Đôi khi chỉ một sự khác biệt "nhỏ" cũng có thể làm chênh giá xe tới hàng trăm triệu đồng.
Chrysler/Dodge – High Impact Paint
Nếu bạn "tình cờ" sở hữu một chiếc Dodge Charger hay Challenger giai đoạn 1969 trở về sau sử dụng màu sơn ngoại thất thuộc nhóm High Impact (Ảnh hưởng lớn) bao gồm những tông màu có tên khá kêu như Plumb Crazy, Panther Pink, Go Mango hay Sublime thì xin chúc mừng, giá trị bán lại của chiếc xe đó cao hơn xe thường từ 10% tới 20%. Đây quả là một món hời khi biết rằng người tiêu dùng Mỹ khi đó chỉ mất 15 USD để đổi ngoại thất xe sang bất cứ màu sơn nào mà mình muốn.
Subaru – World Rally Blue Mica
Tông màu xanh dương có tên World Rally Blue Mica gắn liền với giai đoạn thống trị đường đua Rally của Subaru từ năm 1993 trở đi. Bất cứ một chiếc Subaru Impreza cổ nào sở hữu tông màu này, nhất là khi đi kèm la zăng vàng, đều được giới sưu tầm săn lùng với mức giá sẵn sàng trả cao hơn rất nhiều bất cứ combo màu nào khác.
Dodge Viper – Gunmetal Pearl
Số lượng xe trong thế hệ Dodge Viper cuối cùng sở hữu tông màu bạc không phải hiếm nhưng kết hợp nó với tùy chọn sơn đen nhám thì có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay khi khách hàng phải đặt hàng riêng với chương trình tùy biến có tên "1 of 1" khi đó của Dodge. Những xe dạng này hoàn toàn được sơn tay với thời gian hoàn thiện lớp sơn lên tới 140 giờ.
McLaren L1 FM – Papaya Orange
Vào năm 1968, McLaren khi quan sát các dòng xe đối thủ trên đường đua Can-Am nhận ra rằng tông màu cam có thể giúp một mẫu xe tầm thường trở nên đặc biệt nổi bật khi quan sát qua TV. Ngay trong năm đó, họ giới thiệu màu sơn Papaya Orange trên các dòng xe F1 của mình và, trùng hợp thay, cũng đạt được thành công đáng kể sau thay đổi đó. Kể từ đó tới nay màu cam vẫn đôi lúc xuất hiện trên các dòng sản phẩm mới của McLaren, phổ biến nhất là trên các phiên bản đặc biệt.
Lamborghini Diablo SE30 – Tím
Phiên bản đặc biệt của Diablo này về cơ bản là 1 chiếc xe đua thực thụ trong hình hài Diablo. Trong số những thay đổi nhỏ về ngoại thất xe so với bản gốc, màu sơn tím kim loại là một chi tiết "miễn phí" cho khách hàng đặt mua vào thời điểm đó nhưng có thể khiến người mua lại xe bây giờ phải bỏ ra thêm 100.000 tới 200.000 USD.
Land Rover – Grasmere Green
Tình trạng thiếu hụt thép công nghiệp hậu Thế chiến thứ 2 buộc Land Rover phải sử dụng nhôm thừa làm chất liệu chế tạo thân xe cho những dòng sản phẩm đầu tiên khi đó. Kho sơn xanh quân đội thừa thãi bấy giờ có tên Grasmere Green cũng được họ tận dụng triệt để.
Thành công ập đến với Land Rover cũng đồng nghĩa với Grasmere Green tình cờ trở thành màu sơn huyền thoại của thương hiệu Anh và không ít lần hãng đã giới thiệu các phiên bản đặc biệt sử dụng lại đúng màu sơn đó, chẳng hạn như chiếc Discovery Heritage Edition. Giờ, giới sưu tập xe Land Rover cổ chỉ chấp nhận những xe nào sử dụng màu sơn này.
Tham khảo: CarBuzz