Được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về cơ sở hạ tầng giao thông, thói quen thích sử dụng xe máy, thị trường Indonesia đang có những bước chuyển cực nhanh sang xe máy điện.
Mục tiêu đặt ra của chính phủ Indonesia là có 13 triệu xe máy điện trên đường phố vào năm 2030, so với mức chỉ 12.000 xe vào năm ngoái. Dân số của Indonesia là hơn 270 triệu dân. Theo dữ liệu của Statista, có hơn 110 triệu xe máy chạy xăng ở Indonesia vào năm 2020.
Chính phủ cũng có kế hoạch xây dựng 32.000 trạm sạc công cộng vào năm 2030 đồng thời đưa ra các biện pháp khuyến khích như giảm giá tiền điện và thuế cho các chủ xe điện. Với chưa đến 200 trạm sạc công cộng vào cuối năm 2021, còn rất nhiều việc phải làm trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Công ty sản xuất than, gọi xe công nghệ cũng tham gia sân chơi xe điện
Niner Indika Energy, một công ty than đá, là nhà sản xuất mới nhất tại Indonesia tham gia vào lĩnh vực này. Họ thông báo thành lập công ty sản xuất xe máy điện mang tên Ilectra Motor Group vào tháng 4. Cuối tháng trước, Indika đã tiết lộ khoảng đầu tư chung trị giá 15 triệu USD với công ty đầu tư mạo hiểm Alpha JWC Ventures của Indonesia và Horizons Ventures tại Hong Kong.
Đầu tháng 1, Indika đã ký thoả thuận sơ bộ với Foxconn và nhà sản xuất xe điện Gogoro và Indonesia Battery Corporation để hợp tác đầu tư trong hệ sinh thái xe điện. Họ sẽ sản xuất và tái chế cả pin, thiết lập trạm đổi pin, sản xuất xe máy điện, ô tô và bus điện.
Cũng trong tháng 5, Volta Indonesia Semesta cho biết họ đang đặt mục tiêu sản xuất 50.000 xe máy điện trong năm nay. Đây là liên doanhh giữa nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số M Cash Integration và startup giao hàng SiCepat Ekspres. Hãng này cho biết đã nhận được đơn hàng ít nhất là 10.000 chiếc xe máy điện từ SiCepat.
Để giải quyết tình trạng thiếu các trạm sạc công cộng, Sicepat và M Cash đang hợp tác phát triển mạng lưới các trạm thay pin. Irwan Supriatna – Giám đốc bán hàng của Volta nói với Nikkei Asia rằng họ đặt mục tiêu xây 500 trạm đổi pin vào cuối năm nay trên các đảo Java và Bali – gấp 4 lần con số ở khu vực Jakarta hiện tại.
Một số nhà sản xuất địa phương khác cũng đều đưa ra các kế hoạch tương tự và hầu hết tự tìm cách giải quyết vấn đề về sạc bằng cách hợp tác để phát triển các trạm đổi pin. Nếu sạc pin xe điện, bạn phải mất hàng giờ nhưng chỉ cần vài phút để thay pin đã sử dụng bằng pin mới.
Một liên doanh đáng chú ý khác đến từ công ty nhà nước Wika Industri Manufaktur, hãng sản xuất xe đạp điện Gesits, kỳ lân gọi xe Gojek và tập đoàn dầu khí quốc doanh Pertamina.
Năm ngoái, Gojek đã ra mắt Electrum, một liên doanh với công ty năng lượng địa phương TBS Energi Utama để mở rộng hệ sinh thái EV của Indonesia. Gojek đã cam kết chuyển đổi 100% đội ngũ lái xe sang xe điện vào năm 2030. Hãng cũng đang chạy một chương trình thử nghiệm, ở đó khách hàng tại Jakarta có thể đặt một chuyến đi bằng xe máy điện qua app cảu Gojek.
Grab, đối thủ của Gojek cũng đã đặt hàng 6.000 xe máy điện từ Viar Motor Indonesia. Khởi đầu là một nhà sản xuất xe đạp điện, Viar hiện đang điều hành một nhà máy sản xuất xe 2 và 3 bánh chạy điện ở Semarang.
Ridzki Kramadibrata, Chủ tịch Grab Indonesia cho biết công ty đang vận hành 8.500 xe điện tại Indonesia, phần lớn trong đó là xe máy. Họ đặt mục tiêu tăng con số lên 14.000 vào cuối năm nay.
Thông điệp đẩy mạnh sử dụng xe máy điện được lan truyền mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Indonesia đang phục hồi sau đại dịch còn người dùng này càng quan tâm đến các loại phương tiện "xanh". Tại triển lãm ô to quốc tế Indonesia ở Jakarta hồi tháng 4, khách tham quan đã lái thử xe tại các gian hàng của Volta và Gesits.
Giá của xe điện Volta chào bán ở mức 1.360 USD hoặc thấp hơn trong khi xe của Gesits là khoảng 2.000 USD. Mức giá này gần tương tương với xe máy chạy xăng đang bán ở đây. Đại diện của Volta cho biết hầu hết khách hàng (cá nhân) của hãng đều ở độ tuổi 20-30.
"Tay to" dè dặt
Dewa, một công chức ở Bali, cho biết anh và em trai mình đã sử dụng xe máy điện Viar từ năm 2019. Họ chủ yếu di chuyển trong phạm vi ngắn nên chỉ cần sạc một lần và dùng được vài ngày. "Chúng tôi đã tiết kiệm được rất nhiều tiền xăng và hầu như không ảnh hưởng gì đến hoá đơn tiền điện", Dewa nói và cho biết thêm chiếc Viar của anh ít cần bảo dưỡng hơn so với xe máy chạy xăng. Tuy nhiên, điểm hạn chế là nó chạy chậm hơn với tốc độ tối đa chỉ là 40 km/h.
Các nhà phân tích cho rằng triển vọng phát triển xe máy điện tại Indonesia là cực lớn. Người dùng ở đây thích đi xe máy nhưng xe điện vẫn còn quá đắt đối với người dùng trong nước.
Tuy nhiên, những công ty như Yamaha Motor và Honda Motor - vốn thống trị thị trường xe máy Indonesia, vẫn đang do dự khi tham gia vào ngành công nghiệp xe máy điện trong nước. Hồi tháng 4, Yamaha đã giới thiệu mẫu xe E01 tại triển lãm IIMS nhưng không chia sẻ kế hoạch cụ thể cho việc ra mắt thương mại.
Honda, trong khi đó, vẫn đang tiến hành nghiên cứu thị trường sau khi giới thiệu xe máy điện PCX cho Gojek và Grab sử dụng từ năm 2019. CEO Honda Indonesia kỳ vọng họ có thể tung một chiếc xe máy điện cho thị trường Indonesia vào năm 2024.