Thực trang nhiều vụ tai nạn thảm khốc thường xuyên xảy ra trên đường cao tốc trong suốt thời gian qua đã đánh lên hồi chuông cảnh báo về việc người dân tham gia đường cao tốc với văn hoá "đường làng".
Trong những năm gần đây, các tuyến đường cao tốc tại Việt Nam được phát triển như vũ bão, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông, cũng như kinh tế các vùng miền trên cả nước. Từ giờ đến năm 2020 sẽ bổ sung thêm khoảng 1.082km đường cao tốc Bắc - Nam.
Với việc xây dựng liên tiếp các đường cao tốc, Việt Nam đang dần dần hình thành mạng lưới giao thông thuận tiện hơn để di chuyển cũng như thông thương giữa các vùng miền. Nếu trước đây những đoạn đường Quốc lộ có tốc độ tối đa chỉ 80km/h thì đến giờ đã có những đoạn đường cao tốc, những đường vành đai trên cao cho tốc độ tối đa lên tới 100km/h và cả 120km/h.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự gia tăng của đường cao tốc lại kéo theo việc số vụ tai nạn có mức độ nghiêm trọng tăng cao cũng xảy ra trên những tuyến đường này. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn, trong đó, có thể kể đến những lý do cơ bản sau.
Đi cao tốc với văn hóa "đường làng"
Văn hoá giao thông hay ý thức tham gia giao thông của một phần đông bộ phận người dân chưa thực sự phát triển kịp với sự phát triển của các tuyến đường cao tốc đi qua. Nếu di chuyển qua những tuyến đường cao tốc như Đại lộ Thăng Long với tốc độ tối đa 100km/h, các lái xe có thể dễ dàng bắt gặp cảnh những chiếc xe máy chạy trong phần đường dành riêng cho ô tô hay cảnh người đi bộ sang đường bất ngờ ngay giữa đường cao tốc.
Cảnh tượng xe máy tự chế xuất hiện trên đường cao tốc trên cao tại Hà Nội không phải quá hiếm gặp.
Chính vì sự liều mạng, coi thường tính mạng bản thân và an toàn của người khác mà mỗi ngày chúng ta được nghe không biết bao nhiêu tin tức về tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc và trong đó đa phần đều là những tai nạn thảm khốc. Thử tưởng tượng khi một chiếc xe ô tô đi trong phố với tốc độ chỉ 30-40km/h khi xảy ra va chạm đã có thể khiến chiếc xe bị công vênh, vỡ đèn và biến dạng. Vậy khi đi trên đường cao tốc với tốc độ từ 80km/h đến 100km/h và cả hơn 120km/h thì nếu có tính huống bất ngờ xảy ra như có xe đi ngược chiều, có người băng qua đường hay có xe máy đi trong phần đường xe ô tô thì hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào.
Điển hình như vụ tai nạn vừa mới xảy ra giữa một xe Toyota Innova 2016 và một xe tải trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong tại chỗ, 6 người bị thương nặng. Nguyên nhân sau khi được cơ quan điều tra là vì lái xe Innova đã cho xe đi lùi để tiết kiệm thời gian quay đầu ra khỏi đường cao tốc.
Ô tô tải chở cả chục xe máy chạy ngược chiều trên đường vành đai 3, Nếu có va chạm xảy ra thì thật khó có thể tưởng tượng được hậu quả.
Hay có thể kể tới vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào lúc rạng sáng ngày 19/12/2015 đã khiến nam thanh niên điều khiển chiếc xe máy tử vong tại chỗ trong khi cô gái đi cùng bị gãy tay. Điều đáng nói là đoạn đường này hoàn toàn cấm xe máy lưu thông.
Có thể nói, dường như ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông trên đường cao tốc vẫn chỉ như ý thức của họ khi đi trên đường làng với các phương tiện truyền thống là xe đạp và xe bò.
Hệ thống biển báo trên cao tốc chưa hiệu quả, gây khó khăn cho người TGGT
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, thực tế trên một số tuyến đường cao tốc đã cho thấy hệ thống biển báo còn nhiều bất cấp. Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Hà Nội) - Admin diễn đàn Otofun, một người thường xuyên lái xe lưu thông qua các tuyến đường cao tốc - đã chia sẻ rằng hiện nay, nhiều biển báo, biển chỉ dẫn trên đường cao tốc không đủ to và rõ ràng khiến cho tài xế khi lái xe với tốc độ cao không quan sát kịp, gây mất an toàn giao thông.
Biển cảnh báo tốc độ nhỏ và đặt ở vị trí sát lề bên phải có thể khiến nhiều lái xe không thể quan sát hoặc khi nhận ra thì không kịp giảm tốc độ. (Ảnh: Zing.vn)
“Ở Việt Nam tôi quan sát chỉ có tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là tuyến mà các biển chỉ dẫn đạt chuẩn, còn lại cao tốc Nội Bài - Lào Cao, Đại lộ Thăng Long, Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình hay Cao tốc Trung Lương... đều chưa rõ ràng. Các biển báo chỉ dẫn đường thường nhỏ và thiếu rõ ràng”, anh Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, cách đặt tên biển chỉ dẫn cho các lối ra vào đường cao tốc cũng chưa đồng nhất. Đơn cử, như tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thường lấy tên kỹ thuật (IC4; IC6...) trong khi đó lái xe thường hay nhìn tên địa danh (huyện, tỉnh) để rẽ, chuyển hướng. Như vậy, nếu lái xe không nắm rõ tên kỹ thuật (nút giao IC4-đoạn TP Yên Bái; IC6- đoạn đi vào huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thì sẽ dễ bị nhầm đường và đi quá.
Người đi xe máy tự chế chạy trong phần đường của ô tô tại đại lộ Thăng Long nhưng lại "được" lực lượng chức năng bỏ qua.
Cần chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn, và giáo dục ý thức khi tham gia giao thông của người dân
Nếu nhìn sang các nước tiên tiến như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu, việc giáo dục luật giao thông đường bộ và ý thức tham gia giao thông được thực hiện cực kỳ bài bản cho người dân từ nhỏ và xuyên suốt quá trình giáo dục các cấp. Bên cạnh đó, các kỳ thi sát hạch lấy bằng lái xe cũng được tính toán nội dung học, thi và quy chế cấp bằng rất nghiêm ngặt. Từ đó, người dân nắm rõ và thực hiện tốt các quy tắc khi tham gia giao thông, góp phần nâng cao an toàn giao thông đường bộ.
Thay cho lời kết, nếu các cơ quan chức năng cũng như tất cả những người tham gia giao thông không sớm thay đổi, nâng cao ý thức của mình thì thảm cảnh những gia đình mất người thân, con mất bố, vợ mất chồng do tai nạn giao thông sẽ được hạn chế rất nhiều.