Nếu chăm chỉ theo dõi tin tức từ cuối 2020 tới nay, bạn sẽ thấy cái tên chỉ xuất hiện dưới dạng "tin đồn" từ đó tới nay.
Trong năm 2020, lãnh đạo Mazda thừa nhận họ sẽ chỉ có xe mới từ thời điểm 2022 trở đi, đồng nghĩa 2021 là khoảng trống mà hãng không có cách nào điều khiển để hướng sự chú ý từ dư luận về mình.
Thông tin xoay quanh thương hiệu Nhật, từ đó tới nay, luôn chỉ xoay quanh yếu tố "tin đồn". Từ sự trở lại của động cơ xoay dưới dạng "máy phát" tăng tầm vận hành mô tơ điện, một thương hiệu con thuần điện và sự trở lại của xe thể thao. Tới giờ, vẫn chưa có gì trong số trên được xác thực.
Cặp thương hiệu mới của Mazda dự kiến chào sân vào 2022.
Khoảng lặng này đang được Mazda tận dụng để hoàn tất các dự án tối quan trọng phục vụ tương lai thương hiệu. Thế hệ mới của 2 dòng xe danh tiếng là Mazda CX-5 và Mazda6 đang chờ ngày ra mắt trong năm 2022 sau thời gian phát triển dài hơi. Tuy nhiên, quan trọng hơn cả là họ cần hoàn thiện công nghệ xe điện nếu không muốn bị các đối thủ bỏ xa trong giai đoạn 5 – 10 năm tới.
Mẫu xe điện "phổ thông" duy nhất của Mazda là MX-30 sau ngày ra mắt gần như "mất tăm" ngay cả tại Bắc Mỹ - khu vực chuộng xe điện thuộc diện đầu thế giới. Bất chấp thiết kế ổn (cả nội và ngoại thất) so với các đối thủ, xe điện của thương hiệu Nhật có quá nhiều yếu điểm để thuyết phục khách hàng.
Mazda MX-30
Đầu tiên, cabin MX-30 không đủ rộng một phần vì kích cỡ, một phần vì thiết kế trần xe hy sinh độ thực tiễn để đổi lấy điểm thẩm mỹ. Tiếp đến, giá bán xe quá cao (khởi điểm 34.470 USD tại Mỹ) so với các đối thủ như Chevrolet Bolt (31.000 USD), Mini Cooper SE (30.000 USD) hay Nissan Leaf (27.400 USD) cũng khiến Mazda MX-30 không được chuộng.
Tuy vậy, điểm yếu chết người nhất của Mazda MX-30 tới từ tầm vận hành không thể khiêm tốn hơn (160 km) và thua xa các đối thủ kể trên: Nissan Leaf là 240 km, Chevy Bolt là 420 km còn MINI Cooper SE khiêm tốn nhất cũng ở 190 km.
Một trong những điểm nhấn ăn tiền của Mazda suốt những năm qua là trải nghiệm lái cũng không được truyền tải hiệu quả lên xe điện. Mô tơ điện đơn dẫn động cầu trước trên MX-30 cho công suất khiêm tốn ở 143 mã lực – con số không đủ cao để giúp một chiếc SUV nặng nề đạt độ linh hoạt cần thiết để mang lại trải nghiệm lái "đỉnh".
Nếu tin đồn về việc các thương hiệu con Mazda E (xe điện) và Mazda R (xe thể thao) được đẩy mạnh là sự thực, ít nhất hãng xe Nhật vẫn sẽ còn sức kháng cự đủ mạnh trong giai đoạn tương lai gần. Dù vậy, để nhắm tới một tương lai bền vững, họ cần làm nhiều hơn thế từ 2021 trở đi, có lẽ là khởi đầu với việc tìm kiếm các đối tác đủ tốt trong làng xe điện…
Tham khảo: Jalopnik