Phần lớn ý kiến bình luận trên mạng xã hội đồng tình việc 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động ở Đắk Lắk phạt học sinh vi phạm luật giao thông bằng "thụt dầu" nhưng hình thức này có nên áp dụng rộng rãi hay không?
Liên quan đến vụ việc trong lúc tuần tra, 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Đắk Lắk phạt 3 học sinh đi chung xe đạp điện, không đội mũ bảo hiểm, bằng cách "thụt dầu" 20 lần, chúng tôi đã ghi nhận một số ý kiến về cách xử lý này.
Chiến sĩ Cảnh sát cơ động phạt 3 học sinh vi phạm luật giao thông bằng "thụt dầu". Ảnh cắt từ clip
Anh Nguyễn Tiến Trung (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - có con đang học lớp 7 - cho rằng anh rất tán thành về cách xử lý của 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động khi phạt 3 em học sinh vi phạm luật giao thông bằng "thụt dầu".
Theo anh Trung, nhiều em học sinh cấp 2, cấp 3 được cha mẹ cưng chiều nên khi mắc những sai phạm, lỗi lầm ngoài xã hội, cha mẹ thường bao bọc, gánh chịu thay. Nhiều em khi vi phạm luật giao thông, công an đều gọi cha mẹ lên nộp phạt và các em ngầm hiểu đó là trách nhiệm, bổn phận của cha mẹ. "Việc các chiến sĩ Cảnh sát cơ động giải thích cho 3 em học sinh về hành vi của mình rồi phạt các em "thụt dầu" 20 lần là phù hợp. Điều này giúp các em nhớ lỗi, không tái phạm và tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình gây ra" - anh Trung nói.
Bà Lê Thị Thảo, Trưởng Phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, nêu quan điểm, các hình thức xử lý vi phạm đối với học sinh, thanh thiếu niên đều phải xuất phát từ quan điểm giáo dục kỷ luật tích cực, phù hợp nhằm giúp các em nhận ra sai lầm để có hướng sửa chữa khắc phục, tiến bộ.
Đối với vụ việc học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông và các chiến sĩ Cảnh sát cơ động đã xử lý trực tiếp bắt "thụt dầu" để nhắc nhở các em về việc các em vi phạm, chứ không mời về trụ sở để lập biên bản, mời phụ huynh, xử phạt, theo bà Thảo đó là một hình thức giáo dục tích cực mà các chiến sĩ đã lựa chọn trong thời điểm đó.
Tuy nhiên, bà Thảo cũng lưu ý rằng, khi lựa chọn hình thức xử lý như thế này cũng cần cân nhắc đến yếu tố tâm lý lứa tuổi, sức khỏe học sinh (bệnh lý về tim mạch, sức khỏe yếu... ). Bà Thảo cũng băn khoăn về hình thức này nếu lặp lại lần thứ 2 với học sinh thì liệu có đảm bảo tính răn đe không?. "Do vậy, đây có thể là một sự việc, hiện tượng đột xuất tạm thời, còn lựa chọn là một hình thức xử lý để đưa ra quy định, nhân rộng, thường xuyên thì cần phải có sự tiếp cận, nghiên cứu đầy đủ, khoa học" - bà Thảo nhấn mạnh.
Như đã phản ánh, sáng 27-5, một đoạn clip ghi lại cảnh 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động bắt 3 em học sinh vi phạm luật giao thông bằng cách "thụt dầu" được đăng tải trên mạng xã hội Facebook.
Chị Lê Kim Khánh, người quay và đăng tải đoạn clip trên cho biết khoảng hơn 8 giờ cùng ngày, có 3 em học sinh đi trên 1 chiếc xe đạp điện, không đội mũ bảo hiểm. Lúc này, có 2 chiến sĩ Cảnh sát cơ động tới giải thích cho các em về hành vi vi phạm luật giao thông rồi phạt các em bằng cách "thụt dầu".
Sau khi đăng tải, đoạn clip nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hàng vạn ý kiến bình luận trên các trang mạng xã hội thể hiện sự đồng tình, trách nhiệm nhưng đáng yêu của chiến sĩ Cảnh sát cơ động.
Clip cảnh sát cơ động phạt 3 em học sinh "thụt dầu". Clip chị Khánh cung cấp