Theo thống kê từ năm 2019 đến nay, các thành viên thuộc Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vẫn tiếp tục nhập khẩu số lượng khá nhiều xe nguyên chiếc từ nước ngoài với tỷ trọng doanh số từ 33 - 39% và số lượng đều trên 90.000 chiếc. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã tiêu thụ tổng cộng 84.283 chiếc ô tô nhập khẩu .

Chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, xu hướng mới của nhiều hãng xe có nhà máy ở Việt Nam? - Ảnh 1.

Toyota Việt Nam hiện chỉ còn lắp ráp Vios là có doanh số và lợi nhuận tốt nhất.

Trong số các thương hiệu đang bán ra tại Việt Nam, Toyota đứng đầu về doanh số xe nhập khẩu tính trong 8 tháng vừa qua, hãng xe Nhật Bản bán được số ô tô nhập khẩu tới 36.249 chiếc, chiếm 64% tổng doanh số và cao gấp rưỡi so với doanh số xe lắp ráp trong nước

Những năm gần đây, Toyota Việt Nam cũng cắt giảm nhiều mẫu xe lắp ráp để chuyển sang nhập khẩu như: Camry và Corolla Altis; bên cạnh đó, hãng cũng bổ sung nhiều mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc như: Corolla Cross, Veloz Cross, Avanza Premio. Nhà máy của hãng tại Vĩnh Phúc hiện chỉ còn lắp ráp Vios, Innova, Fortuner (máy dầu).

Ngoài ra, Suzuki cũng là hãng sở hữu lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc bán ra cao hơn khá nhiều so với xe lắp ráp trong nước; với con số lần lượt là 8.052 chiếc (chiếm tỷ trọng 73%) và 3.018 chiếc trong thời gian đã qua của năm 2022. Cần lưu ý, tất cả xe du lịch của Suzuki Việt Nam được nhập khẩu hoàn toàn, với các mẫu như: XL7, Ertiga, Ciaz và Swift.

Chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, xu hướng mới của nhiều hãng xe có nhà máy ở Việt Nam? - Ảnh 2.

Doanh số xe nhập khẩu và lắp ráp của các thương hiệu trong 8 tháng đầu năm 2022.

Tuy nhiên, hãng xe có tỷ trọng doanh số ô tô nhập khẩu cao nhất là Mitsubishi với 22.791 chiếc bán ra trong 8 tháng đầu năm 2022, trong khi xe lắp ráp trong nước chỉ đạt 3.609 chiếc trong cùng khoảng thời gian; có thể thấy lượng xe nhập khẩu hãng bán được chiếm 86%% tổng doanh số xe.

Điều này do Mitsubishi đang sở hữu mẫu Xpander bán chạy nhất được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia và mẫu bán tải Triton nhập khầu từ Thái Lan cũng đang có doanh số tốt những tháng gần đây, cùng với 2 mẫu xe khác gồm Attrage và Pajero Sport. Trong khi đó, ô tô lắp ráp trong nước hiện chỉ còn Outlander và phiên bản MT không bán chạy của hãng.

Chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu, xu hướng mới của nhiều hãng xe có nhà máy ở Việt Nam? - Ảnh 3.

Ngược lại, một số hãng xe lại có lượng xe lắp ráp bán ra áp đảo, điển hình trong đó là những thương hiệu thuộc quyền phân phối của Thaco. Nhà sản xuất này chỉ nhập khẩu khoảng 6% trong tổng số xe bán ra, và đưa về một số mẫu ô tô với doanh số thấp như: Mazda CX-3, Mazda CX-30, Mazda2 và các dòng BMW. Cùng với đó, Ford, Honda, Isuzu và Mercedes-Benz cũng có lượng xe lắp ráp trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu.

Không thuộc VAMA nhưng Hyundai và VinFast hiện cũng đang là 2 hãng xe có số lượng ô tô bán ra chủ yếu lắp ráp trong nước. Đối với Hyundai, nhà phân phối TC Motor chỉ bán ra duy nhất mẫu Creta được nhập khẩu từ Indonesia trong khi tất cả các ô tô VinFast đều được lắp ráp tại nhà máy của hãng ở Hải Phòng.