Tại Việt Nam, Ford Ranger như một thế lực về doanh số trong phân khúc bán tải. Báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy trên 50% số xe bán tải bán ra thị trường là Ford Ranger. Sự áp đảo gần giống với Toyota Vios ở sân chơi sedan hạng B. Các đối thủ phía dưới chia nhau miếng bánh ít ỏi còn lại.

Tuy nhiên, khác với sedan có nguồn cung lắp ráp trong nước, xe bán tải vướng Nghị định 116 nên toàn bộ sản phẩm bị đẩy lùi về vạch xuất phát do cạn nguồn hàng. Sự cách biệt giữa Ford Ranger với Toyota Hilux gần như bị xóa nhòa. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để mẫu bán tải Nhật vươn lên nếu cung đáp ứng đủ cầu.

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 1.

Toyota Hilux phiên bản mới đã có mặt tại các đại lý để bắt đầu con đường lấy lại doanh số sau quãng thời gian khan hàng vì Nghị định 116.

Nói vậy không đồng nghĩa với việc cứ đủ xe là Toyota Hilux có thể lăn bánh trên con đường trải đầy hoa hồng. Bởi người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng khó tính và đòi hỏi cao hơn ở những mẫu bán tải – loại xe vốn như xe thương mại nhưng lại phải có nhiều công năng và sự thoải mái như xe du lịch.

Nhận thấy sự chuyển dịch này, Toyota Việt Nam không còn bỏ rơi Hilux như nhiều năm về trước mà đã chăm chút hơn cho sản phẩm này bằng cải tiến mới đây.

Thay đổi ngoại hình, nâng cấp trang bị

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 2.

Điểm dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi ở ngoại hình. Toyota Hilux là mẫu bán tải đầu tiên tại Việt Nam được nâng cấp trong năm nay. Đây là bản facelift giữa vòng đời với diện mạo thay đổi chủ yếu ở phần đầu xe. Lưới tản nhiệt lục giác mới được sơn đen bóng, khỏe khoắn hơn loại hình thang với nan mạ chrome trước đây. Cản trước cũng được làm lại với nhiều đường gân dập nổi. Phiên bản MLM cao cấp nhất có sự khác biệt bởi bộ vành thiết kế mới và thanh chắn thể thao phía sau.

Dù ngoại hình không phải yếu tố quan trọng nhất tác động tới quyết định mua hàng của người tiêu dùng nhưng nó lại là thứ tiếp cận khách hàng đầu tiên và tác động mạnh tới thị giác và cảm tính của các thượng đế. Trong lần thay đổi này, khó phủ nhận Toyota Hilux đã khỏe khoắn hơn, bệ vệ hơn nhờ các đường nét thừa hưởng từ đàn anh Tacoma – mẫu bán tải cỡ lớn nằm trên Hilux.

Không chỉ vậy, nội thất vốn là điểm dễ bị chê trên Toyota Hilux nay cũng được cải thiện rõ rệt. Ghế da, ghế lái chỉnh điện 8 hướng, màn hình 7 inch, hệ thống âm thanh 6 loa, điều hòa tự động và có cửa gió cho ghế sau.

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 3.

Đặc biệt về mặt an toàn, trang bị an toàn tiêu chuẩn cho mọi phiên bản ngoài hỗ trợ phanh (ABS, EBD, BA), cân bằng điện tử, kiểm soát lực kéo, hỗ trợ khởi hành ngang dốc/đổ đèo thì 7 túi khí là chi tiết nâng cấp mới, đem lại sự an tâm tuyệt đối cho hành khách. Hai bản cao cấp nhất có kiểm soát hành trình (Cruise Control).

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 4.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 5.

Khó có thể đánh giá những option trên là xuất sắc khi so với xe du lịch nhưng dải trang bị trên phần nào đủ sức quyến rũ một dân chơi bán tải hay chí ít gỡ điểm cho những thiếu sót của phiên bản trước. Còn nếu so với các bản cao cấp của đối thủ, Toyota Hilux vẫn thua thiệt nhưng đổi lại bằng mức giá thấp hơn.

Sự trở lại của động cơ dầu 2.8L

Đây cũng là phiên bản đánh dấu sự trở lại của động cơ dầu 2,8 lít mã 1GD-FTV sau hơn nửa năm vắng bóng. Động cơ này cho công suất 174 mã lực và mô-men xoắn 450 Nm, kết hợp hộp số tự động 6 cấp, dùng chung với Fortuner 2.8V 4x4 mà TMV đưa về cùng trong đợt nhập khẩu mới nhất.

Theo những gì mà hãng xe Nhật công bố, phiên bản động cơ 2.8L là loại động cơ đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ vách cách nhiệt TSWIN (Thermo Swing Wall Insulation Technology). Nói vậy có vẻ khó hiểu nhưng trang bị này giúp động cơ đạt hiệu suất nhiệt lên tới 44% - cao nhất trên thế giới hiện nay.

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 6.

Do đó, dù dung tích động cơ nhỏ hơn loại 3.0L cũ nhưng loại 2.8L có mô-men xoắn cực đại cao hơn 25%, mô-men xoắn ở dải tốc độ thấp cũng cải thiện 11%, trong khi mức tiêu hao nhiên liệu giảm 15%. Đây cũng là dòng động cơ đầu tiên của Toyota sử dụng bộ xúc tác urê (SCR), góp phần làm giảm tới 99% lượng NOx độc hại, đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro6.

Sức mạnh thương hiệu

Ở phiên bản mới, Toyota Việt Nam định giá Hilux ở mức từ 695-878 triệu đồng với 3 phiên bản khác nhau. So với mặt bằng chung của thị trường, con số này đang ở ngưỡng giữa phân khúc. Chiến lược của liên doanh Nhật được nhiều chuyên gia đánh giá là "không đắt nhất để khách hàng phân vân nhưng không rẻ nhất để hạ thấp thương hiệu". Cộng với khả năng giữ giá tốt, giá niêm yết trên có thể là con số thu hút khách hàng về phía TMV.

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 7.

Sẽ là thiếu sót khi không kể tới độ phủ sóng của hệ thống đại lý của Toyota tại Việt Nam. So với các đối thủ ở phân khúc bán tải, Toyota có hệ thống đại lý rộng nhất – lên tới 52 (gồm 37 đại lý chính thức, 15 chi nhánh đại lý). Các công tác sửa chữa, bảo hành vì thế sẽ tiện lợi hơn, nhất là với những người tiêu dùng trên vùng cao - bộ phận khách hàng quan trọng của bất kỳ hãng xe nào chú trọng vào phân khúc bán tải.

Với những lợi thế và khiếm khuyết trên, sẽ là quá khó để định đoạt ngay số phận của Toyota Hilux phiên bản mới tại Việt Nam. Trước mắt mẫu xe này còn là cả chặng đường dài với sự trở lại của Ford Ranger hay cả sự xuất hiện của các phiên bản mới khác của Chevrolet Colorado hay Nissan Navara, Isuzu D-Max. Tuy nhiên, nếu tận dụng được các điểm mạnh và chỉ cần TMV san bớt sức lực từ mảng sedan, SUV sang bán tải để chiều lòng dân off-road, đáp ứng thị hiếu của khách Việt khó tính thì thế trận sẽ thật sự khó đoán thay vì sự thắng thế không bất ngờ của Ford Ranger.

Một số hình ảnh khác của Toyota Hilux mới về đại lý:

Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 8.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 9.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 10.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 11.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 12.
Cơ hội nào cho Toyota Hilux tại Việt Nam? - Ảnh 13.

Ảnh: TAPB