Ý.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của ông Henn, tấm séc đã bị gửi trả lại, kèm theo lá thư ngắn thông báo việc toàn bộ những chiếc LaFerrari Aperta đều đã có chủ. Quá thất vọng, ông Henn đã gửi đơn kiện hãng Ferrari và đòi hỏi tiến hành một phiên tòa đồng thời muốn được bồi thường số tiền hơn 75.000 USD.


Preston Henn.

Preston Henn.

Trong tài liệu chia làm 20 phần gửi cho tòa án quận Nam, bang California, Mỹ, ông Henn đã nhấn mạnh mối quan hệ mật thiết của mình với nhãn hiệu Ferrari, từ thời ông Luigi Chinetti còn sống. Chinetti vốn là tay đua kiêm nhà nhập khẩu siêu xe "ngựa chồm" vào Mỹ đã qua đời vào năm 1994.