Triển lãm Paris Motor Show vừa qua chứng kiến sự xuất hiện lần đầu tiên của GAC Motor tại sự kiện này, qua đó thể hiện rõ tham vọng toàn cầu hóa của ban lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc. Chiếc GS5 của họ cũng được đánh giá là không tồi về thiết kế ngay cả khi người nhận xét là khách hàng châu Âu – xuất phát điểm những thương hiệu xe hàng đầu thế giới.

Các hãng xe Trung Quốc trước thách thức và cơ hội trời cho - Ảnh 1.

GAC GS5

Tuy nhiên, số tập đoàn có quy mô như GAC tại Trung Quốc không có nhiều, có tham vọng lấn sân sang cả Bắc Mỹ lẫn châu Âu thì còn hiếm hơn nữa. Hiện chỉ có Geely là cái tên Trung Quốc nổi bật còn lại trên trường quốc tế sau màn thâu tóm Volvo, hợp tác với Daimler và mới nhất là trình làng thương hiệu con Lynk & Co nhắm tới thị phần xe châu Âu.

So với những cái tên danh giá tới từ Nhật Bản hay Hàn Quốc, một số hãng xe Trung Quốc có khả năng tài chính không thua kém là bao thậm chí vượt hơn, do đó tham vọng của họ lớn tương xứng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc đã và đang đe dọa cực lớn tới tham vọng đó, đồng thời chính sách Trung Quốc thay đổi cũng khiến quốc gia này không còn là "hầm trú ẩn" an toàn với họ.

Ngay cả những cái tên danh giá nhất của Trung Quốc giờ cũng phải tạm thời "im hơi lặng tiếng" chấp nhận thế thủ trên sân nhà. Họ cẩn thận là có nguyên do bởi cuộc chiến thương mại này, hay nói đúng hơn là kết quả của nó, có thể làm thay đổi bộ mặt toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô chứ không riêng gì thị trường Trung Quốc.

Các hãng xe Trung Quốc trước thách thức và cơ hội trời cho - Ảnh 2.

Các hãng xe Trung Quốc đang rất cẩn trọng ngay cả trên sân nhà do sức cạnh tranh lẫn nhau đang tăng đồng thời gặp khó ở thị trường quốc tế do chiến tranh thương mại.

Cuộc chiến thương mại được chính quyền Donald Trump "khơi mào" sẽ gây khó dễ cho gần như toàn bộ hãng xe thế giới ngay cả của Mỹ. Đó là bài toán đầu tiên mà người Trung Quốc phải giải được nếu muốn nghĩ đến chuyện tiến xa trên trường quốc tế. Chính GAC Motor cũng phải thừa nhận cuộc chiến này cũng như hàng rào thuế quan mới sẽ khiến họ ra mắt khu vực này chậm 1 tới 2 năm (dự đoán 2020).

Tuy nhiên trước đó, họ phải tìm lời giải cho 1 thách thức khác chính là thị trường trong nước. Trong vòng 5 năm tới ngành ô tô Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn – những hàng rào bị xóa bỏ, thể chế bảo vệ bị loại trừ, các thương hiệu lớn của Trung Quốc sẽ đối mặt với thử thách lớn chưa từng có. Phần đông các doanh nghiệp kinh doanh xe sẽ chết (hiện Trung Quốc có khoảng 180 hãng xe).

Các hãng xe Trung Quốc trước thách thức và cơ hội trời cho - Ảnh 3.

Phần lớn hãng xe Trung Quốc sẽ biến mất trong 3 tới 5 năm tới.

Số còn lại, sau khi vượt qua 2 bài toán khó nhằn ở 2 mảng trong nước và quốc tế, sẽ trở thành "con sóng" gây ảnh hưởng tới làng xe toàn cầu, lung lay những bộ móng do các tên tuổi châu Âu hay Bắc Mỹ thiết lập.

Dù vậy, vẫn còn một tới 2 thập kỷ nữa ta mới có thể thấy được những tên tuổi Trung Quốc làm mưa làm gió trên toàn cầu – khảo sát mới được thực hiện bởi Autolist cho thấy hơn 1/3 người tiêu dùng Mỹ còn không muốn đụng vào xe Trung Quốc.

Do vậy hiện giờ, các hãng xe Trung Quốc vẫn phải chấp nhận rằng thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ là các khu vực đang phát triển: châu Phi, Đông Âu, Đông Nam Á và Mỹ Latin và hy vọng vào những thay đổi có lợi cho mình trong giai đoạn sắp tới.

Tham khảo: Autonews