Ông chủ của các công ty sản xuất ô tô Đức rất giỏi chơi trò "ngậm bồ hòn làm ngọt". Giám đốc điều hành của Volkswagen nhận xét rằng, ưu đãi bổ sung dành cho xe điện và xe hybrid là "những kích thích quan trọng". Daimler gọi quyết định ấy là "sự thỏa hiệp phi đảng phái tuyệt vời". Còn CEO của BMW nói rằng biện pháp được đề cập là "một bước đi đầy ý nghĩa để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi" trong ngành ô tô - vốn được ví von như những cỗ xe tăng của nền kinh tế hùng mạnh.

Thực tế, theo Henrik Böhme của DW, các ông chủ cực kỳ phẫn nộ. Rốt cuộc, các đời thủ tướng Đức luôn ưu ái những người mua xe hơi, bất kể là xe gì.

Nhưng lần này, miếng bánh của họ đang bị đe dọa, khi chính phủ đã thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Các chính trị gia đã không còn khuất phục trước "cỗ xe tăng Đức" hùng mạnh.

Có phải cỗ xe tăng đang tuột xích, khi ô tô Đức không còn là đứa con cưng? - Ảnh 1.

Các ông chủ ô tô Đức khen ngợi nức nở quyết định mới của chính phủ, nhưng họ có thực sự nghĩ như thế không?

Các vị đại gia ngành công nghiệp ô tô Đức đã từng rất huy hoàng. Khi Ủy ban Châu Âu giới thiệu tiêu chuẩn khí thải nghiêm khắc hơn, các giám đốc và tổ chức vận động hành lang VDA của họ đã tới Brussels để gây áp lực.

Ngay sau đó, thủ tướng Đức sẽ xuất hiện ở đó để làm điều tương tự. Cuối cùng, các tiêu chuẩn ngặt nghèo về khí thải được giảm xuống để phù hợp với tiêu chuẩn mà các vị giám đốc đặt ra.

Nhưng có vẻ như, thời đại huy hoàng ấy đã chấm dứt, đó là cái giá phải trả cho sự gian lận.

Ngành công nghiệp ô tô Đức có rất ít lý do để phàn nàn. Chính họ đã góp phần không nhỏ cho sự bất mãn của các nhà hoạch định chính sách vì bê bối gian lận khí thải. Các chính trị gia ở Đức "cảm thấy tổn thương sâu sắc" khi niềm tin của họ bị phản bội, dù rằng họ chối phăng những biệt đãi trước kia cho ngành ô tô, những ưu đãi chưa từng được áp dụng cho bất kỳ ngành nào khác.

Có phải cỗ xe tăng đang tuột xích, khi ô tô Đức không còn là đứa con cưng? - Ảnh 2.

Martin Winterkorn, cựu CEO của Volkswagen, bị cáo buộc âm mưu gian lận, trốn tránh các tiêu chuẩn khí thải. Ảnh: NYT

Và do đó, gói kích thích kinh tế vì Covid-19 mới của chính phủ Đức có vẻ đang định hướng lại tương lai. Nó bao gồm 50 tỷ euro (57 tỷ USD) cho nghiên cứu sử dụng công nghệ hydro, trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối di động 5G. Chỉ khoảng 5 tỷ euro được phân bổ cho người mua xe hơi thân thiện với môi trường, trạm sạc EV và nghiên cứu về pin. Các nhà chế tạo máy cũng sẽ nhận được ưu đãi cho các khoản đầu tư nhất định.

Nhưng với các nhà sản xuất ô tô Đức, đó không phải câu chuyện dễ chịu. Quá trình chuyển đổi chắc chắn gây ra sự lo lắng, đặc biệt là người lao động. Đại dịch Covid-19 đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi đó, khi doanh số bán xe giảm mạnh, và ngày trở lại còn chưa thể tiên liệu.

Có phải cỗ xe tăng đang tuột xích, khi ô tô Đức không còn là đứa con cưng? - Ảnh 3.

Các nhà sản xuất ô tô Đức rất giàu, nhưng họ có thể tiếp tục giàu như vậy không?

Nhưng đừng quên rằng các nhà sản xuất ô tô Đức đã có một thập kỷ bán hàng rất thành công, cho phép họ liên tục đạt lợi nhuận kỷ lục. Chúng ta đang nói về 28 tỷ euro chỉ riêng Volkswagen. Vì vậy, hoàn toàn có thể nói nhà sản xuất ô tô này là "con nhà siêu giàu", nếu không phải trả khoảng 30 tỷ euro sau vụ bê bối Dieselgate. BMW và Daimler cũng đã ghi nhận thu nhập cực kỳ tốt.

Các nhà sản xuất ô tô Đức hiện phải tìm cách thích ứng với quyết định của chính phủ. Ưu đãi cho những người mua xe điện hoặc xe hybrid chỉ có nếu giá xe không cao hơn 40.000 Euro. Điều này có nghĩa là người tiêu dùng sẽ không thể tận hưởng những ưu đãi đó nếu muốn mua một chiếc Audi E-Tron hay Mercedes EQC. Mỗi chiếc có giá khởi điểm chừng 70.000 Euro.

Có phải cỗ xe tăng đang tuột xích, khi ô tô Đức không còn là đứa con cưng? - Ảnh 4.

Xe điện Đức vẫn đang bị các hãng khác bỏ xa: về chất lượng chưa qua được Tesla còn giá chưa xuống được bằng các đối thủ nước ngoài. Ảnh: Axios

Hiện các nhà sản xuất ô tô Đức vẫn chưa thực sự có xe điện giá phải chăng. Chỉ 1/4 các mẫu xe được hưởng ưu đãi đến từ chính phủ Đức. Cũng tức là, các nhà sản xuất ô tô của Pháp và Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ thấy doanh số tăng đột biến nhờ các ưu đãi với người mua từ chính phủ.

Chúng ta có nên kỳ vọng vào VW và chiếc ID.3 dự kiến ra mắt thị trường trong hè này không? Chà, ngay bây giờ, vẫn còn nhiều báo cáo về sự cố phần mềm. Và nó dường như chẳng sánh được với Tesla Model 3, tiêu thụ ít hơn 10% năng lượng cho mỗi 100km. Gigafactory của Tesla được xây dựng ngay bên ngoài Berlin đang khiến các nhà sản xuất ô tô Đức rùng mình.

Có phải cỗ xe tăng đang tuột xích, khi ô tô Đức không còn là đứa con cưng? - Ảnh 5.

VW ID.3 đang còn là dấu hỏi lớn

Bất kể bạn nghĩ gì về những lợi thế sinh thái và những thiếu sót công nghệ hiện tại của xe điện, việc chính phủ Đức từ chối tiếp tục ưu đãi với tất cả các dòng xe dường như mở ra kỷ nguyên mới.

Ngành công nghiệp ô tô vẫn quan trọng với người Đức. Nhưng nó sẽ không còn là "đứa con cưng" của "bầu sữa mẹ".