Mới đây, Bugatti đã cho biết rằng họ đang lên kế hoạch sử dụng công nghệ in 3D để chế tạo cùm phanh cho các mẫu siêu xe tương lai của họ và quá trình thử nghiệm bắt đầu từ nửa đầu năm nay. Như vậy, đây sẽ là hãng xe đầu tiên trên thế giới phát triển má phanh được chế tạo từ công nghệ in 3D.

Đây sẽ là mẫu cùm phanh có kích thước to nhất trong ngành công nghiệp ô tô từ trước đến giờ và được chế tạo từ chất liệu titan. Như vậy, ngoài việc là hãng xe đầu tiên áp dụng công nghệ in 3D vào việc sản xuất cùm phanh, Bugatti đồng thời là hãng đi xe đầu ứng dụng chất liệu titan vào việc sản xuất bộ phận này.

Bugatti là hãng xe đầu tiên chế tạo cùm phanh titan bằng cách in 3D - Ảnh 1.

Bộ cùm phanh titan in 3D. Ảnh: Bugatti.

Điều khiến Bugatti sử dụng titan để chế tạo cùm phanh là vì chất liệu này sẽ giúp cải thiện rất nhiều khả năng phanh so với loại bằng nhôm hiện đang rất phổ biến hiện nay. Đặc biệt, chính loại chất liệu được áp dụng vào mẫu má phanh này chính là chất liệu áp dụng trong ngành vũ trụ để làm khoang động cơ và chế tạo cánh.

Bugatti còn cho biết rằng, một lực có trọng lượng 125 kg có thể tác động trong 1 milimet vuông cũng không thể phá hủy được cùm phanh này. Nhờ áp dụng chất liệu titan mà trọng lượng của cùm phanh chỉ 2,9kg, so với 4,8kg trên loại cùm phanh làm bằng nhôm hiện đang dùng trên mẫu xe Bugatti Chiron.

Bugatti là hãng xe đầu tiên chế tạo cùm phanh titan bằng cách in 3D - Ảnh 2.

Bugatti Chiron hiện đang sử dụng má phanh được làm từ chất liệu nhôm

Các số đo của loại má phanh in 3D này bao gồm 40.9 x 21 x 13.7 cm (dài x rộng x cao). Để bắt đầu quá trình nghiên cứu và sản xuất, Bugatti đã "làm bạn" với một viện nghiên cứu tại Hambur, Đức. Tại đây, viện nghiên cứu mất 45 tiếng đồng hồ để in hoàn chỉnh một chiếc cùm phanh cho Bugatti.

Để có thể in được, viện nghiên cứu phải dùng tới 4 đèn tia laser 400 watt để có thể làm chảy chất liệu titan, sau đó được làm nguội và tạo thành khuôn. Sau quá trình đó hoàn tất, một loại bột titan sẽ được phủ lên cùm phanh rồi để trong môi trường có nhiệt độ lên tới gần 700 độ C, cuối cùng là để nguội xuống khoảng 212 độ C. Công đoạn này nhằm đảm bảo tính ổn định cho cùm phanh khi gặp nhiệt độ cao.

Bề mặt trên cùng của cùm phanh, bao gồm cả bộ phận pít-tông tiếp xung với bề mặt của đĩa phanh sẽ được hoàn thiện ở công đoạn cuối, công đoạn này tiêu tốn tới 11 tiếng mỗi cùm phanh.

Bugatti mong rằng có thể rút ngắn thời gian thử nghiệm để có thể đưa vào sản xuất đại trà trong thời gian sớm nhất, tất nhiên chưa phải ngay thời điểm bây giờ. Công nghệ in 3D sẽ rất tiềm năng trong tương lai khi có thể ứng dụng để sản xuất nhiều bộ phận trên ô tô và giúp các hãng xe hơi tiết kiệm được hàng triệu USD.