Người dân băn khoăn: Có được đi về quê bằng xe máy, ô tô riêng?

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.

Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội trong ngày đầu thực hiện cách ly toàn xã hội.

Trong Chỉ thị cũng yêu cầu, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác; dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Trước chỉ thị này, nhiều người thắc mắc liệu không dùng taxi, xe khách thì vẫn có thể về quê bằng xe máy hoặc ô tô riêng hay không? Liệu đây có phải là phong tỏa thành phố?

Tuy nhiên, Thủ tướng đã khẳng định, các giải pháp mới nhất (theo Chỉ thị 16 vừa ban hành) mang tính "tiền khẩn cấp", là để giãn cách xã hội. Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình. Chính phủ chưa tính đến việc phong tỏa các thành phố lớn.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 2.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

Cũng trong ngày 31/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – người phát ngôn Chính Phủ cho biết, các giải pháp về cách ly xã hội mới là dự lệnh, khuyến cáo, chưa phải lệnh cấm. Việc này cũng không đồng nghĩa với phong tỏa đất nước.

"Đây là những dự lệnh, những khuyến cáo, hạn chế, yêu cầu mà lãnh đạo Chính phủ đưa ra, chưa phải lệnh cấm", Bộ trưởng Dũng giải thích và cho biết Chính phủ luôn chuẩn bị sẵn mọi phương án.

Như vậy, chỉ thị mới của Chính phủ là không ngăn cấm giao thông, không phải phong tỏa xã hội mà hạn chế tối đa giao thông. Chính vì vậy, mỗi người dân cần tự giác có ý thức cao để cùng chung tay với Tổ quốc chống dịch bệnh COVID-19. Không ra ngoài nếu không thật sự cần thiết. Việc đi lại, từ vùng này đến vùng khác bằng xe riêng cũng cần hạn chế tối đa trong thời điểm này.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 3.

Việc cách ly toàn xã hội mới chỉ dừng lại ở việc thuyết phục, vận động nhân dân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình, gia đình mình.


"Dù không cấm nhưng trở về quê trong thời điểm này là tăng nguy cơ cho cộng đồng"

Anh Đình Phương, một hộ gia đình sinh sống tại làng Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết gia đình anh dự tính sẽ về quê trong thời gian tới.

"Để phòng dịch bệnh COVID-19, hai vợ chồng tôi được cơ quan và công ty tạo điều kiện cho làm việc online, các cháu thì được nghỉ học. Chính vì vậy tôi dự kiến sẽ đưa cả gia đình về quê. Nhưng mới đây Chính phủ ra chỉ thị về việc cách ly toàn xã hội nên tôi băn khoăn không biết liệu còn được đi xe riêng về hay không và nên về bằng phương tiện gì nữa", anh Phương tâm sự.

Không chỉ có gia đình anh Phương mà còn nhiều hộ gia đình khác cũng băn khoăn về việc này. Theo chị Nguyễn Hằng, một người dân đang sinh sống và làm việc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, kể từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, chị đã hạn chế đi lại và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 4.

Các công viên tại Hà Nội cũng đồng loạt đóng cửa trong ngày đầu thực hiện Chỉ thị cách ly xã hội.

Chị Hằng cho biết, thời gian gần đây chị cũng có dự định sẽ về thăm quê vì đã lâu không về. Tuy nhiên, khi nắm được Chỉ thị số 16 của Chính Phủ về việc cách ly xã hội để phòng chống COVID-19, chị Hằng đã suy nghĩ lại và quyết định không về thăm quê trong thời điểm hiện tại.

"Hiện tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đang khá phức tạp nên khi tôi sinh sống, làm việc tại Hà Nội mà trở về quê trong thời điểm này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cho cộng đồng. Hơn nữa khi tôi về quê tiếp xúc với nhiều người rồi trở lại Hà Nội với dân cư đông đúc sinh sống sẽ càng nguy hiểm hơn. Sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng là trên hết nên tôi quyết định không về", chị Hằng bày tỏ.

Cũng là một người dân xa quê, sinh sống và làm việc tại Hà Nội đã lâu, anh Tuấn Linh (trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, bản thân anh cũng từng có ý định về thăm quê tại Tuyên Quang trong những ngày tới do được cơ quan tạo điều kiện cho làm việc online để phòng dịch COVID-19. Tuy nhiên khi nắm được Chỉ thị số 16 của Chính phủ, anh đã thay đổi ý định.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 5.

Anh Tuấn Linh quyết định sẽ không về quê trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

"Ai cũng vậy cả, đi xa quê lâu ngày sẽ muốn về thăm quê nhưng hiện dịch COVID-19 ở Hà Nội khá phức tạp nên việc về thăm quê cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Sau khi Chỉ thị cách ly xã hội của Chính Phủ được ban hành để phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì tôi đã suy nghĩ lại và quyết định không về quê nữa.

Xe khách nghỉ thì tôi có thể đi xe máy về thăm quê được vì có nhiều thời gian nhưng tôi không làm vậy. Sống ở Hà Nội đông dân lại đang có dịch bệnh phức tạp, việc về quê cũng sẽ khiến dân cư quanh khu vực cảm thấy không vui vì bản thân mình cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Tôi quyết định sẽ ở yên tại Hà Nội để cùng Tổ quốc chống dịch", anh Tuấn Linh chia sẻ.

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 6.

Thủ tướng phân tích rõ: Cách ly xã hội không phải ngăn cấm giao thông, không phải phong tỏa xã hội mà hạn chế tối đa giao thông.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ngày càng phức tạp, và trong thời gian tới đây, đất nước chúng ta sẽ bước vào giai đoạn thử thách thật sự. Thông điệp mà Chính phủ, Bộ Y Tế và các cơ quan chính quyền địa phương đưa ra, đó là: Người dân nếu không có nhiệm vụ gì, nếu thực sự không cần thiết thì nên ở nhà vì nguy cơ lây nhiễm chéo trong cộng đồng đang rất cao.

Đứng yên thời điểm này - với tất cả chúng ta, đó là ở nhà. Tôi ở nhà! Tôi thực hiện nghiêm túc cách ly xã hội. Vì ở nhà lúc này là tự bảo vệ bản thân mình, bảo vệ người thân, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, và bớt đi gánh nặng trên vai Tổ quốc.

Các y bác sĩ trên toàn thế giới đang lan truyền thông điệp "Chúng tôi đi làm vì bạn, xin hãy ở nhà vì chúng tôi". Là một công dân có ý thức, đặt sự an toàn sức khoẻ lên hàng đầu, hãy cùng nhau lan toả lời kêu gọi #toionha để nhanh chóng đẩy lùi #CôVyĐiĐi các bạn nhé!

Cách ly xã hội 15 ngày để chống COVID-19, liệu người dân có nên về quê bằng xe riêng? - Ảnh 7.