Cụ thể, với hệ thống thu phí kín sử dụng công nghệ RFID (33 cửa), tất cả các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa các dữ liệu liên quan như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… lưu trên thẻ kiểm soát RFID và phát cho chủ phương tiện.

Trước khi phương tiện đi ra đường cao tốc, lái xe sẽ trả thẻ kiểm soát cho nhân viên thu phí. Lúc này các thiết bị đọc sẽ đọc các dữ liệu trên thẻ và máy tính sẽ tự động tính toán đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường cao tốc mà phương tiện đã sử dụng. Sau khi nhận tiền máy tính sẽ tự động in hóa đơn (vé cước phí) và mở barie cho phương tiện đi qua.

Được biết, hệ thống thu phí kín sẽ giúp tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho chủ đầu tư, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho chủ phương tiện. Việc vận hành chính thức toàn bộ hệ thống thu phí kín trên tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dự kiến sẽ bắt đầu từ tháng 4/2017.

Ở một diễn biến liên quan, dự kiến, từ ngày 10-3, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ chính thức đưa vào khai thác Trung tâm quản lý điều hành giao thông thông minh (ITS) trên đường cao tốc TPHCM– Long Thành – Dầu Giây, nhằm điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người và xe khi đi trên đường cao tốc.

Theo thông tin từ VEC, hệ thống giao thông thông minh (ITS) đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây gồm16 camera giám sát và 52 camera thăm dò phương tiện (VDS) được lắp đặt dọc đường cao tốc.

Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên đường cao tốc được truyền về Trung tâm điều hành tại quận 9 (TPHCM). Vì thế, toàn tuyến cao tốc được giám sát 24/24 giờ nhằm giảm thiểu tình trạng ùn ứ xe, hạn chế tối đa các sự cố có thể xảy ra trên đường, đảm bảo an toàn giao thông ở mức độ cao; nhanh chóng phát hiện các sự cố, tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác để đảm bảo công tác cứu hộ, cứu nạn được kịp thời.

Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chính thức thông xe toàn tuyến ngày 8-2-2015. Tuyến cao tốc này dài 55 km, gồm 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng khẩn cấp. Điểm đầu tại nút giao An Phú, quận 2, TPHCM; điểm cuối tại Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai. Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 20.630 tỉ đồng bằng vốn vay ODA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.