Chevrolet Trailblazer sắp mở bán tại Việt Nam có khá nhiều lợi thế so với các đối thủ, từ sẵn nguồn cung, giá bán thấp nhất phân khúc (hưởng thuế nhập 0%) cho đến nhiều công nghệ an toàn chủ động hiện đại. Mẫu SUV khó nhằn nhất phân khúc mà Trailblazer sẽ vất vả để cạnh tranh doanh số là Toyota Fortuner vốn nổi tiếng là bền bỉ và giữ giá.

Mặc dù có nhiều điểm mạnh hơn đối thủ tính đến thời điểm này, Chevrolet Trailblazer lại bị ảnh hưởng một phần bởi Captiva đời đầu - mẫu xe bị nhiều người dùng than phiền về lỗi vặt và hao xăng, mặc dù một thời là ước mơ của bao người Việt.

Nỗi khổ của Trailblazer mang tên Captiva từ đời... 2007

Trên các diễn đàn về xe và tham khảo nhiều người dùng tại Hà Nội, không khó để nhận ra tâm lý e dè trước Chevrolet Trailblazer vì những gì mà Captiva từng tạo ra từ 10 năm trước. 

Là cái tên từng nổi đình nổi đám vào năm 2007-2008, Chevrolet Captiva thời đó hút khách bởi kiểu dáng đẹp, giá cả không quá đắt đỏ (trung bình khoảng 33.000 USD) lại nhiều tính năng. Tuy nhiên, sau vài năm sử dụng, những vấn đề phát sinh khiến doanh số tụt dốc không phanh. Tháng 6/2012, thời điểm GM triệu hồi xe Captiva vì lỗi liên quan tới phanh ABS, mẫu xe này chỉ bán được vỏn vẹn 3 chiếc.

Chevrolet Captiva - Tiếng xấu đè bóng Trailblazer trong cuộc đua với Toyota Fortuner - Ảnh 1.

Captiva từng nổi lên như hiện tượng nhưng nhanh chóng chìm. Ảnh: Anh Tuấn.

Thành viên Capt.Do (Hải Phòng) của diễn đàn Otofun từng đồng hành 6 năm với chiếc Captiva đời 2007, mua cũ vào năm 2011. Anh cho biết chiếc xe đi ít nhưng hay hỏng vặt, từ củ đề, đến giảm xóc chảy dầu, rồi các loại cảm biến, thủng két nước đến mô-bin đánh lửa và thước lái chảy dầu… Đồ thay không đắt nhưng phải vào garage nhiều. Ngoài ra, xe cũng "uống xăng như uống nước lã".

Lỗi mà đa số người dùng trong hội sử dụng Captiva gặp phải là cảm biến. Đèn báo ABS, chống trơn trượt thường xuất hiện trên táp-lô. Hệ thống điện xe cũng không ổn định.

Chevrolet Captiva - Tiếng xấu đè bóng Trailblazer trong cuộc đua với Toyota Fortuner - Ảnh 2.

Chiếc Captiva hay bị báo lỗi liên quan cảm biến trên táp-lô. Ảnh: An Bình.

"Ngày xưa có một huyền thoại công nghệ tên Captiva, tốn xăng và đỏng đảnh. Mỗi lần chiếc xe đau đầu, sổ mũi nghĩ lại đến lạnh người. Hồi 2008 mua xe mất tổng cộng 33.500 USD, còn giờ nhìn giá xe cũ thì biết. Trailblazer và Captiva cùng một mẹ ra mà thôi nên chắc ít nhiều có ảnh hưởng," anh Long (Hà Nội), một người từng đi Chevrolet Captiva, chia sẻ.

Chevrolet Trailblazer có đáng bị phủ bóng của Captiva?

Captiva với lỗi vặt đã quá khứ, hơn nữa lại không cùng từ khung gầm lẫn động cơ với Trailblazer. Mẫu SUV 7 chỗ được phát triển từ hệ thống gầm bệ của Colorado, trong khi Captiva ở phân khúc khác với khung unibody. Động cơ và nhiều công nghệ trên xe Trailblazer cũng dùng chung với mẫu bán tải này.

Chevrolet Captiva - Tiếng xấu đè bóng Trailblazer trong cuộc đua với Toyota Fortuner - Ảnh 3.

Trailblazer có được lợi thế khi Colorado đang bán tốt trong nước. Ảnh: GM.

Sự thành công của Colorado phần nào cho thấy sự tin tưởng của khách hàng Việt vào mẫu bán tải Mỹ. Tổng kết năm 2017, số liệu của VAMA cho thấy GM Việt Nam bán được 10.576 xe - kỷ lục trong suốt cả thập kỷ qua. Trong đó, doanh số Colorado đạt 3.082 xe (chiếm gần 30%), đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng này. Trong 3 tháng năm ngoái, Colorado còn lọt top 10 xe bán chạy tại Việt Nam trong VAMA.

Như vậy, Chevrolet Trailblazer đã gián tiếp ghi điểm với người dùng trong nước thông qua Colorado.

Captiva nay cũng đã khác

Chevrolet Captiva được cải tiến nhiều hơn từ đời 2013. Động cơ Ecotec mới của GM thay cho loại "cổ lỗ sĩ" của Daewoo, bền hơn và ít tiêu hao nhiên liệu hơn. Những lỗi vặt như hệ thống điện hay thước lái không còn bị phàn nàn như trước.

Chevrolet Captiva - Tiếng xấu đè bóng Trailblazer trong cuộc đua với Toyota Fortuner - Ảnh 4.

Captiva mới đã được khắc phục nhiều nhược điểm trước đây.

Dẫu vậy, tiếng xấu từ trước đó khiến nhiều người vẫn e dè với cái tên Captiva, trong khi mẫu xe này đang có giá khá tốt trong phân khúc (859 triệu đồng sau khuyến mại). Thiết kế xe lại không khác nhiều phiên bản cũ. Doanh số bán hàng chưa cải thiện rõ rệt.