Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, doanh số bán ô tô của các thành viên đạt 26.666 xe trong tháng 7/2019. So với tháng trước đó, doanh số đã giảm 3%. Trong đó, xe du lịch giảm 4%, xe chuyên dụng giảm 21%, chỉ riêng xe thương mại tăng nhẹ 2%. 

Cận tháng cô hồn, người Việt hạn chế mua ô tô để chờ khuyến mãi - Ảnh 1.

Thị trường ô tô giảm nhẹ trước khi bước vào tháng cô hồn.

Một nhân viên tư vấn bán hàng của hãng xe Nhật cho hay, năm nay, khách hàng mua xe không còn e dè, kiêng kỵ tháng cô hồn như trước, nên nhiều khách hàng mua xe giữa năm cố gắng đợi ưu đãi, khuyến mãi trong tháng cô hồn, nhất là với cá nhân hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ.

Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2019 đạt 180.940 xe, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xe du lịch tăng 35%, xe thương mại giảm 1,5% và xe chuyên dụng giảm 28%.

Đối với nguồn gốc, xe lắp ráp trong nước giảm 14%, và xe nhập khẩu tăng 207% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng này là do nửa đầu năm ngoái xe nhập khẩu bị "chặn" đường về do Nghị định 116. Năm nay, nguồn cung xe nhập khẩu dồi dào hơn, cùng với nhiều "tân binh" bán chạy như Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga,... khiến doanh số loại xe này tăng vọt.

Về thị phần, THACO vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu với 30,1% trong tháng 7/2019, bao gồm các thương hiệu Kia, Mazda, Peugeot, Thaco Truck và Bus Thaco. Báo cáo bán hàng của VAMA không có dữ liệu bán hàng của 2 thương hiệu MINI và BMW. Toyota đứng thứ 2 với 28,6%.

Đối với TC Motor, doanh nghiệp bán tổng cộng 6.601 xe, trong đó gồm 6.040 xe du lịch và 561 xe thương mại.


Cận tháng cô hồn, người Việt hạn chế mua ô tô để chờ khuyến mãi - Ảnh 2.