Với tình hình dịch bệnh COVID-19 còn nhiều diễn biến phức tạp trong thời điểm hiện tại thì việc nâng cao vốn hiểu biết để chủ động phòng chống dịch ngay tại nhà là điều hết sức cần thiết. Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam ghi nhận đã có 153 ca dương tính với COVID-19 đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau. Do đó, các chuyên gia đều đưa ra lời khuyến cáo người dân nên chủ động ăn uống đủ chất, rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng phòng chống dịch.

Tuy nhiên, nếu chẳng may chính bạn hay một người thân nào đó trong gia đình gặp vấn đề sức khỏe trong mùa dịch này thì sao? Để giải đáp thắc mắc này, mới đây bác sĩ Trần Quốc Khánh (hiện đang công tác tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức) đã có một vài chia sẻ.

Trước khi trả lời vấn đề này, bác sĩ Trần Quốc Khánh nhấn mạnh: "Khi đại dịch xảy đến đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe mà còn gây ra không ít những biến động đến kinh tế và nhiều lĩnh vực khác trong xã hội. Do đó, chúng ta cần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, từ những hành động nhỏ nhất cũng cần phải được thực hiện đúng với một thái độ nghiêm túc."

Ai cũng biết rằng, chúng ta cần phải thận trọng trong mọi hoạt động để ngăn chặn sự lây nhiễm của COVID-19. Nhưng có lẽ, khi gặp phải những vấn đề khác về sức khỏe, chúng ta nên làm gì, nhất là trong giai đoạn dịch đang bùng phát mạnh mẽ như ở thời điểm hiện tại vẫn là một dấu hỏi lớn đối với nhiều người. Chưa kể, sự vô tâm và mất bình tĩnh khi đối mặt với các trường hợp khẩn cấp có thể khiến nhiều người không may nhiễm virus COVID-19.

"Trong trường hợp này, điều đầu tiên chúng ta cần làm chính là phân biệt các vấn đề về sức khỏe mà người bệnh đang gặp phải thuộc tình trạng nào. Vì nó sẽ liên quan đến thái độ xử trí.", theo BS. Trần Quốc Khánh.

Cụ thể, đối với những trường hợp này, BS. Trần Quốc Khánh đưa ra lời khuyên như sau:

1.Nếu gặp phải tình trạng cấp cứu: Tai nạn giao thông hoặc tai nạn nghề nghiệp…

-Đối với những trường hợp này, người dân nên lập tức di chuyển tới trung tâm y tế gần nhất (trạm y tế, BV huyện, BV tỉnh…) để đánh giá và xử trí ban đầu.

Nếu thực sự cần kíp mới xin chuyển lên tuyến cao hơn nữa. Bởi mỗi quá trình di chuyển đều sẽ kéo theo việc tiếp xúc với thêm nhiều người khác, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm dịch.

-Ngoài ra, BS. Trần Quốc Khánh cũng lưu ý 3 điều:

+ Thứ nhất, trước khi vào Bệnh viện, người nhà bệnh nhân cần liên hệ trước xem có bộ phận trực cấp cứu ngoại khoa cũng như có bệnh nhân nghi nhiễm virus COVID-19 hay không để có sự chuẩn bị phù hợp và kịp thời, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo.

+ Thứ 2, nếu bệnh nhân có kèm theo một trong số các dấu hiệu của người nhiễm COVID-19, ví dụ liên quan đến yếu tố dịch tễ hoặc biểu hiện sức khỏe như: sốt, ho,… từ trước khi tai nạn thì người nhà cần thông báo cho Bệnh viện nơi mình chuẩn bị đến thông tin này để BV có giải pháp đón tiếp cũng như thăm khám đảm bảo an toàn cho cả đôi bên. Đồng thời người thân đi theo cùng bắt buộc phải thực hiện các biện pháp bảo vệ bản thân như: đeo khẩu trang, đeo kính bảo hộ…

+ Thứ 3, nên hạn chế số lượng người nhà đi theo vào viện trong giai đoạn này, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao nhiễm bệnh: người trên 60 tuổi, người có bệnh lý nền hoặc trẻ em…

2.Nếu gặp phải tình trạng cấp cứu bệnh lý: chuyển dạ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,…

Với những tổn thương bệnh lý này, chúng ta cũng cần ưu tiên vào viện và cũng tuân thủ theo lộ trình như với những trường hợp bị tai nạn đã trình bày ở trên. Đó là tuần tự sơ cấp cứu từ tuyến thấp lên cao dần và bắt buộc phải liên hệ trước với bệnh viện để thông báo nếu bệnh nhân có sốt hoặc có những triệu chứng kèm theo khác mà chúng ta chưa thể loại trừ nhiễm COVID-19 khác (Ho, tức ngực khó thở…).

3.Đối với những bệnh lý đã có từ trước: Tiểu đường, cao huyết áp, hoặc cơ thể biểu hiện triệu chứng chưa rầm rộ như đau nhức cơ thể, đau đầu âm ỉ, mất ngủ, rối loạn đại tiện…

Riêng trong trường hợp này, chúng ta có thể trì hoãn hoặc xin tư vấn từ xa từ bạn bè, người thân làm trong chuyên ngành đó.

Trong thời khắc khó khăn này luôn cần sự đoàn kết, san sẻ, giúp đỡ và thương yêu của mỗi người để cùng nhau đi qua đại dịch.


Chúng ta nên làm gì khi gặp vấn đề về sức khỏe trong mùa dịch? - Ảnh 1.