Được biết đến với tên gọi Toto, xe điện 3 bánh có thể chở tối đa 5 người cùng tài xế. Nó được đánh giá là phương thức di chuyển tiết kiệm, lượng khí thải thấp và phù hợp hệ thống đường xá hỗn loạn với 1,3 tỷ dân của Ấn Độ.

Vài năm trở lại đây, hàng nghìn chiếc xe điện 3 bánh xuất hiện song song cùng các loại hình giao thông công cộng truyền thống khác như xe bus hay xe đạp 3 bánh. Michael, 32 tuổi, lái xe điện 3 bánh tại một thị trấn gần Kolkata - thành phố phía đông Ấn Độ - cho biết: "Người dân ở đây rất thích Toto bởi chúng tôi có thể đưa đón họ đến tận cửa nhà và chạy trên những tuyến đường mà giao thông công cộng truyền thống "bó tay".

Pinki Gurung, một cư dân khác sống gần thành phố Kolkata, đã tin tưởng xe điện 3 bánh như phương tiện đi lại chính mỗi khi gia đình bà có nhu cầu thăm họ hàng.

Cách người nghèo Ấn Độ tiếp cận xe điện khi chưa thể mua ô tô - Ảnh 1.

Toto được trang bị pin đặt trong một chiếc hộp bên dưới ghế ngồi.

Với Toto, ngay cả những người không có điều kiện học cao cũng có thể kiếm trung bình 500 Rupee/ngày (7,7 USD) sau đó bỏ ra 50 Rupee để sạc pin cho phương tiện. Thực thế cho thấy, các thị trấn nhỏ quanh Kolkata ngày càng quan tâm đến loại hình vận tải hành khách này.

Ở thời điểm hiện tại, xe điện 3 bánh được sản xuất bởi một số doanh nghiệp ít tiếng tăm tại địa phương. Điểm yếu chỉ là, các tài xế thường phàn nàn chúng không đủ mạnh.

Đầu tháng 9, hãng sản xuất ô tô hàng đầu Ấn Độ Mahindra & Mahindra thông báo sẽ giới thiệu e-Alfa Mini, mẫu xe điện 3 bánh không khí thải thiết kế dành riêng cho Ấn Độ với giá bán 112.000 Rupee (1.714 USD). Bên cạnh đó, Mahindra & Mahindra cũng bắt tay với hãng xe Ford của Mỹ nhằm mở rộng thị trường xe điện tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Rajan Wadhera, Chủ tịch mảng ô tô tại Mahindra & Mahindra, cho hay: "Ở Mahindra, chúng tôi ủng hộ mục tiêu của Chính phủ về việc đưa Ấn Độ thành quốc gia sử dụng 100% xe điện vào năm 2030". Mahindra sẽ bắt đầu sản xuất 1.000 xe mỗi tháng tại nhà máy ở thành phố Haridwar. Các mẫu xe này dự kiến được đưa vào hệ thống giao thông công cộng từ năm tới.

Cách người nghèo Ấn Độ tiếp cận xe điện khi chưa thể mua ô tô - Ảnh 2.

Những chiếc xe điện 3 bánh xếp hàng bên ngoài một trường cao đẳng ở New Delhi, chờ đón sinh viên sau giờ học.

Trong giai đoạn Ấn Độ đang tìm kiếm giải pháp giảm nhập khẩu dầu mỏ, đồng thời hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí theo thỏa thuận khí hậu Paris, Chính phủ nhận thấy sự cần thiết phải phổ biến giao thông công cộng, trong đó có xe điện 3 bánh. Ấn Độ nhập khẩu hơn 80% lượng dầu thô và con số dự kiến tăng gấp đôi vào năm 2030. Do vậy, việc chuyển sang xe điện được kỳ vọng sẽ đem đến những thay đổi đáng chú ý.

Trong năm nay, Bộ trưởng Đường bộ Nitin Gadkari cùng Chủ tịch tỉnh Maharashtra – ông Devendra Fadnavis vừa vận hành dự án xe điện đa phương thức đầu tiên của Ấn Độ tại thành phố Nagpur. Dự án đưa xe bus điện, taxi điện và xe điện 3 bánh vào cùng một ứng dụng đặt xe Ola. "Đội ngũ" gồm 200 xe điện, 100 xe e20 Plus của Mahindra & Mahindra, còn lại đến từ các nhà sản xuất như Tata Motors, Kinetic và TVS.

Cách người nghèo Ấn Độ tiếp cận xe điện khi chưa thể mua ô tô - Ảnh 3.

Toto được hãng cung cấp ứng dụng taxi Ola bổ sung vào danh mục lựa chọn cho khách hàng sống tại Delhi và các vùng lân cận từ tháng 3 năm nay. Ola do tập đoàn viễn thông SoftBank hàng đầu Nhật Bản "hậu thuẫn". Hãng vừa đầu tư số tiền 500 triệu Rupee (7,7 triệu USD) vào một dự án xe điện, bao gồm cơ sở hạ tầng trạm sạc.

Mặc dù vậy, thị trường xe điện Ấn Độ còn tương đối nhỏ nên các nhà sản xuất chưa nhìn thấy nhiều cơ hội kinh doanh. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, thị phần xe điện ở Ấn Độ chỉ đạt 0,02%, thấp hơn rất nhiều so với những thị trường khác. Mahindra & Mahindra hiện là nhà sản xuất xe điện duy nhất tại đây nhưng lượng tiêu thụ nội địa cũng không mấy khả quan khiến hãng phải tìm kiếm cơ hội tại những thị trường như Mỹ và châu Âu.